Thưa ông, theo lãnh đạo Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), người nghèo chủ yếu mua rau, thịt ở chợ nên không chịu ảnh hưởng khi thuế GTGT tăng lên 12%. Thực tế, có đúng là thuế GTGT không tác động đến người nghèo?
Đúng là rau, thịt ở chợ không phải chịu thuế GTGT, nhưng người nghèo họ đâu có mua rau, thịt mà thường họ tự sản xuất được. Cái họ cần mua lại chủ yếu là hàng công nghiệp (quần áo, đồ dùng gia đình, dụng cụ sản xuất…), đây lại là các mặt hàng bị đánh thuế.
TS. Lê Xuân Nghĩa.
Hơn nữa, tỷ trọng thu nhập chịu thuế hàng hóa của người nghèo bao giờ cũng nhiều hơn người giàu. Vì đa phần thu nhập của người nghèo sử dụng hết để chi tiêu, mua sắm, trong khi người giàu chỉ chi tiêu một phần nhỏ thu nhập, còn phần lớn để lại tích lũy. Có nghĩa là, người giàu chỉ bị đánh thuế hàng hóa một phần thu nhập, còn người nghèo thì hầu như toàn bộ thu nhập phải chịu thuế GTGT.
Hơn nữa, người nghèo chỉ mua hàng thiết yếu, nên cho dù thuế tăng thì họ vẫn cứ phải mua. Cho nên, khi tăng thuế GTGT, toàn bộ người tiêu dùng bị ảnh hưởng, đặc biệt là người nghèo.
Tăng thuế GTGT liệu có khiến tổng cầu giảm, đi ngược với chủ trương kích thích tiêu dùng không?
Về nguyên tắc, thuế sẽ được tính vào chi phí đầu vào của doanh nghiệp, thuế tăng thì đương nhiên giá cả hàng hóa sẽ tăng. Tuy nhiên, tổng cầu tăng hay giảm thì còn tùy thuộc vào độ co giãn của từng loại mặt hàng.
Đơn cử, hàng tiêu dùng là mặt hàng có độ co giãn thấp, nên như tôi đã nói ở trên, dù thuế tăng thì người dân vẫn phải mua, do đó, dù tăng thuế, doanh số hàng tiêu dùng vẫn không giảm.
Ngược lại, các mặt hàng khác, đặc biệt là hàng công nghiệp có độ co giãn cao, nên nếu tăng thuế, doanh số sẽ giảm mạnh. Như vậy, nếu tăng thuế GTGT, tổng cầu các mặt hàng công nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Trên thế giới, có nước nào bị ảnh hưởng về tổng cầu vì việc tăng thuế đánh vào hàng hóa chưa, thưa ông?
Minh chứng rõ nhất là Nhật Bản. Chúng ta thấy, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sau một thời gian áp dụng chính sách kinh tế “Abenomics”, nới lỏng tiền tệ (đưa lãi suất về 0%) đã phần nào kích thích kinh tế tăng trưởng, khắc phục được tình trạng thiểu phát.
Tuy nhiên, năm 2014, khi Nhật Bản tăng thuế tiêu dùng từ 5% lên 8%, cầu tiêu dùng của Nhật Bản lại sụt giảm và nền kinh tế lại rơi vào thiểu phát. Kể từ đó đến nay, Nhật Bản cũng đã phải nhiều lần trì hoãn kế hoạch tăng thuế tiêu dùng. Thay vào đó, Chính phủ Nhật Bản đang phải quyết liệt thực hiện nhiều chính sách để kích cầu như đưa lãi suất cơ bản về dưới 0%. Điều này cho thấy, người dân rất nhạy cảm với tình hình tài chính của mình và sẵn sàng “co vòi” nếu có những chính sách bất lợi.
Với sự phản ứng của dư luận trong nước, theo ông, liệu Quốc hội có thông qua đề nghị tăng thuế GTGT của Bộ Tài chính?
Cũng phải nói một cách công bằng rằng, Bộ Tài chính đang chịu áp lực rất lớn về cân đối ngân sách. Bộ Tài chính là đơn vị phải chịu trách nhiệm về thu, chi, song tình trạng hiện nay là thu không đủ để trả nợ.
Theo các cam kết quốc tế, tới đây (bắt đầu từ năm 2018 - PV), hàng loạt dòng thuế nhập khẩu sẽ giảm mạnh. Thuế thu nhập cá nhân cũng đang được dự thảo điều chỉnh giảm. Trong khi đó, chi thường xuyên lại không giảm, mà vẫn tiếp tục tăng. Những năm gần đây, tốc độ tăng chi tiêu thường xuyên luôn cao hơn tốc độ tăng GDP. Nếu không có nguồn thu, Bộ Tài chính sẽ không thể đảm bảo cân đối thu chi, chính vì vậy, họ mới phải đưa ra hạ sách là tăng thuế GTGT.
Cho nên, tới đây, khi Bộ Tài chính trình phương án tăng thuế, Quốc hội sẽ phải đứng trước bài toán nan giải. Nếu đồng ý tăng thuế, Quốc hội sẽ gặp phải sự phản ứng của cử tri, nhất là người nghèo và các doanh nghiệp. Nhưng nếu không chấp nhận tăng thuế, thì Quốc hội cũng phải tìm được lời giải cho bài toán về thâm hụt ngân sách.
Giải pháp hiệu quả nhất hiện nay để cân đối thu chi, theo tôi là cắt giảm chi tiêu công, nâng cao hiệu quả đầu tư công (hiện nay hàng chục ngàn tỷ đồng nằm trong các dự án đắp chiếu). Tuy nhiên, giải pháp này nằm ngoài tầm tay của Bộ Tài chính, mà đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc.