Cột mốc bùng nổ
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại tỉnh Bình Thuận vào tuần trước đã củng cố thêm niềm tin cho các nhà đầu tư vào địa phương này, khi hàng loạt dự án giao thông hạ tầng trọng điểm được cam kết đẩy nhanh tiến độ để về đích trong giai đoạn 2022-2023.
Ông Nguyễn Tấn Lê, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Bình Thuận cho biết, hiện tuyến đường bộ cao tốc chạy dọc theo trục Bắc - Nam xuyên suốt qua địa bàn tỉnh, từ ranh giới tỉnh Ninh Thuận đến tỉnh Đồng Nai với tổng chiều dài 160,3 km đang được tăng tốc từng ngày để về đích đúng hẹn.
“Sau khi tuyến cao tốc này hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian đi lại giữa Bình Thuận và TP.HCM và các địa phương lân cận khác”, ông Lê nói và cho biết thêm, hiện nay, các nhà thầu đang khẩn trương thi công để hoàn thành thông xe kỹ thuật đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây vào cuối năm 2022. Riêng sân bay Phan Thiết, dự án này đang được đẩy nhanh hoàn thành hồ sơ, thủ tục theo quy định để sớm triển khai phần nhà ga dân dụng.
“Hiện tại, cấu phần quân sự và đường cất, hạ cánh đang được thi công, còn cấu phần dân sự đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục pháp lý để tiến hành xây dựng, theo kế hoạch sẽ đưa vào khai thác trong năm 2023”, ông Lê thông tin.
Theo các chuyên gia, giai đoạn 2022-2023 sẽ là cột mốc phát triển mới của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Bình Thuận nói riêng và khu vực Duyên hải miền Trung nói chung, khi các đại dự án đang được đầu tư trước đó đang dần thành hình.
Nhận diện được cơ hội này, nhiều doanh nghiệp bất động sản tiếp tục chi hàng ngàn tỷ đồng đầu tư vào các dự án bất động sản du lịch mới, đồng thời đưa vào vận hành một số phân khu nhằm đón đầu sự phát triển.
Chẳng hạn, bên cạnh dự án NovaWorld Phan Thiet (tỉnh Bình Thuận) đang được đầu tư mạnh mẽ, Tập đoàn Novaland tiếp tục gây chú ý với thông tin sắp ra mắt “siêu” dự án NovaWorld Mui Ne - Marina City cũng tại địa phương này. Dự án quy mô lên đến 680 ha, trong đó 80 ha quy hoạch bến du thuyền quốc tế, có khả năng neo đậu 1.000 du thuyền.
Một dự án nghỉ dưỡng nữa tại TP. Phan Thiết đang tăng tốc triển khai là Mũi Né Summerland Resort - tổ hợp giải trí và tiệc tùng theo mô hình Lasvegas do Công ty Hưng Lộc Phát làm chủ đầu tư. Hiện tại, Hưng Lộc Phát đã bàn giao những sản phẩm đầu tiên của phân khu The Island với dòng sản phẩm chính là nhà phố du lịch và nhà phố thương mại cho khách hàng. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ triển khai các hạ tầng tiện ích để cuối năm 2022 sẽ đưa một phần dự án vào sử dụng đúng với thời điểm hoàn thành cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết.
Nếu như việc mở rộng hay xây mới các sân bay, trục cao tốc Bắc - Nam… mang đến cơ hội phát triển cho khu vưc Duyên hải miền Trung, thì cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, cao tốc TP.HCM - Bình Phước… cũng mở ra cánh cửa mới cho khu vực Tây Nguyên, mang đến sự bứt phá cho thị trường bất động sản khu vực này.
Ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc Nghiên cứu và Phát triển thị trường, DKRA Việt Nam cho biết, trong nửa đầu năm 2022, có gần 60 dự án bất động sản nghỉ dưỡng được cấp phép mới và đủ điều kiện kinh doanh, tăng mạnh so với năm 2021. Mặt bằng giá cũng tăng so với cùng kỳ năm trước, dao động từ 9-40%, bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh.
“Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng những tháng cuối năm 2022 sẽ rất tích cực, nguồn cung vẫn tăng nhẹ, tập trung tại một số địa phương phát triển du lịch như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bình Định, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu và Phú Quốc. Giá bán sơ cấp tiếp tục đi lên do chi phí đầu vào tăng”, ông Thắng nhận định.
Hạ tầng giao thông phát triển góp phần thúc đẩy những dự án nghỉ dưỡng mới. Ảnh: Lê Toàn |
Đổi vị
Dòng tiền đầu tư thông minh luôn đi trước khi xuất hiện những tín hiệu tích cực mới và với thị trường nghỉ dưỡng, trải qua nhiều biến động, khẩu vị đầu tư cũng có sự thay đổi rõ rệt, thay vì chạy theo phong trào và “lướt sóng” ngắn hạn như trước, thì nay nhà đầu tư chú ý nhiều hơn vào giá trị tương lai khi dự án được đưa vào vận hành, khai thác.
Anh Lê Phong, một nhà đầu tư bất động sản chuyên nghiệp tại TP.HCM cho biết, khác với những dòng sản phẩm phục vụ nhu cầu ở thông thường, đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng hiện nay không đơn thuần chỉ để chờ tăng giá thứ cấp hay từ cam kết lợi nhuận của chủ đầu tư, mà còn nhiều yếu tố khác.
Theo nhà đầu tư này, sự bùng nổ của các dự án nghỉ dưỡng ở các địa phương du lịch nổi tiếng không còn mới lạ khi những khu vực này có nhiều lợi thế từ vị trí địa lý, cảnh quan thiên nhiên... Tuy nhiên, tiềm năng đó có được khai thác hiệu quả hay không phụ thuộc rất lớn vào chiến lược phát triển ngành du lịch từng địa phương và quy hoạch các dự án bất động sản nghỉ dưỡng.
Hiện tại, trước khi lựa chọn sản phẩm nghỉ dưỡng, bên cạnh hệ thống tiện ích đơn thuần như trung tâm thương mại, nhà hàng, quán bar, cafe..., nhà đầu tư còn chú ý tới các tiện ích nội và ngoại khu bởi đây là yếu tố chính thu hút khách du lịch đến nghỉ dưỡng, sau đó là uy tín thương hiệu, chiến lược kinh doanh của chủ đầu tư khi dự án được đưa vào vận hành.
“Giá trị của một sản phẩm nghỉ dưỡng không chỉ đơn thuần là sự tăng giá, mà còn phải có sức hút lớn với khách du lịch trong cả ngắn hạn và dài hạn”, anh Phong nói, đồng thời cho biết, mỗi năm, những địa điểm du lịch nổi tiếng lại có thêm nhiều dự án nghỉ dưỡng mới ra đời và khách du lịch có xu hướng tìm đến những nơi mới hơn để trải nghiệm. Các dự án nghỉ dưỡng cũ nếu không được tái đầu tư kịp thời hoặc dịch vụ kém sẽ rất khó cạnh tranh.
Theo ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương, hiện nay, thị trường chủ yếu chú trọng vào quy mô, với các dự án có mật độ xây dựng dày đặc và tập trung quá nhiều vào các sản phẩm để bán. Nhiều chủ đầu tư chạy đua phát triển các sản phẩm “luxury” và “wellness” mà chưa thực sự hiểu đúng các khái niệm này, cũng như thiếu sự cân nhắc đến các yếu tố cộng hưởng xung quanh. Minh chứng là những năm gần đây, sự hình thành của các dự án phức hợp quy mô lớn với sản phẩm shophouse chiếm chủ đạo. Số lượng sản phẩm quá lớn sẽ gây khó khăn cho quá trình vận hành cũng như khai thác cho thuê.
Ông Mauro Gasparotti đánh giá, thị trường nghỉ dưỡng Việt Nam có nhiều dự án cùng cạnh tranh trong một phân khúc với mô hình và sản phẩm tương tự nhau. Nhiều chủ đầu tư vẫn chưa thực sự chú trọng đến chất lượng, mà chỉ tập trung theo đuổi số lượng và cách tiếp cận “sao chép - cắt dán” khiến các dự án bị thiếu điểm nhấn.
“Điểm đặc biệt của ngành nghỉ dưỡng là cho phép các đơn vị phát triển dự án có thể thỏa sức sáng tạo để đem đến những sản phẩm ấn tượng, khác biệt so với những sản phẩm hiện hữu, từ đó đem đến những trải nghiệm giá trị cho khách lưu trú. Điều này không phải chỉ đến từ những sản phẩm cao cấp, mà có thể đến từ mọi phân khúc sản phẩm, miễn là dự án được định vị rõ ràng, quy hoạch tốt, thiết kế hợp lý và vận hành chỉn chu”, ông Mauro Gasparotti nhấn mạnh.