Tiếp thị số, công cụ tiếp cận khách hàng mới
Ông Lê Viết Hải Sơn, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Novaon cho biết, khi đưa sản phẩm công nghệ của Công ty tiếp thị tại thị trường Indonesia, ông nhận thấy rằng, lĩnh vực tiếp thị số của Việt Nam đã phát triển trước Indonesia trên 5 năm, cho dù GDP nước bạn cao hơn Việt Nam gấp 4 lần.
Theo ông Sơn, tiếp thị số phát triển nhanh và thành công tại Việt Nam là bởi các doanh nghiệp chịu khó chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp, giúp thúc đẩy hiệu quả, cũng như tự tin đầu tư để tăng trưởng.
Với nhiều doanh nghiệp, tiếp thị số là một trong những chiến lược quan trọng trong hành trình phát triển. Thời gian gần đây, doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn đến công cụ này, thay vì chỉ đo lượng truy cập vào website (traffic) của người dùng.
Chia sẻ tại “Conversion day 2019”, ông Matthew Heller, Tổng giám đốc phụ trách Đối tác cấp cao Google khu vực Ấn Độ và Đông Nam Á cho biết, tiếp thị số sẽ giúp doanh nghiệp đo đếm cụ thể hành động của khách hàng trên website, qua đó nắm bắt được nhu cầu khách hàng để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ kịp thời và phù hợp.
"Làm việc tại Việt Nam một thời gian dài, chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và người dùng, tôi tin rằng, nếu tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong hoạt động, cụ thể ở đây là tiếp thị số, các doanh nghiệp Việt sẽ còn tiến xa", ông Matthew Heller nhấn mạnh.
Bà Pearl Nguyễn, Giám đốc Đối tác chiến lược của Google tại Việt Nam cũng cho hay, hiện 8/10 nhà quảng cáo tại Việt Nam mới chỉ nắm được thông tin khách hàng qua việc đo click, traffic. Theo chuyên gia này, các công cụ đó hiện đã lỗi thời. Doanh nghiệp ngày nay cần phải biết khách hàng đang làm gì trên website và có hoàn tất hành động đó hay không để có cách ứng phó.
"Để đạt hiệu quả kinh doanh tốt nhất, doanh nghiệp cần tiến hành chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ là yếu tố quyết định sự thành công của doanh nghiệp trên chặng đường này", bà Pearl Nguyễn nói.
Cá nhanh sẽ nuốt cá chậm
Theo ông Alan Ho, Giám đốc Marketing Tibco Software khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản, công nghệ số đang khiến thế giới thay đổi từng ngày, từng giờ, ở mọi nơi, mọi cấp độ và Việt Nam không là ngoại lệ.
"Trong cuộc đua công nghệ, không phải cá lớn nuốt cá bé nữa, mà là cá nhanh sẽ nuốt cá chậm. Để dẫn dắt sự thay đổi này, đòi hỏi doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị kỹ càng cả về nguồn nhân lực, công nghệ và kỹ thuật, mà trước tiên là trang bị kiến thức cần thiết cho đội ngũ nhân lực công nghệ tại Việt Nam để trở nên chuyên nghiệp hơn", ông Alan Ho nói.
Đồng quan điểm, TS. Ngô Tự Lập, Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI) cũng cho rằng, nhân lực công nghệ là một trong những yếu tố quan trọng nhất để doanh nghiệp tăng trưởng.
“Chúng ta đang tiến vào thời đại công nghiệp 4.0, dựa trên nhiều công nghệ mới, trong đó có công nghệ số hóa, nên đòi hỏi nhu cầu nhân lực lớn. Công nghệ số thay đổi cách sống, cách kinh doanh, cách nghĩ của mỗi người. Doanh nghiệp sở hữu đội nhân lực công nghệ tốt sẽ thành công nhanh hơn”, ông Lập nhấn mạnh.
Ở một góc nhìn khác, bà Phạm Ngọc Mai Anh, CEO ADT Creative đánh giá, hiện nay, start-up công nghệ của Việt Nam phát triển nhiều, nhưng thành công không được bao nhiêu, một phần do thiếu môi trường phát triển. Do đó, nhiều doanh nghiệp chọn cách đi gia công cho nước ngoài thay vì xây dựng một thương hiệu riêng.
Theo bà Mai Anh, nếu muốn phát triển một môi trường khởi nghiệp lành mạnh, phát huy được yếu tố sáng tạo và trí tuệ của người Việt thì trước hết phải trân trọng công sức của những người làm ra môi trường đó. Điều này giúp họ có thêm động lực đầu tư thời gian, công sức và tiền bạc để làm ra các sản phẩm độc đáo và hữu ích, thay vì chỉ gia công cho nước ngoài.