Khi cổ đông lớn là bạn hàng độc quyền

Khi cổ đông lớn là bạn hàng độc quyền

(ĐTCK) Hiện nay, không hiếm công ty niêm yết có cổ đông lớn cũng là bạn hàng độc quyền chi phối sản phẩm đầu vào hoặc đầu ra của doanh nghiệp.

Đặc thù này giúp cho DN hoạt động ổn định ngay trong giai đoạn khủng hoảng, nhưng đồng thời phát sinh những vấn đề trong hoạt động quản trị doanh nghiệp mà rủi ro bị đẩy cho các nhóm cổ đông còn lại.

Khi cổ đông lớn chi phối DN

30 ngày trước khi năm tài chính 2012 khép lại, vào ngày 30/11 tới đây, CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh (VSH) mới tiến hành họp ĐHCĐ thường niên.

“Sau thời gian dài thương thảo hợp đồng mua bán điện, đến thời điểm hiện tại, VSH vẫn chưa thống nhất được giá bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nên ĐHCĐ của VSH vẫn chưa đủ điều kiện tiến hành theo dự kiến”, vào cuối tháng 8, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch HĐQT VSH đã giải thích như vậy với cơ quan quản lý thị trường về sự chậm trễ này.

Khi cổ đông lớn là bạn hàng độc quyền ảnh 1

EVN độc quyền phân phối điện nên có thể chi phối giá mua từ các nhà sản xuất

Hiện tại, EVN là cổ đông lớn sở hữu 30% vốn tại VSH, đồng thời, Tập đoàn này cũng là khách hàng duy nhất bao tiêu toàn bộ sản phẩm điện thương phẩm của VSH. Câu chuyện đàm phán giá điện của VSH đã trở thành chủ đề dai dẳng suốt từ năm 2010 tới nay: 11 tháng đầu năm 2011, VSH phải lập báo cáo tài chính dựa trên cơ sở giả định giá bán điện cho EVN bằng 90% giá bán năm 2009. Nhưng khi công bố tài liệu họp ĐHCĐ mới đây, một lần nữa các cổ đông VSH chưng hửng khi hợp đồng giá điện vẫn chưa được ký.

Mới đây, nhiều cổ đông của CTCP Phân phối khí thấp áp dầu khí Việt Nam (PGD) đã lên tiếng chỉ trích trước kết quả kinh doanh sụt giảm bất ngờ trong quý III/2012. Hiện tại, Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas đang nắm 50,5% cổ phần tại PGD, đồng thời là nhà cung cấp độc quyền nguồn khí đầu vào cho công ty con. Như vậy, hoạt động của PGD phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung từ công ty mẹ. Vào ngày 23/8 vừa qua, PV Gas đã bất ngờ ban hành quyết định tăng giá bán khí cho PGD từ 8,35 USD/MMBTU lên 10,55 USD/MMBTU. Đáng chú ý nhất là quyết định này có hiệu lực hồi tố cho giá bán khí từ ngày 1/4/2012. Vì sự thay đổi bất ngờ này, lợi nhuận sau thuế của PGD đã “cài số lùi” từ 383 tỷ đồng sau hai quý xuống còn 159 tỷ đồng khi quý III/2012 kết thúc.

Nhìn rộng ra, có thể thấy mối quan hệ chi phối cổ đông lớn - khách hàng không hiếm gặp tại các DN niêm yết, như giữa Tổng Công ty Sông Đà với các công ty con qua việc mua cổ phần lẫn nhau; giữa các công ty họ dầu khí, vận tải, xăng dầu với tổng công ty mẹ qua việc phân bổ lợi nhuận.

 

Chi phối lợi nhuận

Để hiểu tại sao việc đàm phán giá điện giữa EVN và VSH kéo dài từ năm này qua năm khác mà chưa đi đến hồi kết, tạm lấy kế hoạch kinh doanh năm 2012 của VSH làm cơ sở phân tích. Theo đó, sản lượng điện dự kiến của VSH trong năm 2012 là 750 triệu Kwh. Nếu giá bán điện của VSH cho EVN tăng thêm 100 đồng/Kwh thì EVN phải trả cho VSH thêm khoản chi phí 75 tỷ đồng. Về lý thuyết, lợi nhuận của VSH có thể được tăng thêm tối đa 75 tỷ đồng từ việc giá bán điều chỉnh. Sau khi trừ 25% thuế TNDN thì lợi nhuận sau thuế tối đa là 56,25 tỷ đồng. Với việc nắm 30% vốn tại VSH, nếu lợi nhuận này phân chia cho các cổ đông thì EVN được thêm 16,875 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với con số 75 tỷ đồng phải bỏ ra để trả thêm cho VSH.

Một nhà đầu tư tổ chức đang là cổ đông của VSH nhìn nhận, hiện nay, vai trò chi phối của EVN có ảnh tới hoạt động của nhiều công ty ngành điện. Chẳng hạn, tại CTCP Nhiệt điện Phả Lại, EVN đang sở hữu 52,3% số cổ phần và một đơn vị có thương hiệu EVN là Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVNFC) nắm 12,6%; tại CTCP Nhiệt điện Bà Rịa (BTP), EVN nắm tới 79,56% cổ phần; ở CTCP Thác Mơ (TMP), EVN nắm 51,92% vốn…

Việc công ty mẹ chi phối lợi nhuận của công ty con phụ thuộc cũng khá rõ trong mối quan hệ PV Gas - PGD. Cuối tháng 8/2012, ngay khi PV Gas có quyết định tăng giá khí bán cho PGD, CTCK Bản Việt đã ước tính lợi nhuận của PGD trong 6 tháng đầu năm nếu điều chỉnh theo giá khí hồi tố sẽ sụt giảm tới 46% từ mức 383 tỷ đồng đã công bố về 208 tỷ đồng.

Dễ thấy, với mức giá khí tăng 26%, PV Gas lấy về một khoản doanh thu đáng kể từ PGD, trong khi phần lợi nhuận bị sụt giảm tại công ty con phản ánh vào kết quả kinh doanh hợp nhất và PGD vẫn có khả năng chuyển một phần chi phí cho khách hàng.

Không thể phủ nhận vị thế tích cực của cổ đông lớn - bạn hàng độc quyền tại một số DN niêm yết có thể giúp DN duy trì hoạt động ổn định tại ngay cả khi thị trường biến động mạnh, nhưng thực tế gần đây cho thấy, các quan hệ đặc thù này cũng có thể tạo ra các rủi ro cho các nhóm cổ đông bên ngoài. Đây là điều mà các cổ đông nhỏ bên ngoài cần lưu ý.