Khẩu vị vốn ngoại: Vẫn là Top 30

Khẩu vị vốn ngoại: Vẫn là Top 30

(ĐTCK) Mặc dù đã bắt đầu xuất hiện xu hướng đầu tư vào các cổ phiếu có mức vốn hóa trung bình trên TTCK Việt Nam, nhưng nhìn chung, hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài vẫn chỉ đầu tư xoay quanh các cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn, thanh khoản cao (Top 30).

“Hiện chúng tôi chỉ tập trung đầu tư vào những doanh nghiệp có nền tảng cơ bản vững chắc”

 Ông Jean Eric Jacquemin,Giám đốc Quỹ Red River Holding

Thanh khoản của TTCK nói chung vẫn còn thấp, rất nhiều công ty có vốn hóa nhỏ và thiếu những nhà đầu tư tổ chức trong nước với tầm nhìn dài hạn.

Chúng tôi tin rằng, nếu Chính phủ tiếp tục thực hiện các cam kết về tái cấu trúc nền kinh tế, cải thiện tính minh bạch, củng cố quản trị doanh nghiệp và đảm bảo việc đối xử công bằng giữa các cổ đông, TTCK Việt Nam sẽ hấp dẫn hơn và Việt Nam sẽ có khả năng đón nhận đầu tư lớn từ các nhà đầu tư tài chính nước ngoài.

Hiện chúng tôi vẫn tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam một cách rất chọn lọc và tập trung chủ yếu vào những doanh nghiệp có nền tảng cơ bản vững chắc, nguyên tắc quản trị doanh nghiệp lành mạnh và có khả năng tạo ra sự cộng hưởng giữa các công ty đầu tư trong danh mục.

Chiến lược đầu tư của chúng tôi sẽ chuyển hướng từ đầu tư tài chính với mức sở hữu thiểu số sang cách tiếp cận của nhà đầu tư chiến lược. Chúng tôi kỳ vọng, việc sở hữu cổ phần đa số như là một nhà đầu tư chiến lược thực thụ trong công ty đầu tư sẽ cho phép chúng tôi có thể đóng góp vào hoạt động của công ty một cách hiệu quả và linh hoạt hơn, nhằm mục đích cải thiện hoạch định chiến lược, hoạt động điều hành kinh doanh và tình hình tài chính.

“Nhiều hàng hóa chất lượng cao đang nằm trên thị trường tự do hoặc UPCoM, hoặc do Nhà nước sở hữu số lượng lớn”

Ông Domic Scriven,Tổng giám đốc Dragon Capital
 

Vốn hóa của TTCK VIệt Nam rất nhỏ so với các nước trong khu vực Asean. Có trình độ kinh tế tương đồng, quy mô dân số tương tự, nhưng TTCK Indonesia có quy mô vốn hóa 600 tỷ USD, Philippines cũng 200 tỷ USD,  Malaysia là 500 tỷ USD trong khi Việt Nam chỉ có 50 tỷ USD. Điều này có nghĩa, Việt Nam chưa thật sự thu hút được dòng tiền lớn và dài hạn của các nhà đầu tư chứng khoán nước ngoài. Vấn đề này chúng tôi hy vọng sẽ được cải thiện khi Quyết định 51/2014 được tuân thủ và thực thi một cách nghiêm khắc.

Nhiều hàng hóa chất lượng đang nằm trên thị trường tự do hoặc UPCoM, hoặc do Nhà nước sở hữu số lượng lớn. NĐT nước ngoài do vậy không mấy quan tâm bỏ vốn vào những doanh nghiệp như vậy. Ngoài ra, NĐT nước ngoài như chúng tôi quan tâm đến vấn đề quản trị doanh nghiệp. Những doanh nghiệp có quản trị tốt sẽ minh bạch hóa hoạt động, hiệu quả kinh doanh và hoạt động thu chi của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và tăng trưởng. Từ đó có điều kiện thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ở Việt Nam hiện nay, quản trị tại nhiều doanh nghiệp lớn đang bị coi nhẹ, hoặc do các yếu tố hạn chế từ khi là doanh nghiệp nhà nước ảnh hưởng hoặc do yếu tố công ty gia đình chi phối quá lớn.

“Năm 2015, lực mua ròng khối ngoại xấp xỉ năm 2014”

 Bà Nguyễn Thị Ngân Tuyền,Giám đốc Nghiên cứu phân tích CTCK MayBank Kim Eng (MBKE)

Dòng vốn ngoại trong năm 2015 là một chủ đề thú vị. Về diễn biến lớn trên thị trường toàn cầu, cần khách quan nhìn nhận, đang có sự chuyển dịch rõ nét dòng vốn quay lại thị trường Hoa Kỳ. Sau khi Fed kết thúc các gói QE và nhiều khả năng sẽ sớm tăng lãi suất USD lên mức cao hơn, điều này chắc chắn tạo ra ít nhiều ảnh hưởng tiêu cực lên dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Dù vậy, xét về yếu tố nội tại, nền kinh tế Việt Nam nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng đang hội tụ nhiều yếu tố để hấp dẫn dòng tiền từ khối ngoại, các yếu tố cần kể đến là sự phục hồi trong tăng trưởng, sự ổn định của tỷ giá và mặt bằng định giá của TTCK Việt Nam đang tốt hơn mức trung bình của châu Á.

Nhìn chung, chúng tôi vẫn rất tin tưởng vào khả năng duy trì mua ròng của khối ngoại trong năm 2015, lực mua có thể xấp xỉ năm 2014 vừa qua. Nhìn vào giao dịch của khối ngoại trong năm rồi có thể thấy, họ vẫn dành sự ưu ái nhất cho nhóm các cổ phiếu vốn hóa cao khi phần lớn hoạt động giao dịch của khối ngoại tập trung tại nhóm này. Dù vậy năm 2014 cũng đánh dấu sự “thay đổi phần nào” khẩu vị của nhà đầu tư nước ngoài khi họ chuyển một phần vốn sang nắm giữ nhóm midcap trên thị trường, đặc biệt là các cổ phiếu nằm trong các nhóm ngành được hưởng lợi từ chính sách vĩ mô của Chính phủ như bất động sản và vật liệu xây dựng. Chúng tôi cho rằng, điều tương tự sẽ xảy ra trong năm 2015. Dù vậy cần lưu ý, nếu giá dầu vẫn không có cải thiện nào trong năm 2015 và USD tiếp tục lên giá cao hơn thì không loại trừ khả năng xu hướng dòng vốn ngoại trên toàn cầu sẽ tìm nơi trú ẩn ở những tài sản được định giá bằng USD.

“Năm 2015, NĐT nước ngoài sẽ quan tâm hơn tới doanh nghiệp quy mô trung bình có tiềm năng phát triển cao”

Ông Nguyễn Anh Đức,Giám đốc Môi giới, Khối Môi giới khách hàng tổ chức, CTCK HSC

Dự báo trong năm 2015, TTCK Việt Nam sẽ nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ khối nhà đầu tư nước ngoài dựa trên các yếu tố như nền kinh tế tiếp tục được ổn định và cải thiện, đặc biệt từ các chỉ số vĩ mô như tăng trưởng GDP, lạm phát, lãi suất, tỷ giá… Ngoài ra những hành động của Chính phủ về mặt cải thiện hệ thống ngân hàng trong năm tới sẽ khiến niềm tin và kỳ vọng tăng trưởng của nền kinh tế và thị trường Việt Nam trong thời gian tới là tương đối tốt.

Mặt khác, thị trường đã điều chỉnh tương đối nhiều trong thời gian gần đây, khiến mặt bằng giá của thị trường nói chung và rất nhiều cổ phiếu trên thị trường trở về mức hấp dẫn với dòng tiền nước ngoài. Bên cạnh đó, kỳ vọng về những thay đổi kỹ thuật về thị trường như việc cho phép chứng khoán phái sinh, sáp nhập 2 sàn chứng khoán HOSE và HNX giúp cải thiện thanh khoản thị trường, áp dụng NVDR cho phép NĐT nước ngoài có thể mua cổ phiếu full room… Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa và niêm yết các doanh nghiệp quốc doanh trong năm 2015, trong đó có một số doanh nghiệp tương đối tốt và có quy mô lớn. Điều này cung cấp cho NĐT nước ngoài nhiều lựa chọn mới trong hoạt động đầu tư và cải thiện tính thanh khoản của thị trường.

Đối với hầu hết tổ chức nước ngoài, thị trường Việt Nam có quy mô tương đối nhỏ, do đó họ chủ yếu tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa lớn và có thanh khoản cao (Top 30). Tuy nhiên, cũng ngày càng có thêm quỹ đầu tư vào các thị trường mới nổi với quy mô vừa phải, và họ có thể đầu tư vào các cổ phiếu vốn hóa trung bình. Với việc số lượng cổ phiếu vốn hóa lớn ở Việt Nam là không nhiều, sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài vào các doanh nghiệp có quy mô trung bình và tiềm năng phát triển cao sẽ gia tăng trong thời gian tới.

Tin bài liên quan