Khi CTCK không sống bằng nghề… chứng khoán

Khi CTCK không sống bằng nghề… chứng khoán

(ĐTCK) Các CTCK nhỏ bươn chải kiếm sống bằng những công việc không phải nghề chính, nhưng vẫn có kẻ không trụ nổi.

 

>>Bài 1: Dụng nhân theo kiểu “đa trong 1”

 

Sống bằng “nghề tay trái”

Khi đi tìm lời đáp cho câu hỏi các CTCK nhỏ đang kiếm tiền bằng nguồn nào là chính, ĐTCK khá bất ngờ nhận thấy có một điểm chung là họ đang sống bằng “nghề tay trái”.

Ngoài cắt giảm tối đa nhân sự nhằm tiết kiệm chi phí, theo ông Nguyễn Việt Dũng, Trưởng bộ phận tự doanh, CTCK Sao Việt (VSSC), thời gian qua, để cầm cự được, VSSC sống vào những nguồn khác ngoài nghiệp vụ thông thường của một CTCK. Phần diện tích văn phòng thu hẹp, VSSC cho các DN khác thuê. VSSC hiện có khoản tiền mặt khá lớn, khoảng 60-70 tỷ đồng gửi ngân hàng. Đây là những nguồn sống chính của VSSC.

Việc thu hẹp văn phòng để cho thuê diện tích còn lại mang lại lợi ích kép cho CTCK, vừa cắt giảm chi phí thuê mặt bằng, vừa có thêm nguồn thu. Vì lợi đơn lợi kép này, nên việc co hẹp văn phòng hoạt động để cho đơn vị khác thuê cũng được nhiều CTCK khác áp dụng.

Chia sẻ với ĐTCK, ông Phạm Ngọc Phú, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCK An Thành (ATSC) cho hay, ATSC đã hai lần thu hẹp diện tích văn phòng. Trước năm 2012, Công ty có trụ sở chính tại 37 Lý Thường Kiệt (Hà Nội) và Chi nhánh Hà Nội tại tầng 1, Tòa nhà 18T2, Lê Văn Lương. Nay, ngoài việc đóng cửa chi nhánh, ATSC chuyển trụ sở chính về vị trí của Chi nhánh Hà Nội trước đây. TTCK khó khăn, ít việc, nên tuy đã nhập 2 văn phòng về một mối, nhưng ATSC vẫn chịu sức ép về chi phí hoạt động. Hơn nữa, một số bộ phận đã được cắt giảm, trong đó riêng tinh gọn bộ phận tư vấn đã giảm tới 10 lao động, nên với mặt bằng khoảng 300 m2, ATSC cảm thấy vẫn rộng. Vậy nên, ATSC tiếp tục thu hẹp thêm khoảng 100 m2 mặt bằng hoạt động, để cho Vietcombank thuê.

Khi CTCK không sống bằng nghề… chứng khoán ảnh 1

CTCK Sao Việt (VSSC) co hẹp diện tích văn phòng để cho thuê mặt bằng

Việc ATSC đang sống nhờ vào “nghề tay trái” một lần nữa thể hiện rõ nét qua báo cáo tài chính quý II/2013 mà Công ty vừa công bố. Theo đó, trong tổng số hơn 3,8 tỷ đồng doanh thu, doanh thu khác chiếm áp đảo, với hơn 3,4 tỷ đồng, phần nhỏ còn lại là doanh thu môi giới. Quý II/2013, ATSC lãi 309 triệu đồng.

Giải mã khoản doanh thu khác chiếm gần như tuyệt đối trong tổng doanh thu quý II/2013, ông Phú cho hay, đóng góp chính vào khoản doanh thu này là từ lãi tiền gửi và một phần từ cho thuê văn phòng. Do không được triển khai nghiệp vụ tự doanh, nên với lượng tiền mặt khá lớn, ATSC thường gửi ngân hàng... Với việc cắt giảm tối đa chi phí các mảng hoạt động, ATSC có thể cầm cự để chờ cơ hội TTCK khởi sắc trở lại.

Doanh thu khác cũng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu của nhiều CTCK nhỏ khác. Theo báo cáo tài chính bán niên năm 2013 của CTCK Đại Nam đã được kiểm toán, Công ty đạt doanh thu 4,1 tỷ đồng, trong đó doanh thu khác chiếm hơn 2 tỷ đồng; lỗ 489 triệu đồng. Quý II/2013, CTCK Á Âu lỗ 519 triệu đồng, doanh thu khác cũng chiếm quá nửa doanh thu của Công ty, với 182 triệu đồng/356 triệu đồng tổng doanh thu, chỉ số này của 6 tháng đầu năm nay là 377 triệu đồng/658 triệu đồng…

 

Không trụ nổi

Những tưởng “thắt lưng buộc bụng” sẽ giúp CTCK qua cơn bĩ cực, nhưng ngờ đâu, vẫn có những công ty không thể trụ nổi với thị trường, đành nói lời chia tay. VSSC vừa công bố kế hoạch triệu tập ĐHCĐ bất thường năm 2013 trong tháng 8-9 tới sẽ họp để bàn phương án giải thể.

Còn nhớ, trong những lần trao đổi với ĐTCK, ông Đinh Quang Chiến, Chủ tịch HĐQT VSSC không giấu tham vọng, sau khi tự nguyện rút nghiệp vụ môi giới, VSSC sẽ chuyển hướng hoạt động như một công ty đầu tư tài chính để chờ thời. Tuy nhiên, ông Chiến cũng tiên liệu, nếu việc chuyển đổi VSSC thành công ty tư vấn, đầu tư tài chính, hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp bất thành, Công ty sẽ tìm phương án tái cơ cấu khác khả thi hơn. Nay, khi VSSC công bố kế hoạch giải thể, thì phương án khả thi hơn mà ông Chiến từng nhắc đến đã rõ.

Trong tổng số 105 CTCK được cấp phép hoạt động, ngoài 3 CTCK (gồm Hà Nội, Trường Sơn, Delta) đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước buộc phải mở thủ tục thu hồi giấy phép hoạt động, 2 CTCK khác là Chợ Lớn và Âu Việt cũng đang trong quá trình giải thể, nay VSSC cũng góp mặt vào nhóm sắp bị xóa tên. Với tình cảnh CTCK nhỏ vẫn khó kiếm tiền trong bối cảnh TTCK hiện tại, không biết sẽ còn những CTCK nào sẽ phải từ bỏ cuộc chơi?

 

Bài 3: Những nỗi niềm khó tỏ