Dù năm 2022 ra sao, nhà đầu tư có thể bắt đầu năm 2023 với tâm thế: đầu tư có phương pháp

Dù năm 2022 ra sao, nhà đầu tư có thể bắt đầu năm 2023 với tâm thế: đầu tư có phương pháp

Khi chứng khoán trở thành đam mê

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm 2022, thị trường chứng khoán đã lấy đi nhiều nước mắt và cả niềm tin, nhưng cũng để lại những bài học lớn cho chúng ta.

1. Sau năm “lên đỉnh, xuống đáy” cùng chứng khoán, tôi học được bài học lớn nhất: Thành quả có được nếu không quản trị rủi ro kỹ thì sẽ trả lại hết cho thị trường. Tổng kết năm, kết quả là một con số âm về tài chính và thành quả có được là… những bài học kinh nghiệm lớn. Chấp nhận “cày” lại từ năm 2023 từ con số âm, lần này, tôi không cho phép mình mắc lại những sai lầm trong năm qua.

Những ngày cuối năm, tôi lên mục tiêu “về bờ” trong 5 năm tới - một kế hoạch kỹ lưỡng và không gấp gáp, không cho phép mình tham gia từ “đầu canh” đến “cuối canh” và “say đòn” như trước.

Thị trường chứng khoán luôn vận hành theo cách riêng và chúng ta cần cố gắng để hiểu nhịp đập của nó. Học cách quản trị tâm lý quyết đoán hơn, tư duy độc lập hơn và điều quan trọng nhất là không trì hoãn việc cắt lỗ để giảm thiểu mất mát khi vào sai nhịp. Nhà đầu tư cần nâng cao kiến thức, kỹ năng đủ để đánh giá được mức độ ảnh hưởng của những yếu tố vĩ mô như lãi suất, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, dòng tiền, đặc biệt là tâm lý của đám đông theo từng giai đoạn của thị trường. Nếu không tuân thủ những nguyên tắc đó thì dù thị trường chứng khoán vào xu hướng tăng, bạn cũng vẫn bỏ lỡ những cơ hội lớn như thường.

Năm 2023, thị trường có thể khó khăn đầu năm, nhưng tôi kỳ vọng sẽ dần thuận lợi từ nửa cuối năm. Tôi tự dặn lòng lắng nghe và cố gắng hiểu nhịp đập thị trường để sinh tồn, vì thị trường luôn có những diễn biến bất ngờ theo một hướng nào đó.

Cuộc sống là một dòng chảy bất tận và đầu tư là một hành trình dài với nhiều cảm xúc. Tất nhiên, chúng ta luôn cố gắng để có được kết quả tốt nhất, nhưng dù bạn có kết quả đầu tư thế nào thì cũng nên xóa đi để bắt đầu lại: Đầu tư có phương pháp.

Ai cũng có sai lầm và bài học rút ra từ sai lầm đó là điều tâm đắc nhất. Nhưng có một cơ chế giác ngộ tài chính đặc biệt: Nhìn người khác sai lầm, bạn có thể cảm nhận được như mình đã và đang sai lầm, điều này sẽ giúp bạn rút kinh nghiệm ngay cả khi chưa sai lầm. Chỉ có thực hành đúng (đúng người, đúng việc, đúng cách thức) mới vượt qua được chính mình và vượt lên được thị trường.

Nhìn về tương lai, tiềm năng phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam rất khả quan. Việt Nam hiện là “công xưởng sản xuất toàn cầu”. Thời kỳ thặng dư thương mại của Việt Nam đang bắt đầu bùng nổ. Mỗi năm, dự trữ ngoại tệ đạt 20 - 30 tỷ USD/năm, tương lai tăng lên 40 - 50 tỷ USD/năm và rồi sẽ lên 100 tỷ USD/năm. Đất nước có dự trữ ngoại tệ càng lớn thì sức mạnh của nền kinh tế càng tăng, lạm phát sẽ được kìm giữ tốt, đồng nội tệ sẽ ổn định giá trị. Đó sẽ là sức mạnh tài chính.

Thu nhập bình quân đầu người trong nước qua được vùng 5.000 USD/năm thì sớm tăng tốc lên 10.000 USD/năm và dễ dàng lên vùng 20.000 - 30.000 USD/năm. Dần dần, mỗi người dân sẽ nhận ra tài sản tài chính là tài sản đảm bảo, trụ cột quan trọng nhất trong tương lai. Hiện 100 triệu dân mới chỉ có khoảng 2 triệu người đầu tư và quy mô tài sản đầu tư là 4 triệu tỷ đồng, nhưng rất có thể một ngày sẽ có đến 50 triệu dân tham gia đầu tư chứng khoán. Lúc đó, thị trường sẽ tăng trưởng rất mạnh.

Ngược trở lại bài học 2022, mỗi khi thua lỗ, tôi luôn đổ lỗi cho môi giới. Vì đã có người để đổ lỗi nên tôi không còn nhu cầu giải quyết vấn đề quan trọng là tại sao tôi lại mua nữa và cái vòng xoáy “khuyến nghị - tôi mua - tôi lỗ - tôi đổ lỗi” cứ lặp đi lặp lại hết lần này tới lần khác. Đến một ngày, tôi tự hỏi: “Nếu chúng ta khờ dại để bị làm thịt thì lỗi là tại sự khờ dại ư? Ta tham lam, thiếu hiểu biết dẫn tới thua lỗ thì lỗi là sự tham lam, thiếu hiểu biết chăng?”. Và tôi nhận ra rằng, nếu không nhận trách nhiệm về “thằng mình”, mà vẫn đổ tại “ông môi giới”, “ông chuyên gia” thì trải qua ngàn kiếp nữa vẫn phải học đi học lại bài học này. Lợi nhuận bền vững đến từ sự nỗ lực, thực hành nâng cao năng lực mỗi ngày của nhà đầu tư, chứ không phải đến từ sự tin tưởng chuyên gia.

Thua lỗ, thất bại là điều rất bình thường, chúng ta cần chấp nhận nó, chịu trách nhiệm, rút ra bài học và bước tiếp. Đừng để sự đổ lỗi gặm nhấm tài khoản cũng như sự phát triển của bạn.

2. Khi buồn và căng thẳng, tôi thường xách ba lô lên và đi đến một nơi nào đó để suy ngẫm thật kỹ. Cuộc sống vốn không công bằng và ta cần học cách chấp nhận nó. Khi chứng khoán đã trở thành đam mê, tôi sẽ không bao giờ từ bỏ, có chăng là mình lắng lại để tìm cách sửa sai. Nhiều lần sửa sai thì tôi tin tới một ngày đẹp trời sẽ đúng. Nghĩ nhiều cũng không thể thay đổi những gì đã xảy ra. Hướng về phía trước và cố gắng từng ngày, mọi thứ sẽ tốt lên.

Tất nhiên, vấp ngã lớn sẽ làm bạn rất đau. Riêng tôi vấp ngã ở sự kiện Covid (2020) đã là một cú sốc, nhưng vấp ngã ở sự kiện “thiên nga đen” trái phiếu còn đáng sợ hơn. Niềm tin đôi khi là xa xỉ khi có những rủi ro bạn không thể kiểm soát được. Có khá nhiều biến số chúng ta không tính toán được và cần tuân thủ nguyên tắc cắt lỗ từ nay về sau - nếu trước đây chưa làm được.

Đừng sợ mất cơ hội ở thị trường chứng khoán! Thị trường chứng khoán sẽ tồn tại suốt cuộc đời bạn, điều quan trọng là bạn nên làm gì ở từng thời điểm khác nhau của thị trường.

Tin bài liên quan