Bên cạnh việc đầu tư vào các công ty có liên quan, Thành Thành Công đầu tư vào nhiều cổ phiếu khác.

Bên cạnh việc đầu tư vào các công ty có liên quan, Thành Thành Công đầu tư vào nhiều cổ phiếu khác.

Khi doanh nghiệp niêm yết trở thành “F0”

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Không ít doanh nghiệp niêm yết đã trở thành “F0”, là lực lượng nhà đầu tư mới góp phần quan trọng tạo nên thanh khoản đột biến và sự thăng hoa của chỉ số chứng khoán.

Điểm danh những F0 “tay to”

Hoạt động kinh doanh cốt lõi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong khi mặt bằng lãi suất thấp, nhiều doanh nghiệp niêm yết sở hữu quỹ tiền mặt lớn đã tìm tới kênh đầu tư chứng khoán như một cách để gia tăng tài sản cho doanh nghiệp, cho cổ đông.

Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) là một trong những nhà đầu tư F0 như vậy. Báo cáo tài chính quý III/2020 của Vĩnh Hoàn cho biết, tính tới 30/9/2020, Công ty sở hữu 1.656,6 tỷ đồng tiền và đầu tư tài chính, chiếm 23,6% tổng tài sản của doanh nghiệp. Trong đó, Công ty dành 117,7 tỷ đồng đầu tư chứng khoán, còn lại là gửi ngân hàng.

Đáng chú ý, khoản mục đầu tư chứng khoán chỉ mới xuất hiện từ quý II năm nay, giai đoạn thị trường chứng khoán tạo đáy do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Trong 9 tháng đầu năm, Vĩnh Hoàn lãi từ đầu tư chứng khoán 36,7 tỷ đồng và khoản lỗ 10,3 tỷ đồng, ghi nhận lãi ròng 26,4 tỷ đồng. Danh mục đầu tư của Công ty gồm khoản đầu tư trị giá 50,1 tỷ đồng vào cổ phiếu HPG, 40,7 tỷ đồng vào cổ phiếu VNM và 29 tỷ đồng vào cổ phiếu FPT.

Báo cáo của Công ty cổ phần Sách Giáo dục tại TP. Hà Nội (mã EBS) thời điểm đầu năm chưa xuất hiện khoản đầu tư chứng khoán thì tới 30/9/2020, giá trị khoản mục này là 7,9 tỷ đồng.

Danh mục đầu tư của Công ty bao gồm 75.000 cổ phiếu ACB, 341.613 cổ phiếu HDG, 280.800 cổ phiếu LAS, 112.000 cổ phiếu LCG, 34.620 cổ phiếu LDG, 128.100 cổ phiếu TCS.

Mặc dù đầu tư vào giai đoạn thị trường tăng tốt, nhưng EBS đang phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán 300,6 triệu đồng trong 9 tháng đầu năm.

Công ty cổ phần MHC (mã MHC) vừa có một quý tăng trưởng đột biến về lợi nhuận. Dù doanh thu thuần quý III chỉ đạt 4,5 tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ 2019, nhưng Công ty ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế lên tới 63,5 tỷ đồng.

Cùng kỳ năm ngoái, MHC lỗ 4,8 tỷ đồng. Chính khoản lãi hơn 80 tỷ đồng từ đầu tư vào cổ phiếu GEX (của Tổng công ty Gelex) đã giúp Công ty có một quý thành công như vậy.

Đáng chú ý, tính tới 30/9/2020, tổng giá trị đầu tư chứng khoán của MHC tăng thêm 210,2 tỷ đồng so với đầu năm lên 552,9 tỷ đồng.

Chính khoản lãi hơn 80 tỷ đồng từ đầu tư vào cổ phiếu GEX đã giúp MHC có quý III thành công.

Trong đó, khoản đầu tư vào GEX ghi nhận thời điểm đầu năm giá thị trường là 290,6 tỷ đồng, giá gốc 292,7 tỷ đồng thì tới 30/9 đạt 445,7 tỷ đồng, giá gốc 365,6 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp đã đầu tư thêm gần 73 tỷ đồng vào GEX.

Công ty cổ phần SCI (mã S99) đã báo cáo kết quả kinh doanh quý III với doanh thu giảm nhẹ 2,58%, đạt 216,1 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận tăng 2.296,87% so với cùng kỳ, đạt 29,5 tỷ đồng.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận lãi 96,3 tỷ đồng, tăng 133% so với cùng kỳ. Kết quả này là nhờ S99 vừa chốt lời cổ phiếu GEX, vừa hoàn nhập được 3,38 tỷ đồng dự phòng giảm giá chứng khoán năm 2019.

Tính tới 30/9/2020, S99 có khoản đầu tư trị giá 63 tỷ đồng vào GEX, 12,8 tỷ đồng vào VGC, 2,75 tỷ đồng vào MHC. Trong kỳ báo cáo, giá cổ phiếu GEX, VGC và MHC đều tăng khá mạnh.

Điều tương tự cũng diễn ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Thành Công – Biên Hoà (mã SBT). Bên cạnh việc đầu tư vào công ty có liên quan là Điện Gia Lai (GEG), SBT còn đầu tư 24,2 tỷ đồng vào cổ phiếu SAB, 8,5 tỷ đồng vào cổ phiếu ITA, 3,4 tỷ đồng vào cổ phiếu VNM…

Trong đó, khoản đầu tư vào cổ phiếu SAB và VNM mới xuất hiện trong giai đoạn 30/6 - 30/9/2020. Trong kỳ báo cáo, cổ phiếu ITA, VNM tăng khá tốt.

Tại Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu Bình Thạnh (GIL) cũng có dấu hiệu gia tăng đầu tư vào kênh chứng khoán. Nếu như đầu năm nay, giá trị gốc của khoản đầu tư chứng khoán là 3 tỷ đồng thì tới 30/9 đã tăng lên 14,7 tỷ đồng.

Kiếm lời không dễ

Đầu tư tài chính thực ra không phải là câu chuyện mới ở các doanh nghiệp niêm yết hoạt động trong lĩnh vực sản xuất. Đặc biệt, trong những giai đoạn thăng hoa của thị trường chứng khoán, khi cơ hội kiếm lời dễ dàng, các doanh nghiệp có dòng tiền nhàn rỗi khó có thể đứng ngoài.

Nhưng thực tế cho thấy, không phải doanh nghiệp nào cũng kiếm lời được, ngay cả khi trong giai đoạn thị trường chung tăng điểm.

Trường hợp Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (mã NDN) là một ví dụ.

Giá trị danh mục đầu tư chứng khoán của Công ty không thay đổi nhiều so với đầu năm, hơn 100 tỷ đồng nhưng danh mục đầu tư đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ. Những cổ phiếu như AAA (giá trị 34,9 tỷ đồng), PNJ (giá trị 36,8 tỷ đồng), F.I.T (giá trị 8,9 tỷ đồng)… được thay bằng DBC (giá trị 25,7 tỷ đồng), DCM (giá trị 15,5 tỷ đồng), TAR (giá trị 13,5 tỷ đồng), CMX (giá trị 9,8 tỷ đồng)…

Trong quý I, Công ty ghi nhận lỗ đầu tư chứng khoán 14,1 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm lỗ luỹ kế 11,5 tỷ đồng và 9 tháng đầu năm lỗ 2 tỷ đồng. Dù kết quả kinh doanh trong mảng chứng khoán có dấu hiệu cải thiện trong quý gần đây, nhưng rõ ràng, Công ty chưa kiếm được lợi nhuận từ đà tăng của thị trường cổ phiếu thời gian qua.

Xa hơn, từ năm 2016 tới nay, mặc dù liên tục duy trì danh mục đầu tư vào cổ phiếu cơ bản nhưng hiệu quả mảng kinh doanh chứng khoán của NDN cũng không đều. Năm 2016, Công ty lỗ 40,2 tỷ đồng, năm 2017 lãi 29,3 tỷ đồng, năm 2018 lãi 4,5 tỷ đồng, năm 2019 lỗ 10,7 tỷ đồng.

Ngay cả với SAM Holdings (SAM), doanh nghiệp xác định đầu tư tài chính là một trong những mảng trụ cột thì lợi nhuận mảng tài chính cũng trồi sụt trong những năm qua. Năm 2016, mảng này ghi nhận lỗ 1 tỷ đồng, năm 2017 lãi 68 tỷ đồng, năm 2018 lỗ 70 tỷ đồng, năm 2019 lỗ 28 tỷ đồng và 9 tháng đầu năm 2020 lãi 120,8 tỷ đồng.

Nhìn lại lịch sử thị trường chứng khoán trong nước, giai đoạn chỉ số liên tục thăng hoa 2006 - 2007 cũng thu hút được nhiều doanh nghiệp niêm yết tham gia đầu tư cổ phiếu. Để rồi sau đó, khi thị trường lao dốc sâu, rất nhiều doanh nghiệp đã phải nếm trái đắng thua lỗ, mất vốn.

Việc sa đà vào lĩnh vực “tay trái” là đầu tư tài chính sẽ tiềm ẩn rủi ro không nhỏ với các doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh lõi là sản xuất.

Tin bài liên quan