Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng rộng cửa với các nhà báo, dù công khai, minh bạch là tiêu chí doanh nghiệp niêm yết cần hướng tới.
Ðầu năm nay, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đã yêu cầu Công ty Landmark Holding (mã chứng khoán LMH) giải trình về một nội dung bài báo đăng trên Ðầu tư Chứng khoán nêu vấn đề quản trị công ty khi Ban lãnh đạo tự quyết định chuyển đổi ngành nghề kinh doanh chính, vấn đề thuộc thẩm quyền của Ðại hội đồng cổ đông. Ðây không phải lần đầu tiên cơ quan quản lý yêu cầu doanh nghiệp niêm yết giải trình thông tin mà báo chí nêu.
Mặc dù bản giải trình của LMH mang tính hình thức, nhưng từ góc nhìn này, nhà đầu tư trên thị trường đã kịp rời bỏ cổ phiếu LMH, không dính bẫy hồi kỹ thuật sau nhiều phiên giảm sàn liên tiếp trước đó.
Vấn đề tại LMH khá rõ ràng, nhưng diễn biến trong suốt mấy tháng trước đó một cách bình thường và không gây ra bất kỳ xáo trộn nào cho đến khi việc bỏ ngành nghề kinh doanh chính của LMH để chuyển sang bất động sản dẫn đến kết quả kinh doanh thua lỗ, khiến giá cổ phiếu giảm sàn liên tục, mất gần 80% thị giá. Và báo chí đã phát hiện ra nguyên nhân của câu chuyện dẫn đến rủi ro cho nhà đầu tư.
Xung quanh câu chuyện của LMH có nhiều vấn đề cần phải làm rõ, nhưng báo chí có những giới hạn nhất định trong việc tiếp cận thông tin. Chẳng hạn, vụ việc liên quan đến làm giá chứng khoán, báo chí không thể tiếp cận thông tin từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán để phân tích dữ liệu, xác minh thông tin.
Cho đến nay, số vụ việc bị xử phạt hành chính và hình sự về hành vi làm giá chứng khoán ít hơn rất nhiều so với số lượng các cổ phiếu trên thị trường có dấu hiệu bị làm giá.
Theo bình luận của nhiều nhà đầu tư, các vụ việc bị phát hiện là một hay một vài nhà đầu tư cá nhân làm giá một cách thô sơ.
Các hình thức làm giá tinh vi, diễn ra nhiều hơn có sự phối hợp của nhiều đội, hoặc một nhóm tài khoản tại một hay hai công ty chứng khoán. Ðôi khi làm giá kiểu này dễ bị lẫn lộn với từ chuyên môn là nhóm tạo lập thị trường cho cổ phiếu. Ðứng trước các trường hợp này, giới truyền thông thường “bó tay” vì không đủ khả năng truy xuất thông tin.
Câu chuyện cổ đông một số doanh nghiệp khi xảy ra tranh chấp sử dụng thông tin từ báo chí như một công cụ gây sức ép với nhau cho thấy vai trò của truyền thông báo chí khi tham gia hoạt động giám sát doanh nghiệp.
Việc doanh nghiệp niêm yết phải thực hiện công bố thông tin công khai, chi tiết cũng là để nhà đầu tư và đối tượng ngoài doanh nghiệp, trong đó có báo chí tham gia giám sát.
Trên thực tế, nhiều trường hợp báo chí phát hiện vi phạm của doanh nghiệp chủ yếu thông qua nghiên cứu tài liệu công bố và xâu chuỗi một cách logic.
Báo Ðầu tư Chứng khoán, một thành viên trong Ban tổ chức Cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết hàng năm cùng với Sở Giao dịch chứng khoán và Quỹ đầu tư Dragon Capital đã thúc đẩy hoạt động nâng cao chất lượng báo cáo thường niên và chất lượng công bố thông tin của doanh nghiệp niêm yết nói chung. Ðây là cơ sở quan trọng để hoạt động giám sát các doanh nghiệp niêm yết được hiệu quả.
Trong khi nhiều doanh nghiệp mở cửa với giới báo chí thì trên thị trường còn không ít doanh nghiệp chưa quen với việc có sự giám sát của báo chí trong vài trò quan sát viên với các hoạt động của mình.
Việc doanh nghiệp không cho báo chí tham dự cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên, thậm chí có doanh nghiệp trong phần mở đầu đại hội còn yêu cầu không ghi âm, chụp ảnh nhằm hạn chế hoạt động tác nghiệp của nhà báo tham dự trong vai trò cổ đông.
Một trạng thái phổ biến hơn là các doanh nghiệp niêm yết dễ dàng công khai thông tin với nhà đầu tư, nhóm nhà đầu tư hơn là với báo chí, trong khi báo chí là cầu nối thông tin quan trọng và khách quan giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư nhỏ lẻ chiếm số đông trên thị trường.
Số doanh nghiệp tổ chức hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR) định kỳ có mời báo chí thường xuyên khá ít so với số doanh nghiệp tổ chức hoạt động IR định kỳ chỉ dành riêng cho giới phân tích thuộc các công ty chứng khoán, tổ chức đầu tư.
Mà các tổ chức này với hoạt động kinh doanh môi giới và đầu tư chứng khoán của mình rất có thể sẽ có sự thiên vị trong thông tin phân tích về doanh nghiệp đến các khác hàng.
Trong khi đó, báo chí đóng vai trò quan sát viên, phản ánh thông tin và giám sát nhiều hơn. Vì thế, đôi khi việc ngại tiếp xúc với báo chí của doanh nghiệp niêm yết là ngại sẽ phải trả lời nhiều, ngại thực hiện giải trình cụ thể và thấu đáo.
Cho đến nay, vai trò quan sát viên, giám sát hoạt động doanh nghiệp niêm yết của giới báo chí còn nhiều rào cản, nhất là do yếu tố chủ quan từ phía doanh nghiệp.
Ðể tăng cường giám sát hoạt động của doanh nghiệp niêm yết từ nhiều chủ thể khác nhau, ngoài văn hóa doanh nghiệp cần thay đổi thì quyền tham gia của báo chí vào hoạt động công khai của doanh nghiệp niêm yết cần được luật hóa.