Suleyman Aslan

Suleyman Aslan

Khi CEO ngân hàng kết nối với chính trị gia

(ĐTCK) Khi cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đột kích nhà ở Istanbul của Suleyman Aslan, CEO ngân hàng có sở hữu nhà nước lớn thứ hai quốc gia này, họ đã tìm thấy 4,5 triệu USD giấu trong ba hộp để giày và trong các giá sách.

Aslan trả lời trước Tòa rằng, đó là những khoản tiền quyên tặng để giúp xây dựng một trường đại học. Khi được hỏi vì sao số tiền này không đem gửi ở ngân hàng mà ông đang điều hành, ông nói, ông không muốn phải khai báo nguồn gốc và đăng ký chính thức số tiền.

Trong khi đó, hàng tá các cuộc trao đổi điện thoại bị cảnh sát nghe lén và bị rò rỉ trên các mạng xã hội trong những tuần gần đây lại cho thấy, ông chủ ngân hàng này đang giúp một doanh nhân buôn lậu vàng và chuyển hàng trăm triệu USD sang Iran. Những bức ảnh của cảnh sát cho thấy nhiều hộp giày tương tự đã được chuyển đến nhà Aslan.

Trong một cuộc điều tra khác, Huseyin Aydin, CEO ngân hàng có sở hữu nhà nước lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ, bị cảnh sát nghe lén khi đang chấp thuận các khoản vay cho một vài doanh nhân. Nội dung trao đổi thể hiện họ nhận các yêu cầu từ Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan để mua một công ty truyền thông. Cuộc điều tra được đưa ra ánh sáng hôm 17/12 vừa qua, trong đó một số lượng lớn những người liên quan đến chính quyền của Erdogan bị bắt giữ vì những cáo buộc liên quan đến buôn lậu vàng, hối lộ và thông đồng đấu thầu. Tuy nhiên, Aydin không bị cáo buộc gì.

“Những gì xảy ra trong những tháng gần đây rõ ràng đã làm dấy lên những nỗi lo ngại, chúng ta có thể đang quay trở lại những ngày cũ khi những tổ chức này đã sai lầm tồi tệ trong quản trị”, Alyssa Grzelak, một kinh tế gia cao cấp về rủi ro ngân hàng hoạt động tại Washington của hãng nghiên cứu IHS Inc nhận xét. “Sau cuộc khủng hoảng 2001, nhiều người cho rằng bộ máy này đã được làm sạch và không còn tuân lệnh các chính trị gia, nhưng thực tế có vẻ ngược lại”.

Aslan sinh năm 1970; Aydin sinh năm 1959, được bổ nhiệm vào vị trí đứng đầu ở những ngân hàng danh tiếng kể từ khi Erdogan trở thành Thủ tướng. Mỗi người đều có hơn hai thập kỷ kinh nghiệm trong ngành ngân hàng, nhưng họ lại trở thành những nhân vật thực hiện mục đích chính trị, mà cụ thể là thực hiện các chính sách của chính phủ.

Các ngân hàng có sở hữu nhà nước, chiếm 26% tổng dư nợ tín dụng trong năm 2013, đã bơm “no nê” tín dụng ra cho Thổ Nhĩ Kỳ và cho phép các doanh nghiệp của những người ủng hộ Erdogan thắng được những hợp đồng cơ sở hạ tầng béo bở, đánh bại những công ty lớn nhất, đôi khi là cả những hãng toàn cầu trong các cuộc đấu thầu hợp đồng.

Mặc dù tất cả các ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ đều có phần trong cuộc bùng nổ tín dụng, nhưng những nhà băng do Nhà nước nắm phần chi phối dường như đóng vai trò lớn nhất, dựa trên những cuộc ghi âm điện thoại mà cảnh sát công khai trên Twitter và Youtube.

Turkiye Halk Bankasi AS, ngân hàng mà Aslan điều hành cho đến khi bị bắt vào tháng 12/2013, đã tăng tài sản thêm 54% trong năm ngoái lên 66 tỷ USD, và tăng gấp đôi so với năm 2010. Một ngân hàng nhà nước khác, Turkiye Vakiflar Bankasi TAO, cũng tăng tài sản lên 40% trong năm 2013, trong khi tăng trưởng trung bình của hệ thống ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ là 26%.

Erdogan đã thừa nhận tính chính xác của một vài đoạn ghi âm và quy buộc những hành vi này là âm mưu chống lại đảng cầm quyền của ông. Chính quyền của Erdogan nhanh chóng bổ nhiệm lại các thẩm phán, công tố viên và các cảnh sát trưởng điều tra, và sau đó, tất cả những đối tượng bị bắt giữ hồi tháng 12 đều được thả. Tháng trước, Erdogan cấm mọi truy cập vào các trang như Twitter và Youtube để ngăn ngừa những đoạn ghi âm rò rỉ.

Gần 90% dư nợ cho vay doanh nghiệp của Thổ Nhĩ Kỳ được cấp cho những công ty không công khai bảng cân đối kế toán, cơ cấu cổ đông hay các thông tin cơ bản, theo số liệu của hãng môi giới Burgan Yatirim Menkul Degerler. Rất nhiều trong số đó là những công ty được thành lập và nổi lên sau khi Erdogan nắm quyền.

“Chúng ta biết rất ít về những công ty mới thành lập và tăng trưởng nhanh chóng nhờ vào các mối quan hệ chính trị”, Nergis Kasabali, Trưởng bộ phận phân tích của Burgan nói. “Chúng ta không biết họ dùng đòn bẩy đến đâu”.

Nếu quyền lực của Erdogan yếu đi, một vài công ty gắn liền với chính trị có thể sụp đổ, nhiều lãnh đạo ngân hàng nhận xét.

“Thông tin sẽ vẫn bị bưng bít cho đến khi Erdogan bị bãi nhiệm trong cuộc bầu cử vào năm 2015, hoặc khi các khoản lỗ đủ lớn để khiến các nhà băng sụp đổ, giống như hồi năm 2000”, Grzelak của IHS nói.

Tin bài liên quan