Khi Co-working space… "khó chia sẻ"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giãn cách kéo dài, tâm lý sợ tiếp xúc với người lạ khiến mô hình văn phòng làm việc chia sẻ phải thay đổi để tồn tại.

"Nghiến răng" mở rộng thị trường

Đầu quý II/2021, Toong - một trong những thương hiệu trên thị trường văn phòng làm việc chung, đã khai trương thêm chi nhánh mới trên đường Võ Thị Sáu, quận 3 với diện tích 1.250 m2. Đây là chi nhánh thứ hai liên tiếp trong năm 2021 và là thứ 10 được Toong đưa vào vận hành tại TP.HCM. Trước đó 1 tháng, đơn vị này đưa vào kinh doanh không gian làm việc chung đầu tiên tích hợp vào chuỗi khách sạn trong dự án hợp tác chiến lược với Wink Hotels.

Ông Dương Đỗ, nhà sáng lập và điều hành Toong cho biết, từ nay đến cuối năm, Toong dự tính đưa thêm 2 chi nhánh mới ở TP.HCM đi vào hoạt động. Trong đó, một chi nhánh được thiết lập trong cùng tổ hợp căn hộ và khách sạn do Tập đoàn Khách sạn IHG quản lý trên đường Cộng Hoà.

Ngoài TP.HCM, Toong còn hợp tác với Wink Hotels để triển khai 3 địa điểm ở Cần Thơ, Đà Nẵng và đang trong giai đoạn thương thảo cuối cùng để xây dựng địa điểm mới tại Đà Lạt và Hà Nội.

Gia nhập thị trường Co-working space từ năm 2019, Cen X Space - một nhánh trong hệ sinh thái của Tập đoàn CenLand, cũng đang tích cực mở rộng thị trường với tham vọng trở thành Co-working space lớn nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á trong 5 năm tới.

Theo đó, ngoài cơ sở đặt tại tầng 3 Chung cư Sky Central (quận Hoàng Mai, Hà Nội) diện tích hơn 2.000 m2, mới đây, Cen X Space đã mua lại địa điểm CoGo Sun Agcora ở Lương Yên (Hà Nội) với diện tích sàn 3.000 m2.

Dreamplex cũng đang mời gọi các doanh nghiệp tìm đến 5 địa điểm tại TP.HCM và Hà Nội để phân nhóm nhân viên giữa văn phòng chính và các không gian cho thuê. Dịch vụ văn phòng tạm thời dành cho 4-100 người được Công ty tung ra hồi đầu tháng 6/2021. Hiện Dreamplex có kế hoạch khai trương 2 địa điểm mới tại phường Thảo Điền (TP. Thủ Đức) và quận 4 (TP.HCM) vào tháng 10 và 11 tới.

Đứng trước những ngã rẽ

Động thái mở rộng thị trường, gia tăng trải nghiệm và chính sách ưu đãi cho khách thuê ngay trong mùa dịch cho thấy quyết tâm chiếm lĩnh thị trường văn phòng cho thuê của các Co-working space, song để thành công là không dễ dàng

Quý I/2021, Wework - đơn vị điều hành chuỗi Co-working space lớn nhất thế giới đang hoạt động tại Việt Nam, chỉ đạt 598 triệu USD doanh thu, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm 2020 (đạt 1,1 tỷ USD), lượng khách hàng cũng giảm mạnh từ 693.000 khách vào cuối tháng 3/2020 về còn 490.000 khách vào cuối tháng 3/2021. Wework hiện chưa ra báo cáo quý II và quý III/2021, nhưng với thời lượng làm việc tại nhà của phần lớn người lao động kéo dài trong khoảng thời gian này, bức tranh kinh doanh khó có thể sáng hơn.

“Hiện một vài chuỗi Co-working space đã huy động được một lượng vốn từ các nhà đầu tư, họ đặt cọc thuê một loạt mặt bằng quy mô lớn với mục đích khẳng định vị thế dẫn đầu thị trường về diện tích, nhưng thực tế, phần lớn các mặt bằng đó đều không được triển khai thi công vì không có khách thuê”, giám đốc một công ty Co-working space đang vận hành 2 không gian làm việc chung tại TP.HCM nói và nhấn mạnh, thực tế này khiến tổng diện tích Co- working space thực sự hoạt động trên thị trường thấp hơn nhiều so với số liệu mà các nhà phát triển công bố.

Bà Trang Bùi, Giám đốc cấp cao Thị trường Việt Nam, Công ty Jones Lang Lasalle (JLL) nhận định, đại dịch sẽ ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán lại hợp đồng thuê giữa nhà phát triển và chủ tòa nhà. Theo đó, các nhà khai thác không gian linh hoạt với tiềm lực tài chính mạnh có cơ hội gia tăng thị phần qua việc thâu tóm mặt bằng của các đơn vị khác.

Tuy nhiên, một điểm tích cực là theo CBRE, các chủ tòa nhà, văn phòng, khách sạn truyền thống muốn phân bố 20% diện tích văn phòng hiện tại cho các không gian làm việc chung và tin rằng việc này có thể nâng giá trị tòa nhà. Nhóm này sẽ tham gia thị trường bằng 2 cách, hoặc tự vận hành hoặc hợp tác với một đơn vị Co-working space có thâm niên trên thị trường để cùng khai thác không gian cho thuê.

Từ năm 2018, một số khách sạn đã thử nghiệm mô hình này ở Việt Nam, song hợp tác theo chuỗi thì hiện mới có Toong và Wink Hotels. Theo ông Dương Đỗ, để đi đến hợp tác giữa đôi bên là không đơn giản, bởi các doanh nghiệp Co-working space có những công thức khá cứng về tiêu chuẩn mặt bằng triển khai dịch vụ. Trong khi đó, với những mặt bằng trong khách sạn, đòi hỏi phải có một quy hoạch không gian và dịch vụ tối ưu, không chồng lấn với tiện ích của khách sạn và liên kết chặt chẽ với những tiện ích, dịch vụ khác trong khách sạn đó.

“Quan trọng là làm sao tạo sự cộng hưởng trong trải nghiệm của cả khách lưu trú tại khách sạn và làm việc trong không gian Co-working space, song song với đó là đảm bảo hiệu quả về mặt tài chính của mỗi bên”, ông Dương Đỗ nói và nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch bệnh, những nhu cầu không thiết yếu sẽ bị cắt giảm và các Co-working space chứng minh được sự thiết yếu của mình vẫn có khả năng tồn tại trong đại dịch.

Tin bài liên quan