Theo cả quy định cũ và mới, nghĩa vụ chứng minh tổn thất thuộc về bên bán bảo hiểm

Theo cả quy định cũ và mới, nghĩa vụ chứng minh tổn thất thuộc về bên bán bảo hiểm

Khi bên mua bảo hiểm bị “bắt” chứng minh tổn thất

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lâu nay, khi xảy ra rủi ro, tổn thất liên quan đến bảo hiểm, chẳng hạn bảo hiểm tài sản hoặc bảo hiểm thiệt hại, bên mua bảo hiểm nộp hồ sơ yêu cầu công ty bảo hiểm bồi thường thì bên bán bảo hiểm thường cho rằng, nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm là phải chứng minh tổn thất thuộc phạm vi được bảo hiểm.

Bên mua bảo hiểm không có trách nhiệm chứng minh tổn thất

Mới đây, thị trường bảo hiểm có thêm một số vụ tranh luận giữa bên mua bảo hiểm, người đại diện của bên mua với đại diện pháp lý tham gia giải quyết tranh chấp của công ty bảo hiểm tại một cơ quan trọng tài, sau khi công ty bảo hiểm yêu cầu bên mua bảo hiểm có trách nhiệm chứng minh tổn thất thuộc trách nhiệm bảo hiểm (được chi trả bảo hiểm, được bồi thường).

Nhà bảo hiểm yêu cầu như vậy là không có cơ sở, vì giám định tổn thất bảo hiểm là hoạt động nhằm xác định hiện trạng, nguyên nhân, mức độ tổn thất, tính toán phân bổ trách nhiệm bồi thường tổn thất làm cơ sở giải quyết bồi thường bảo hiểm.

Khoản 1, Điều 53, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định: “Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài hoặc người được doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài ủy quyền thực hiện việc giám định tổn thất để xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất. Chi phí giám định tổn thất do doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài chi trả”.

Theo đó, bên mua bảo hiểm chỉ có nghĩa vụ cung cấp thông tin về sự kiện tổn thất để những nhà chuyên môn xem xét, đánh giá tổn thất đó có thuộc trách nhiệm bồi thường bảo hiểm hay không.

Nếu muốn từ chối bồi thường, công ty bảo hiểm phải chứng minh tổn thất đó thuộc phạm vi loại trừ bảo hiểm (không được bồi thường, không được chi trả bảo hiểm). Trường hợp công ty bảo hiểm không chứng minh được thuộc phạm vi loại trừ bảo hiểm thì công ty đó phải có trách nhiệm bồi thường cho bên mua bảo hiểm.

Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 có hiệu lực từ 1/1/2023, nhưng các quy định không được sửa đổi của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 tiếp tục có hiệu lực.

Trong khi đó, Khoản 1, Điều 53, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 nêu trên hầu như giữ nguyên nội dung quy định tại Khoản 1, Điều 48, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000: “Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm hoặc người được doanh nghiệp bảo hiểm uỷ quyền thực hiện việc giám định tổn thất để xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất. Chi phí giám định tổn thất do doanh nghiệp bảo hiểm chịu”.

Như vậy, nhà bảo hiểm nói rằng, nghĩa vụ chứng minh tổn thất thuộc về bên mua bảo hiểm là không có căn cứ theo cả quy định cũ và mới, chẳng khác nào trốn tránh thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm chi trả bảo hiểm.

Công ty bảo hiểm cần chủ động giám định, không phiền lụy đến khách hàng

Một trong những nguyên nhân gây tranh chấp, làm kéo dài quá trình chi trả bảo hiểm là bên mua bảo hiểm bị nhà bảo hiểm yêu cầu chứng minh tổn thất thuộc trách nhiệm bảo hiểm.

Liên quan đến quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, trong lần hoàn thiện dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, từng có ý kiến cho rằng, công ty bảo hiểm có quyền yêu cầu người được bảo hiểm phối hợp với doanh nghiệp bảo hiểm trong công tác giám định tổn thất. Bên cạnh đó, có quan điểm đề nghị bổ sung quy định “bên mua bảo hiểm phải có trách nhiệm phối hợp với doanh nghiệp bảo hiểm trong công tác giám định tổn thất, áp dụng các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất để doanh nghiệp bảo hiểm phối hợp với bên mua bảo hiểm/người được bảo hiểm trong công tác giám định tổn thất”.

Tuy nhiên, Luật mới đã giữ nguyên quy định cũ, đó là chỉ yêu cầu bên mua bảo hiểm áp dụng các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan, chứ không yêu cầu người được bảo hiểm phải phối hợp với doanh nghiệp bảo hiểm trong công tác giám định tổn thất. Bởi lẽ, đây là đề nghị thỏa thuận của doanh nghiệp với bên mua bảo hiểm, được hay không được chấp thuận bởi bên mua, không phải là nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm.

Ví dụ, khi có sự cố tổn thất công trình xây dựng xảy ra, bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm phải giải quyết hồ sơ bồi thường bảo hiểm căn cứ vào Điều 17, Thông tư 329/2016/TT-BTC quy định về nguyên tắc bồi thường bảo hiểm. Cụ thể, khi xảy ra sự cố công trình xây dựng, bên mua bảo hiểm có trách nhiệm thông báo ngay cho doanh nghiệp bảo hiểm bằng các phương tiện thông tin liên lạc, sau đó trong thời hạn 14 ngày kể từ ngày xảy ra sự cố công trình xây dựng phải thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm theo mẫu quy định tại Phụ lục số 10 ban hành kèm theo Thông tư này.

Sau khi thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm có thể tiến hành sửa chữa hay thay thế các hư hỏng nhỏ có giá trị không vượt quá mức khấu trừ tương ứng quy định tại phụ lục Thông tư 329/2016/TT-BTC. Trong các trường hợp khác, trước khi thực hiện sửa chữa hay thay thế, bên mua bảo hiểm phải được doanh nghiệp bảo hiểm giám định tổn thất. Nếu doanh nghiệp bảo hiểm không tiến hành giám định tổn thất trong thời hạn năm 5 ngày kể từ ngày nhận được thông báo sự cố công trình xây dựng, người được bảo hiểm có quyền tiến hành việc sửa chữa hay thay thế. Doanh nghiệp bảo hiểm sẽ trả chi phí sửa chữa hay thay thế các hạng mục bị tổn thất thuộc trách nhiệm bảo hiểm với điều kiện bên mua bảo hiểm phải tiến hành sửa chữa hay thay thế kịp thời.

Ngoài ra, bên mua bảo hiểm phải bảo quản các bộ phận bị tổn thất và sẵn sàng để cho đại diện hay giám định viên của doanh nghiệp bảo hiểm giám định các bộ phận đó…; cung cấp các tài liệu trong hồ sơ bồi thường theo quy định và tạo điều kiện cho doanh nghiệp bảo hiểm trong quá trình xác minh các tài liệu đó… Còn doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện giám định tổn thất theo quy định tại Điều 16, Thông tư 329/2016/TT-BTC; hướng dẫn, phối hợp với bên mua bảo hiểm và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thu thập đầy đủ các tài liệu để lập hồ sơ bồi thường. Trường hợp chấp nhận bồi thường bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải có văn bản thông báo bồi thường bảo hiểm. Trường hợp từ chối bồi thường bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải có văn bản giải thích lý do.

Như vậy, các quy định của pháp luật đều dẫn chiếu đến nội dung khách hàng chỉ có nghĩa vụ thông báo sự kiện tổn thất, còn nghĩa vụ và trách nhiệm của nhà bảo hiểm là phải chứng minh sự kiện tổn thất đó có phải là “sự kiện bảo hiểm” hay không. Khi bên mua bảo hiểm bị nhà bảo hiểm “bắt” phải chứng minh tổn thất đó có được bồi thường hay không là điều vô lý, sai quy định pháp luật, gây kéo dài quá trình chi trả bảo hiểm, khiến quyền lợi của bên mua bảo hiểm bị ảnh hưởng.

Liên quan đến giám định tổn thất, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định: “Trường hợp các bên không thống nhất về nguyên nhân và mức độ tổn thất thì có thể thỏa thuận thuê giám định viên độc lập, trừ trường hợp có thoả thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm. Trường hợp các bên không thoả thuận được việc thuê giám định viên độc lập thì một trong các bên có quyền yêu cầu toà án có thẩm quyền hoặc trọng tài trưng cầu giám định viên độc lập. Kết luận của giám định viên độc lập có giá trị bắt buộc đối với các bên”.

Luật mới cũng đã bổ sung hoạt động giám định tổn thất vào dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Theo đó, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm bao gồm tư vấn, đánh giá rủi ro bảo hiểm, tính toán bảo hiểm, giám định tổn thất bảo hiểm, hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm.

Tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm không được cung cấp dịch vụ giám định tổn thất bảo hiểm và hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm cho hợp đồng bảo hiểm mà tổ chức đó đồng thời là bên mua bảo hiểm hoặc người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng.

Tin bài liên quan