Cuộc họp đại hội đồng cổ đông tổ chức lần 1 chỉ được tiến hành khi có số cổ đông tham dự đại diện trên 50% tổng số phiếu biểu quyết

Cuộc họp đại hội đồng cổ đông tổ chức lần 1 chỉ được tiến hành khi có số cổ đông tham dự đại diện trên 50% tổng số phiếu biểu quyết

Khi cổ đông lớn không còn chi phối

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tỷ lệ cổ phiếu trôi nổi bên ngoài quá cao khiến nhiều doanh nghiệp không thể tổ chức đại hội cổ đông thành công nhiều lần, ảnh hưởng tới kế hoạch kinh doanh, huy động vốn, triển khai dự án...

Danh sách “bất thành lần 1” có thêm các doanh nghiệp mới

Mùa đại hội cổ đông năm 2024 gần như đã đi qua, khi phần lớn doanh nghiệp tổ chức đại hội trong tháng 4, chỉ còn một số doanh nghiệp lên kế hoạch tổ chức trong tháng 5 và tháng 6 (hạn cuối là 30/6/2024).

Bên cạnh câu chuyện kinh doanh, chuyển giao thế hệ lãnh đạo sang lớp kế cận, một câu chuyện cũ ảnh hưởng đến không ít doanh nghiệp là cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức lần 1 không thành công, lý do duy nhất đến từ cơ cấu cổ đông phân tán, số lượng cổ đông tham dự không đủ tỷ lệ tối thiểu, buộc phải tổ chức lần 2.

Cụ thể, Công ty cổ phần Phát triển Nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (Hodeco, mã chứng khoán HDC) tổ chức đại hội cổ đông ngày 6/4/2024 chỉ có đại diện 47,91% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự, trong khi mức tối thiểu theo quy định là trên 50%. Tại đại hội cổ đông tổ chức lần 2 ngày 2/5/2024, tỷ lệ cổ đông tham dự giảm còn 36,05% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Do tổ chức lần 2 chỉ cần đáp ứng tỷ lệ tối thiểu 33% nên đại hội đủ điều kiện tiến hành.

Về cơ cấu cổ đông, tính đến 31/12/2023, Hodeco chỉ có một cổ đông lớn (tỷ lệ sở hữu từ 5% vốn điều lệ trở lên) là ông Đoàn Hữu Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty sở hữu 9,84% vốn điều lệ.

Tương tự, đại hội cổ đông tổ chức ngày 26/4/2024 của Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (Petrosetco, mã chứng khoán PET) có 36,2% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự, thấp hơn yêu cầu tối thiểu, nên không thể tiến hành. Tính đến 31/3/2024, Petrosetco có cổ đông lớn duy nhất là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, sở hữu 23,21% vốn điều lệ.

Cuộc họp đại hội đồng cổ đông tổ chức ngày 29/4/2024 của Công ty cổ phần Container Việt Nam (Viconship, mã chứng khoán VSC) có đại diện 36,7% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham gia, nên không thể tiến hành. Viconship không có cổ đông lớn, 100% vốn điều lệ được nắm giữ bởi các cổ đông nhỏ lẻ, dù ngày 19/4/2024 hoàn tất đợt chào bán cổ phiếu, tăng vốn điều lệ từ 1.333,96 tỷ đồng lên 2.667,9 tỷ đồng.

Tại Công ty cổ phần Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, mã chứng khoán GIL), đại hội cổ đông tổ chức ngày 5/5/2024 có đại diện 64,74% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự, nhưng quy định của Công ty là phải có tối thiểu 65% tham gia, nên đại hội lần 1 bất thành (Luật Doanh nghiệp quy định, cuộc họp đại hội đồng cổ đông được tiến hành khi có số cổ đông tham dự đại diện trên 50% tổng số phiếu biểu quyết; doanh nghiệp có thể quy định tỷ lệ tối thiểu khác, nhưng không được thấp hơn hoặc bằng 50%). Tính đến cuối năm 2023, Gilimex chỉ có một cổ đông lớn sở hữu 8,9% vốn điều lệ, đó là ông Lê Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty.

Một doanh nghiệp hưởng lợi từ đầu tư công và cổ phiếu thường “nổi sóng” trong giai đoạn hậu đại dịch Covid-19 là Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (Đèo Cả, mã chứng khoán HHV) cũng thất bại trong lần tổ chức cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 lần 1 ngày 26/4, khi chỉ có đại diện 36,8% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự, thấp hơn tỷ lệ tối thiểu được quy định trong điều lệ là 51%.

Trong quý I/2024, Đèo Cả đã tăng vốn điều lệ từ 3.293,5 tỷ đồng lên 4.116,8 tỷ đồng, nhưng chỉ có một cổ đông lớn là Công ty cổ phần Đầu tư Hải Thạch B.O.T, sở hữu 16,09% vốn điều lệ.

Tặng tiền cho cổ đông tham dự đại hội

Vấn đề lớn nhất ở các doanh nghiệp không đủ điều kiện tổ chức đại hội cổ đông là cơ cấu cổ đông phân tán, số lượng cổ đông lớn không chỉ ít mà còn sở hữu với tỷ lệ thấp.

Trong danh sách các doanh nghiệp không thể tổ chức cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên trong lần triệu tập đầu tiên có các doanh nghiệp “quen thuộc” như Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (mã chứng khoán CII), Công ty cổ phần Đầu tư LDG (mã chứng khoán LDG). Năm nay, hai doanh nghiệp này có tỷ lệ cổ đông tham dự đại hội lần lượt là 37% và 9,43%.

Với Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, mã chứng khoán DIG), cuộc họp đại hội đồng cổ đông tổ chức đầu giờ chiều ngày 26/4/2024 đủ điều kiện tiến hành vào… cuối buổi chiều, khi tỷ lệ tham dự nhích dần từ dưới 50% lên 50,24%. Tính đến cuối năm 2023, các cổ đông nhỏ của DIC Corp nắm giữ 82,15% vốn điều lệ, tăng mạnh so với mức 39,73% cuối năm 2020.

Trong những năm gần đây, CII, Đầu tư LDG và DIG Corp thường xuyên thất bại trong lần đầu triệu tập cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên, sau đợt sốt cổ phiếu cuối năm 2021, một loạt cổ đông lớn/lãnh đạo doanh nghiệp bán ra, dẫn tới tỷ lệ cổ phiếu trôi nổi bên ngoài tăng cao.

Năm 2024, CII và Đầu tư DIG đã phải thực hiện chính sách tặng tiền mặt để khuyến khích cổ đông tham dự đại hội.

Tại đại hội cổ đông tổ chức ngày 24/4/2024, ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CII thừa nhận: “Tổ chức thành công đại hội là rất khó, riêng tiền gửi thư mời cổ đông lên đến 1 tỷ đồng cho mỗi lần đại hội (CII tặng tiền mặt cho cổ đông tham dự), chi phí tốn kém nhưng không hiệu quả”.

“Lần đại hội tới, có thể Công ty sẽ tổ chức quay số trúng thưởng, giá trị vài trăm triệu đồng để hấp dẫn cổ đông hơn”, ông Lê Quốc Bình nói.

Tỷ lệ cổ đông là một trong các chỉ báo đầu tư

Tại Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (mã chứng khoán REE), Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã chứng khoán VCG), Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (Coteccons, mã chứng khoán CTD), tỷ lệ sở hữu của các cổ đông lớn lần lượt là 62,7%, 45,14%, 48,7%. Việc cổ đông lớn sở hữu nhiều cổ phiếu hoặc nắm quyền chi phối giúp doanh nghiệp tổ chức cuộc họp đại hội đồng cổ đông thành công ngay trong lần triệu tập đầu tiên, đồng thời giúp các nhà đầu tư nhỏ vững tin hơn khi doanh nghiệp có sự đồng hành của nhà đầu tư lớn, nhất là nhà đầu tư tổ chức.

Trong phương pháp đầu tư CANSLIM của William O’Neil có đề cập tới tầm quan trọng của định chế tài chính trong cơ cấu cổ đông, khi các doanh nghiệp có quỹ đầu tư, các ngân hàng đầu tư, tập đoàn lớn hậu thuẫn sẽ giúp nhà đầu tư an tâm, cũng như doanh nghiệp có sự hỗ trợ tốt so với các doanh nghiệp khác.

Việc doanh nghiệp không thể tổ chức đại hội cổ đông do tỷ lệ tham dự quá thấp là chỉ báo sớm dành cho nhà đầu tư cổ phiếu, bởi sự bất ổn trong cơ cấu cổ đông có thể cản trở quá trình thông qua các kế hoạch lớn như tăng vốn, triển khai dự án, vay nợ…

Tin bài liên quan