Kim loại đồng chiếm vị trí đầu bảng trong những hàng hóa giảm giá khi xuống mức thấp nhất trong vòng 44 tháng vào đầu giờ giao dịch ngày 12/3, trước khi tăng lại 0,5% lên mức 6.505 USD/tấn, nhưng vẫn thấp hơn 7% so với mức đóng cửa tuần trước.
Các dữ liệu gần đây càng cho thấy rõ hơn về khả năng tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, lý do để lo ngại về nhu cầu đối với kim loại này.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng nhất mạnh vai trò chủ chốt của đồng ở Trung Quốc như là một loại tài sản thế chấp phổ biến đối với các hoạt động tín dụng, cũng như được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp và xây dựng.
“Đồng là một trong những hàng hóa phổ biến nhất đối với các doanh nghiệp Trung Quốc trong các giao dịch tài chính quốc tế”, Hans Redeker, Trưởng chiến lược hối đoái toàn cầu của Morgan Stanley nói.
“Sự giảm giá của đồng nhân dân tệ thời gian gần đây và sự lao dốc của giá đồng đã buộc các công ty Trung Quốc bán mạnh kim loại này - vốn được nắm giữ làm tài sản cầm cố cho các thư tín dụng ngân hàng (LC) - trước khi giá giảm sâu hơn”.
Lo ngại tăng trưởng chậm lại cũng làm xuất hiện đồn đoán giới chức Trung Quốc sẽ hành động để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 7,5% trong năm nay. Thực tế, đã có những thông tin về việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc có thể nới lỏng chính sách tiền tệ nếu có thêm dấu hiệu về sự chậm lại của tăng trưởng. Biện pháp được đưa ra có thể là hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng.
Những đồn đoán này đã giúp hạn chế đà lao dốc của TTCK đại lục, mặc dù chỉ số tổng hợp Thượng Hải vẫn giảm 0,2% xuống mức thấp nhất trong vòng 8 tuần gần đây.
“Việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc để bảo vệ mục tiêu tăng trưởng 7,5% sẽ gây rủi ro phá hỏng quá trình ổn định chính sách tiền tệ của nước này”, Tim Condon ở ING nói. “Với thành công của chính sách nới lỏng tài khóa thận trọng trong năm ngoái, tình huống có thể xảy ra bây giờ là các nhà chức trách sẽ sử dụng lại biện pháp này”.
Trong khi đó, giá dầu cũng giảm mạnh, với mức giảm 53 cents/thùng, còn 107,84 USD/thùng và giá dầu trên sàn West Texas Intermediate (WTI) - giá dầu thô cơ bản của Mỹ - cũng giảm 2,4 USD còn 97,99 USD/đơn vị, thấp nhất trong hơn 1 tháng.
Giá dầu WTI bắt đầu lao dốc sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ công bố báo cáo cho thấy kho dự trữ dầu thô của nước này đã tăng nhanh hơn dự báo. Giá giảm mạnh hơn khi Bộ Năng lượng Mỹ thông báo đang lên kế hoạch giải phóng bớt 5 triệu thùng dầu khỏi Kho dự trữ dầu chiến lược.
Sự không chắc chắn bao phủ triển vọng lĩnh vực hàng hóa toàn cầu đã lan sang cổ phiếu và tài sản ở các thị trường mới nổi.
Tại New York, chỉ số S&P 500 kết thúc phiên giao dịch hôm thứ Tư tăng nhẹ nhưng trước đó đã giảm 0,7%, trong khi chỉ số FTSE Eurofirst 300 giảm 1,1% và chỉ số Nikkei 255 ở Tokyo giảm 2,6%.
Không có cú phanh nào cho sự lao dốc của cổ phiếu Nga khi chỉ số Micex giảm thêm 2,6% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2012. Các nhà đầu tư tại đây đã tìm cách bảo vệ mình trước cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea vào Chủ nhật tới, về vấn đề ly khai khỏi Ukraine.
Đồng rouble của Nga đóng cửa ở mức thấp kỷ lục so với đồng USD, trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ bằng đồng nội tệ đạt mức cao kỷ lục. Chỉ số MSCI của các thị trường mới nổi giảm 1,1% xuống mức thấp nhất trong vòng 1 tháng.
Khẩu vị rủi ro giảm sút đã giúp thúc đẩy nhu cầu “trú ẩn” với những tài sản an toàn như trái phiếu chính phủ Mỹ và Đức, vàng và yên Nhật. Lợi suất trái phiếu 10 năm của Kho bạc Mỹ đã giảm 4 điểm cơ bản, xuống còn 2,72%/năm và lợi suất trái phiếu Đức 10 năm cũng giảm 4 điểm cơ bản xuống còn 1,6%/năm.
Vàng, trong khi đó, đã tăng lên mức cao nhất trong vong 6 tháng vào ngày hôm qua, đạt tới 1.374,6 USD/ounce.
“Sự phục hồi của giá vàng chứng tỏ kim loại này vẫn giữ được vai trò của mình cho dù đã giảm mạnh trong nửa đầu năm ngoái, đồng thời chứng tỏ bối cảnh không chắc chắn về kinh tế ở Trung Quốc và địa chính trị ở Ukraine đã ảnh hưởng đến khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư thế nào”, Julian Jessop của Capital Economics nói. “Chúng tôi dự đoán, giá vàng sẽ tăng đến 1.450 USD/ounce trong năm nay”.