Đây là viễn cảnh mà ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc VietinBank đã chỉ ra khi chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán về xu thế phát triển của Fintech hiện tại.
Ông nhận định như thế nào về sức mạnh của làn sóng Fintech hiện tại?
Việc các công ty công nghệ bắt đầu dấn thân vào thị trường cung cấp dịch vụ tài chính, vốn thuần túy là của riêng ngân hàng, để cung cấp sản phẩm dựa trên nền tảng công nghệ là xu thế của thị trường hiện tại.
Tại Việt Nam cũng đã có khoảng 50 công ty Fintech cung cấp các sản phẩm công nghệ phục vụ các hoạt động thanh toán, cho vay, Blockchain, kêu gọi vốn cộng đồng – crowdfunding, tài chính cá nhân và các công cụ phân tích, quản lý dữ liệu...
Trong đó, hoạt động thanh toán vẫn là chủ yếu khi có gần 50% các công ty Fintech cung cấp sản phẩm dịch vụ trong lĩnh vực này.
Đâu là điểm mạnh và điểm yếu của ngân hàng và công ty Fintech?
Thế mạnh của ngân hàng là các ngân hàng có mạng lưới khách hàng lâu năm, có danh tiếng, uy tín đối với khách hàng và cộng đồng, đồng thời có hiểu biết và hiện đang cung cấp rất tốt các sản phẩm dịch vụ ngân hàng truyền thống.
Thêm vào đó, các ngân hàng cũng luôn đảm bảo tuân thủ các yêu cầu quản lý chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước và các bộ ban ngành. Tuy nhiên điểm yếu của các ngân hàng là thường đi chậm hơn so với các công ty công nghệ khác trong việc sáng tạo, cải tiến trong công nghệ.
Trong khi đó, các công ty Fintech mang tính chất là startup nên rất sáng tạo và năng động. Họ phân tích dịch vụ ngân hàng dưới góc độ của khách hàng và hướng đến cung cấp các dịch vụ mang lại trải nghiệm tốt hơn cho người dùng, không bị bó buộc bởi tư duy truyền thống của ngân hàng.
Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc VietinBank.
Bên cạnh đó, các công ty Fintech phát triển các dịch vụ với quy trình linh hoạt hơn, không nguyên tắc và cứng nhắc như ngân hàng.
Dẫu vậy, điểm yếu của các công ty Fintech là không có được sự hỗ trợ về tính tuân thủ pháp lý, các quy định về an toàn tiền tệ, phòng chống rửa tiền… nên khó tạo được sự tin tưởng, uy tín thương hiệu cho các hoạt động tài chính.
Bởi vậy, nếu kết hợp lại cả 2 bên sẽ tận dụng được thế mạnh của nhau và đây là xu hướng của rất nhiều ngân hàng trong khu vực. Chẳng hạn, tại Singapore các ngân hàng OCBC, DBS, UOB với tiêu chí làm việc nhanh, tận dụng nguồn lực linh động bên ngoài, họ đều có bộ phận hợp tác Fintech để chọn lựa những công ty Fintech phù hợp với định hướng phát triển kinh doanh của nhà băng và từ đó cùng sáng tạo ra những sản phẩm công nghệ mới.
Theo ông, thách thức đối với hệ thống ngân hàng khi hợp tác với các công ty Fintech là gì?
Thứ nhất, liên quan đến pháp luật. Khi ngân hàng bắt đầu cung cấp một dịch vụ nào đó tương đối mới lạ, hay còn gọi là phi truyền thống, sẽ gặp vướng mắc nhiều về thủ tục, giấy phép kinh doanh. Điều này yêu cầu nhà băng buộc phải bổ sung các thủ tục theo đúng quy định, tốn khá nhiều thời gian và công sức.
Thứ hai, nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước sẽ gặp khó khăn khi đầu tư mua sắm, bởi họ phải theo Luật Đầu tư công, mua sắm công, nghĩa là phải tuân thủ đầy đủ các xác thực về khả năng tài chính, kinh nghiệm của nhà thầu… Nếu đem những tiêu chí này áp vào những công ty Fintech thì rất khó có thể đạt được.
Thứ ba, khi đầu tư công nghệ luôn có rủi ro về chất lượng của công ty start up. Những công ty này có tính năng động nhưng thiếu ổn định, bền vững trong việc đánh giá chất lượng, đảm bảo bảo mật. Ngân hàng khi hợp tác với Fintech cần bổ sung những tiêu chí khảo sát về chất lượng và bảo mật kỹ lưỡng nhằm đảm bảo khi sử dụng dịch vụ của họ không gặp vấn đề.
Việc các công ty Fintech nước ngoài tiến vào Việt Nam liệu có gây rủi ro cho thị trường?
Nếu WeChat trước đây chuyên về chatting (trò chuyện), thì hiện giờ đã cung cấp tất cả các dịch vụ thanh toán tại Trung Quốc, thậm chí còn vượt ra ngoài khu vực; hay Alibaba lấn sân sang thanh toán trực tuyến với Ant Financial cho vay dựa trên lịch sử mua sắm của người dùng. Khi các công ty này tiến vào Việt Nam, doanh nghiệp nội có khả năng ngăn chặn như thế nào?
Thực tế, các công ty Fintech không hề thiếu vốn đầu tư, bởi một khi ý tưởng đủ hấp dẫn, lượng vốn họ kêu gọi được là rất lớn. Chẳng hạn với Uber, họ kêu gọi được số vốn đầu tư rất lớn và sẵn sàng chấp nhận chịu lỗ trong những năm đầu hoạt động để đạt mục tiêu thâu tóm thị trường.
Hãy tưởng tượng, WeChat hoặc Alibaba, thậm chí cả hai, rót vài chục triệu USD vào thị trường tài chính Việt Nam, chấp nhận bù lỗ để đưa ra các chương trình khuyến mại hấp dẫn, thậm chí sẵn sàng không thu phí tất cả các dịch vụ về thanh toán trong 2 - 3 năm đầu thâm nhập… Khi đó, hoạt động thanh toán tại Việt Nam sẽ ra sao? Số tiền 10 triệu hay 100 triệu USD đối với WeChat hay Alibaba không phải vấn đề lớn để các công ty này thâu tóm thị phần Việt.
Theo tôi, để đối mặt với vấn đề này, chúng ta cần thực hiện hai việc. Thứ nhất, cơ quan quản lý cần tạo hành lang pháp lý vững chắc. Thứ hai, Việt Nam cần có công ty Fintech đủ mạnh, tầm cỡ quốc gia để tạo thành đối trọng.
Ông có thể chia sẻ những nhận định của ông về sự hợp tác của các công ty Fintech với hệ thống ngân hàng Việt Nam nói chung và tại VietinBank nói riêng?
Trong vòng 1-2 năm gần đây, các ngân hàng Việt Nam đã coi trọng định hướng hợp tác với các công ty Fintech. Thậm chí các ngân hàng cũng đã và đang thành lập các Fintech lab, với mục đích tạo ra một không gian để ngân hàng và các công ty công nghệ trao đổi những ý tưởng, định hướng, mong muốn của mình và từ đó tìm ra những giải pháp thử nghiệm trước khi đưa ra sản phẩm hoàn chình.
Hiện tại, VietinBank đang thành lập một Fintech lab - không gian trao đổi giữa VietinBank và các công ty Fintech. Đây không đơn thuần là một không gian vật lý mà là nơi thu hút các công ty Fintech gặp gỡ, trao đổi ý tưởng công nghệ và kinh doanh. Nếu xuất hiện ý tưởng phù hợp, VietinBank sẽ bố trí nhân sự làm việc chung với Fintech nhằm tinh chỉnh ý tưởng, đưa ra những thử nghiệm để có thể kiểm tra được kết quả, từ đó đưa ra thị trường những sản phẩm mới.
Hiện VietinBank đang phối hợp với 7 công ty công nghệ trong các lĩnh vực khác nhau nhằm đưa ra các sản phẩm mang yếu tố công nghệ và tài chính ngân hàng để phục vụ khách hàng. Chúng tôi kỳ vọng trong 3 - 6 tháng tới sẽ ra mắt thị trường ít nhất 4 - 5 sản phẩm là sự kết hợp giữa Fintech và ngân hàng.
Không chỉ phối hợp với công ty công nghệ làm việc trong lĩnh vực tài chính, VietinBank còn mong muốn làm việc với các công ty công nghệ trong các lĩnh vực khác. Thời gian tới, mục tiêu của Ngân hàng là sẽ cung cấp những gói sản phẩm bao gồm sản phẩm tài chính đính kèm sản phẩm công nghệ cho những khách hàng ở nhiều lĩnh vực khác nhau bởi doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực đều cần công nghệ.
Theo ông, diện mạo của hệ thống ngân hàng trong thời gian tới sẽ ra sao?
Ngân hàng có một lượng khách hàng truyền thống, có thương hiệu, có uy tín, có mạng lưới… do đó, việc bị thay thế hoàn toàn khó có khả năng xảy ra. Tuy nhiên, những ngân hàng đứng độc lập, không tham gia vào làn sóng Fintech sẽ bị tụt hậu khi các nhà băng tận dụng được sức mạnh từ Fintech vượt mặt.
Bởi vậy, ngân hàng Việt Nam trong tương lai cần phải đảm bảo thực hiện được 2 việc: (i) xây dựng nền tảng kiến trúc hệ thống công nghệ được xây dựng vững chắc, áp dụng các công nghệ tiên tiến hiện đại theo xu hướng trên toàn cầu; (ii) đảm bảo tính mở, tính kết nối qua các open API để có thể tích hợp với Fintech một cách thuận tiện nhất, tận dụng nguồn lực Fintech để tạo nên hệ sinh thái, cung cấp dịch vụ toàn diện, thuận tiện cho khách hàng.