Phối cảnh Dự án Celadon Ville
Lời Tòa soạn: UBND TP.HCM vừa yêu cầu các sở, ngành liên quan nghiên cứu tìm cách giải quyết bức xúc của hàng loạt “ông lớn” bất động sản có dự án trên địa bàn. Năn nỉ xin đóng tiền chưa được, mỏi mòn chờ mỗi văn bản hành chính, hay Trung ương đã chỉ đạo tháo gỡ cho dự án nhưng vẫn tắc, là tiếng kêu cứu của doanh nghiệp cần được phân định đúng sai. Dù vậy, tháo gỡ nhanh, sớm đúng quy định pháp luật thời hành chính 4.0, thì không chỉ lợi cho người dân, cho doanh nghiệp, mà còn cho cả ngân sách nhà nước.
Bài 1: Mỏi mòn chờ mỗi văn bản đề xuất
VinaCapital đã hoàn thành 90% các thủ tục liên quan, chỉ chờ cấp phép xây dựng, nhưng tới nay, đã hơn 24 tháng thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư vẫn chưa xong; Dự án của Gamuda Land thì chỉ còn chờ mỗi văn bản báo cáo đề xuất của cơ quan chức năng, mà hơn 5 tháng… chưa thấy tăm hơi.
Gamuda Land: 5 tháng trời chờ mỗi đề xuất hành chính
Công ty Gamuda Land - HCMC hoạt động chủ yếu về lĩnh vực bất động sản, trực thuộc Tập đoàn Gamuda Berhad Malaysia - Tập đoàn không chỉ hoạt động tại Việt Nam, mà còn đầu tư tại Nam Á, Trung Đông, Đông Nam Á, Đông Dương và Viễn Đông.
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), Gamuda Land “kêu cứu” liên quan tới Dự án Khu liên hợp thể dục, thể thao và dân cư Tân Thắng (tên thương mại là Celadon City), có diện tích hơn 900.000 m2 tại quận Tân Phú TP.HCM.
Dự án này vốn thuộc UBND TP.HCM, do Công ty CP Đầu tư bất động sản Sài Gòn Thương tín Tân Thắng làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, giờ này, Dự án Celadon City đã thuộc quyền định đoạt của Gamuda Land, khi công ty này sở hữu tới 98% cổ phần Công ty CP Đầu tư bất động sản Sài Gòn Thương tín Tân Thắng.
Dự án trở nên “nổi tiếng tai tiếng” từ năm 2017, khi Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi 514 tỷ đồng bởi hàng loạt sai phạm như: UBND TP.HCM ban hành Quyết định điều chỉnh hình thức sử dụng đất từ giao đất sang thuê đất đối với toàn bộ diện tích 820.101,4 m2, trong đó cho thuê đất không thu tiền thuê đất đối với 349.515 m2 đất giao thông, cây xanh, mặt nước (đất công cộng không có mục đích kinh doanh) là chưa phù hợp quy định; UBND TP.HCM cho phép Công ty Tân Thắng, là chủ đầu tư đầu tiên của Dự án trước khi bán phần lớn cổ phần cho Gamuda Land, khấu trừ 514 tỷ đồng tiền đền bù, hỗ trợ về đất vào tiền sử dụng đất phải nộp đối với diện tích đường giao thông, đất công viên cây xanh và diện tích mặt nước, là chưa phù hợp với quy định tại Nghị định 197/2004/NĐ-CP về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất…
Tới tháng 9/2018, Gamuda Land có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ yêu cầu cơ quan liên quan kiểm tra xem xét. Tháng 10/2019, sau rà soát, dẫn các cơ sở pháp lý, Thanh tra Chính phủ vẫn bảo lưu quan điểm đề nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND TP.HCM thu hồi về ngân sách 514 tỷ đồng.
Trong lần kêu cứu mới đây của doanh nghiệp tới HoREA và vừa được UBND TP.HCM giao cơ quan chức năng nghiên cứu xử lý, Gamuda Land cho hay, do kiến nghị của Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND TP.HCM thu hồi số tiền 514 tỷ đồng, nên UBND TP.HCM đã yêu cầu các sở, ban, ngành sử dụng biện pháp hành chính như: không cho thực hiện cấp Giấy phép xây dựng; không cho chuyển nhượng dự án; không làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho các hộ dân tại Dự án và cưỡng chế thuế để thu hồi số tiền nêu trên, nên Công ty đã phải nộp 93 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.
Sau đó, Gamuda Land kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thành lập Đoàn công tác do Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì để xem xét.
Sau khi Đoàn công tác vào kiểm tra và đánh giá lại đã có Báo cáo số 548/BTNMT-TTr ngày 1/2/2021, trong đó có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không thu hồi số tiền 514 tỷ đồng và kiến nghị UBND TP.HCM tháo gỡ các thủ tục pháp lý cho Công ty.
Căn cứ báo cáo này, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Tài chính để có văn bản hướng dẫn UBND TP.HCM
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 492/BTNMT-TTr ngày 16/11/2021 gửi UBND TP.HCM. Sau đó, Thành phố đã giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Thanh tra Thành phố, Cục Thuế nghiên cứu đề xuất báo cáo UBND Thành phố trong tháng 1/2022.
“Tuy nhiên, cho đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường vẫn chưa có báo cáo đề xuất với UBND TP.HCM và do chưa có ý kiến của UBND Thành phố, nên Công ty hiện chưa được tiếp tục thực hiện các thủ tục hành chính tại Dự án như đã nêu trên đây”, HoREA cho biết lý do khiến Gamuda Land bức xúc.
VinaCapital: Hơn 24 tháng mỏi mòn đợi một thủ tục
Công ty TNHH AA VinaCapital (VinaCapital) thì kêu cứu đối với Dự án tại lô đất số C7A-01, Khu đô thị mới Nam Thành phố (phường Tân Phú, quận 7, TP.HCM).
Các dự án nêu trên nằm trong số 38 dự án của 29 doanh nghiệp bất động sản vừa được Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Quy hoạch và Kiến trúc, Tư pháp, Thanh tra, Cục Thuế và các đơn vị liên quan khẩn trương nghiên cứu làm việc và hướng dẫn các chủ đầu tư dự án thực hiện đúng quy định pháp luật và báo cáo UBND Thành phố trong 15 ngày làm việc.
Khu đất tại số C7A-01 diện tích 2.475 m2 có nguồn gốc là đất đã được VinaCapital ký Hợp đồng thuê quyền sử dụng đất ngày 2/6/2008 với Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng và đã thực hiện nghĩa vụ nộp tiền thuê đất 1 lần cho cả thời gian thuê với số tiền 87,44 tỷ đồng và đã được đăng bộ cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất ngày 27/10/2010. Các nghĩa vụ tài chính khác liên quan đến thửa đất này cũng đã được thực hiện đầy đủ với Nhà nước.
Trên cơ sở quy hoạch chi tiết 1/500 của công trình tại lô đất số C7A-01 đã được Ban Quản lý Khu Nam phê duyệt theo Quyết định số 107/QĐ-BQLKN ngày 20/11/2012, Công ty đã thực hiện điều chỉnh một số thủ tục về đầu tư xây dựng và đến nay đã hoàn thành 90% các thủ tục liên quan, chỉ chờ khâu cuối cùng là cấp phép xây dựng để có thể tiến hành đầu tư xây dựng.
Tuy nhiên, VinaCapital vẫn không thể triển khai thi công xây dựng do vướng mắc về thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư dự án từ tháng 2/2020 đến nay, tức hơn 24 tháng nhưng vẫn chưa hoàn tất.
Cụ thể, theo doanh nghiệp, trong suốt quá trình tiến hành các thủ tục xin cấp phép xây dựng nêu trên, VinaCapital không nhận được yêu cầu, hướng dẫn của các cơ quan chức năng về việc điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư của dự án. Đến ngày 5/2/2020, khi VinaCapital có đơn đề nghị cấp phép xây dựng gửi Ban Quản lý Khu Nam nhằm hoàn thành khâu pháp lý cuối cùng để triển khai Dự án trong quý I/2020, thì Ban Quản lý Khu Nam mới có yêu cầu Công ty liên hệ sở, ngành chức năng điều chỉnh lại Giấy chứng nhận đầu tư do Dự án có nguồn gốc như đã nêu trên.
Ngày 20/2/2020, VinaCapital đã nộp hồ sơ để điều chỉnh tiến độ dự án theo giấy chứng nhận đầu tư và đã đóng tiền phạt vi phạm hành chính là 35 triệu đồng theo Quyết định số 61/QĐ-XPVPHC ngày 23/6/2020 của Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM.
Sau đó, VinaCapital đã liên tục cung cấp hồ sơ liên quan đến Dự án với đề nghị các cơ quan có văn bản hướng dẫn các thủ tục để dự án được triển khai đầu tư, xây dựng theo hồ sơ cấp phép đối với dự án 100% vốn trong nước. Bởi doanh nghiệp đã chuyển đổi thành 100% vốn đầu tư trong nước, nên việc duy trì hiệu lực của Giấy chứng nhận đầu tư đã cấp cho nhà đầu tư nước ngoài trước đây là không còn cần thiết. Tuy nhiên, đến nay sau hơn 24 tháng, hồ sơ của doanh nghiệp vẫn chưa được giải quyết xong.
“VinaCapital là doanh nghiệp 100% vốn trong nước, có quyền sử dụng đất hợp pháp và đã đầu tư lớn vào Dự án là 450 tỷ đồng. Trong hơn 3 năm qua Công ty đã nỗ lực thực hiện mọi thủ tục cần thiết để triển khai xây dựng ngay khi tiếp nhận từ các thành viên góp vốn cũ. VinaCapital đề nghị được xem xét chấp thuận điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư, giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện để dự án được cấp phép xây dựng và sớm đi vào hoạt động”, VinaCapital đã kêu cứu khẩn thiết như vậy tới HoREA để hiệp hội này “kêu” lên lãnh đạo TP.HCM.
Khốn khổ khi in xóa sổ dự án
Đó là Dự án Sao Mai (quận 7, TP.HCM) của Công ty CP Hưng Thịnh Incons. Theo doanh nghiệp, năm 2012, Dự án được UBND quận 7 chấp thuận đầu tư theo Nghị định 71/2010/NĐ-CP (do quy mô dưới 500 căn) với công năng là nhà chung cư cao 17 tầng, đã xây dựng xong móng và hầm. Đến năm 2017, Dự án được chuyển nhượng sang cho Hưng Thịnh Incons (do mua bán nợ xấu) và đã được Thành phố chấp thuận.
Nhưng sau đó không thể triển khai được là do “vướng mắc” quy hoạch phân khu 1/2.000 đang là thấp tầng, hiện trạng xây dựng móng hầm khi chưa có Giấy phép xây dựng và không phù hợp quy hoạch. Do đó, Công ty Hưng Thịnh Incons đã tự tháo dỡ phần móng hầm (hiện đất trống), đã nhiều lần kiến nghị cho chấm dứt dự án, hủy dự án để có cơ sở chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở lại cho cá nhân, tổ chức khác nhằm thu hồi vốn, nhưng chưa ai giải quyết.
(còn tiếp)