“Khai hoang” lĩnh vực đầu tư mới này sẽ đưa họ về đâu trong bối cảnh không ít doanh nghiệp chuyên về nông nghiệp bị “ngã ngựa”?
Đổ tiền làm nông, không chỉ vì… tiền
Trong bối cảnh nền nông nghiệp Việt Nam phát triển còn manh mún và vấn nạn “rau trồng hai luống”, “vật nuôi hai chuồng”, người người nhà nhà nơm nớp về nỗi lo an toàn thực phẩm thì sự xuất hiện của nhiều ông chủ lớn trên bản đồ ngành nông nghiệp Việt Nam như ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup (VIC); ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát (HPG); ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn PAN (PAN) cũng là Chủ tịch HĐQT của CTCK Sài Gòn (SSI); hay gần đây là ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT CTCP Fecon (FCN)… đang mang lại kỳ vọng về một nền nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn để cung cấp cho người Việt, cũng như thế giới các sản phẩm nông nghiệp sạch mang thương hiệu “made in Vietnam” đầy tự hào.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, các ông chủ đang tận dụng những lợi thế về kinh nghiệm đầu tư, kinh doanh trong nhiều lĩnh vực, cũng như nguồn lực tích lũy được để định ra cho mình con đường đầu tư vào nông nghiệp.
“Ông trùm” tài chính, chứng khoán Nguyễn Duy Hưng tận dụng ưu thế sắc bén và tốc độ trong săn tìm các cơ hội đầu tư, rót tiền vào một loạt doanh nghiệp nông nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán đã xác lập được vị thế, thương hiệu vững chắc trên thị trường như: CTCP Chế biến hàng xuất khẩu Long An (LAF), CTCP Giống cây trồng Trung ương (NSC), CTCP Giống cây trồng Miền Nam (SSC), CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (ABT)…
Với cách đi “đường tắt” này, PAN không tốn thời gian và công sức khởi tạo các doanh nghiệp. Đồng thời với quá trình rót vốn đầu tư, PAN cũng như SSI cử nhân sự tham gia Ban lãnh đạo doanh nghiệp. Điều này không chỉ giảm thiểu rủi ro cho đồng vốn đầu tư của PAN, SSI, mà quan trọng hơn là có thể “lái” các doanh nghiệp mà PAN đầu tư đi đường hướng mà ông Hưng mong muốn. Để chủ động hơn trong việc “lái’ các doanh nghiệp mà mình đầu tư, theo thời gian, PAN, SSI tăng dần tỷ lệ sở hữu cổ phần, thậm chí tiến tới thâu tóm doanh nghiệp.
Cùng với việc thâu tóm doanh nghiệp niêm yết trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến thực phẩm, PAN đầu tư phát triển các lĩnh vực mới. Đến nay, cơ cấu danh mục sản phẩm nông nghiệp của PAN đã gồm giống lúa, giống ngô, rau quả, gạo mang thương hiệu PAN và hoa cúc Nhật…
Cách đi trên của PAN, SSI không quá bất ngờ với giới đầu tư, bởi với nhà đầu tư tài chính thì bất kỳ lĩnh vực nào lộ diện cơ hội tốt, họ sẽ rót vốn vào.
Trong khi đó, doanh nhân Phạm Nhật Vượng và Trần Đình Long lại thành lập các công ty mới chuyên hoạt động trong ngành nông nghiệp, lĩnh vực tưởng như chẳng dính dáng gì đến ngành nghề hoạt động chính của VIC, HPG trước kia.
Dẫu phương cách tìm đến với lĩnh vực nông nghiệp không hoàn toàn giống nhau, nhưng có một điểm chung ở các ông chủ này là mong muốn thay đổi một nền nông nghiệp hoạt động manh mún, phương thức canh tác lạc hậu, chất lượng sản phẩm thiếu an toàn sang một nền nông nghiệp công nghệ cao, hiện đại, tạo ra các sản phẩm thực sự sạch.
Trong một lần chia sẻ với phóng viên Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Duy Hưng tâm sự, tạm gác sang một bên bài toán lỗ lãi trong đầu tư, kinh doanh vào nông nghiệp, sau khi tích lũy được một nguồn lực tài chính đáng kể, ông tự thấy mình có sứ mệnh góp sức cùng những người có tâm, có tầm trong phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, để cung cấp các nông sản thực sự an toàn vì sức khỏe và trí tuệ giống nòi Việt, trong bối cảnh ăn cái gì cũng sợ độc, cũng như xuất khẩu ra thế giới.
Đó cũng là tâm nguyện của doanh nhân Phạm Nhật Vượng, khi ông chia sẻ thông điệp: “Khát vọng của tôi là muốn để người Việt được dùng rau, quả sạch thường xuyên”. Ẩn chứa phía sau thông điệp ngắn gọn này cũng là khát nguyện vì sức khỏe và trí tuệ Việt, mặc dù không thể phủ nhận đã kinh doanh thì không thể không tính đến lãi lỗ. Hiện nhiều sản phẩm rau củ mang thương hiệu VinEco của Vingroup đã phục vụ người tiêu dùng trên các kệ rau của các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi Vinmart, Vimart+ của Tập đoàn.
Rủi ro “nhân tai” và “thiên tai”
Sự xắn tay của các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính vào lĩnh vực nông nghiệp là cần thiết để có nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bài bản. Nhưng câu chuyện của nhiều doanh nghiệp trước đó cho thấy, đầu tư vào lĩnh vực này tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bất kỳ một sự chủ quan nào trong đường hướng đầu tư vào nông nghiệp, cộng với không gặp thời, thì thất bại là điều luôn rình rập.
Bài học của CTCP Tập đoàn Thái Hóa (THV) niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội một thời cũng là một ví dụ. THV đã sử dụng lượng lớn vốn ngắn hạn để đầu tư trồng cà phê, trong khi cây công nghiệp này phải 3 - 4 năm sau mới cho trái, cho doanh thu, vì vậy, trong thời gian chờ đến ngày “hái quả”, doanh nghiệp phải trả khoản lãi vay lớn. Kết quả là THV đã thất bại, bị hủy niêm yết.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, để chứng minh được độ sạch cho nông sản, từ đó thu hút người mua, thì nhà sản xuất phải tạo dựng được chuỗi khép kín từ khâu sản xuất, chế biến, đến phân phối. Điều này tạo ra không ít thách thức cho các ông chủ, mặc dù những bước đi của họ đã cho thấy có sự quan tâm rõ nét đến hình thành chuỗi từ bờ ruộng, bờ ao tới bàn ăn.
Đầu tháng 9 này, VIC đã khởi động Chương trình “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Việt” thông qua việc liên kết với 1.000 hợp tác xã và hộ nông dân để cung ứng nông sản sạch và an toàn cho thị trường. Không thể phủ nhận đây là một ý tưởng và kế hoạch tuyệt vời. Tuy nhiên, trong bối cảnh từ tư duy cho đến thói quen canh tác nhỏ lẻ, thiếu chuyên nghiệp của nông dân bao đời, làm cách nào để họ đáp ứng quy trình sản xuất hiện đại, để tạo ra các sản phẩm sạch là không ít thách thức mà VIC phải vượt qua.
Một khó khăn khác mà các ông chủ lớn đầu tư vào nông nghiệp đang phải đối mặt là tình trạng ruộng đất manh mún. Điều này đang là cản trở cho tổ chức sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, hiện đại. Các ông chủ đang chờ cơ chế cho phép tích tụ ruộng đất quy mô lớn, để tiếp sức cho họ trên bước đường biến ước mơ chuyển từ một nền nông nghiệp lâu đời với tập quán canh tác lạc hậu thành một nền nông nghiệp hiện đại, với nhiều cơ hội đầu tư, kinh doanh mới hấp dẫn, để không chỉ mang lại những giá trị mới bền vững cho doanh nghiệp, mà cho cả cộng đồng.