Những thương hiệu “hồi sinh”
Ông Đỗ Lam Điền (67 tuổi) sinh ra và lớn lên ở làng Ngọc Hà - một làng cổ của Thăng Long (Hà Nội xưa) nổi tiếng với nghề trồng hoa. Ông không gắn bó với nghề truyền thống của làng, mà làm công nhân ở Xí nghiệp Xe khách Thống Nhất. Có thu nhập khá, ông Điền và các bạn cùng lứa có cơ hội gắn bó với vài dòng bia lịch sử của Bia Hà Nội (Habeco). Trong đó, bia Trúc Bạch đã len sâu vào tâm hồn họ một cách rất tự nhiên.
Ra đời vào năm 1958 và được đặt theo tên hồ Trúc Bạch - một địa danh gắn liền với mảnh đất Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, Trúc Bạch là bia nội đầu tiên của Việt Nam. “Đó là dòng bia sang trọng và trở thành một phần hồn không thể thiếu của Hà Nội. Cũng giống như kem Tràng Tiền, bia Trúc Bạch khiến thế hệ chúng tôi nhớ mãi”, ông Điền nói.
Nhưng đã có thời điểm, dòng bia này mất tích trên các quầy kệ thân quen. “Đó là khoảng những năm 1990, khi nền kinh tế nước nhà có nhiều biến chuyển”, ông Điền nhớ lại.
Khoảng thời gian đó, Habeco gặp khá nhiều thách thức khi chuyển đổi mô hình sang công ty tự hoạch toán kinh doanh. Việc nhập khẩu nguyên liệu gặp khó; nhu cầu của người tiêu dùng tăng mạnh, trong khi công suất của Nhà máy có hạn, Bia Hà Nội không thể đáp ứng được mọi nhu cầu của người tiêu dùng.
Đặc biệt, thập niên 1990 là thời điểm ngành bia cạnh tranh vô cùng gay gắt. Nhiều công ty bia trong nước lâm vào khó khăn và phải tìm lối thoát bằng cách chuyển hướng sang tập trung sản xuất bia hơi, hoặc sáp nhập với các công ty bia lớn, có tên tuổi để gia công sản phẩm cho họ. Phần còn lại, chấp nhận số phận làm “con mồi” cho đối tác ngoại thâu tóm.
Đó là lúc bia Vạn Lực giá rẻ của Trung Quốc theo chân các tiểu thương “tràn” sang Việt Nam và lập tức được phần đông người Việt đón nhận. Lúc đó, nhà nhà dùng bia Vạn Lực, người người dùng bia Vạn Lực.
Rồi bia Trúc Bạch quay lại thị trường đúng vào dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Năm 2008, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống - ngày chai bia Trúc Bạch đầu tiên ra đời, Ban lãnh đạo Habeco quyết định phục hồi sản phẩm vang danh một thời này, với mức giá thậm chí cao hơn cả một số loại bia cao cấp, bán chạy trên thị trường. Lãnh đạo Habeco còn khẳng định, sản lượng tiêu thụ tăng trưởng trung bình của bia Trúc Bạch cao gấp 3 - 4 sản lượng tiêu thụ trung bình của các loại bia khác, bia Trúc Bạch hút khách vì phù hợp khẩu vị của người Việt.
Câu chuyện hồi sinh và lấy lại thị trường của bia Trúc Bạch tương tự việc các sản phẩm gạch ốp lát của Việt Nam với giá rẻ, chất lượng tốt đã “đè bẹp” gạch ốp lát Trung Quốc.
Đã có thời gian dài, các doanh nghiệp sản xuất gạch trong nước luôn chịu lép vế so với gạch ngoại có xuất xứ từ châu Âu (Italia, Đức, Ai Cập..) và đặc biệt là Trung Quốc. Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, vị thế đã thay đổi, “miếng bánh” thị phần của các doanh nghiệp nội địa đã phình ra nhằm chống lại sự lấn sân của vật liệu ngoại.
Nhờ nỗ lực cải thiện màu sắc, mẫu mã, áp dụng công nghệ mới, đầu tư hệ thống showroom, tập trung phát triển đồng bộ sản phẩm mới…, thời gian qua, các doanh nghiệp sản xuất gạch ốp lát trong nước đã có được thành công nhất định và đang dần chiếm lĩnh thị trường. Trong đó, có thể kể đến các tên tuổi như Gạch Đồng Tâm, Viglacera, Thạch Bàn…
Một trong những “bí kíp” khiến các thương hiệu gạch men này giành phần thắng trên sân nhà là xây dựng thành công thương hiệu, mà yếu tố đầu tiên là sản phẩm phải phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng, chất lượng đúng với tiêu chuẩn được công bố, theo quy trình kiểm soát nghiêm ngặt.
Đặc biệt, mức giá của sản phẩm phải hợp lý và có sức cạnh tranh. Muốn vậy, các doanh nghiệp phải quản trị tốt, thường xuyên cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất để giảm giá thành. Ngoài ra, cần phải có dịch vụ tốt, phân phối rộng khắp và khách hàng có thể đặt mua qua mạng...
Cơ hội cho một “bầu trời mở”
Một thập kỷ trước, trên đường phố Việt Nam, xe máy, xe đạp điện toàn các nhãn hiệu Honda, Yamaha; xe ô tô chủ yếu của Toyota, Honda, Ford, Mazda; điện thoại thì Apple, Samsung… Đi ra nước ngoài, nước mắm của Việt Nam nhưng lại dãn nhãn hiệu Thái Lan. Sau khi Big C, Metro Cash & Carry về tay người Thái, các nhà sản xuất Việt dần bị đẩy ra khỏi kệ, bị chi phối bởi luật chơi ngoại.
Đến nay, tiêu dùng nhanh và bán lẻ là cuộc chơi hiếm hoi mà người Việt đang dành phần thắng trước khối ngoại. Hình ảnh chuỗi siêu thị Vinmart, Vinmart+ “phủ đỏ” thị trường trong Nam, ngoài Bắc; các thương hiệu Bách hóa Xanh, Thế giới Di động, FPT Shop, Viettel cũng đang phủ kín khắp cả nước.
Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế giới Di động từng tiết lộ, tất cả hệ thống cửa hàng, thương hiệu của Công ty luôn dành một phần cho các thương hiệu Việt và hy vọng một ngày, các thiết bị do người Việt làm ra sẽ phủ kín được các siêu thị. Đó là một trong những lý do khiến Mobiistar, Bphone, Vsmart, Sunhouse, Kangaroo… đều đã, đang xuất hiện tại hệ thống của Thế giới Di động.
Tận dụng thương hiệu ngoại, bán thiết bị ngoại, mở rộng kinh doanh và tạo đầu ra cho sản phẩm Việt - đó là chiến lược Việt nuôi dưỡng Việt. Mặc dù những sản phẩm của người Việt vẫn còn khiêm tốn trên kệ hàng, nhưng ít nhất, doanh nghiệp Việt vẫn có niềm tin sẽ là người quyết định luật chơi, chứ không chỉ “dựa hơi” sân nhà.
Quay lại câu chuyện xe máy và ô tô, hầu hết người Việt đang dùng phương tiện của nước ngoài. Với gần 100 triệu dân, một thị trường khổng lồ đúng nghĩa, nguồn tiền của nước Việt chảy sang túi các quốc gia khác, mà không được tái đầu tư vào nền tài chính quốc gia. Trước khi VinFast (thuộc Vingroup) ra đời, Vinaxuki đã thất bại bởi thiếu sự ủng hộ trong nước.
Thị trường hàng không Việt Nam, hiện có 5 hãng hàng không nội địa đang hoạt động gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines, VASCO, VietJet Air và Bamboo Airways. Sắp tới, thị trường hàng không Việt Nam sẽ có thêm sự tham gia của Vingroup, Hàng không Thiên Minh, Vietravel Airlines, Vietstar Airlines…
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, thị trường hàng không trong nước đã “sang trang”. Từ loại phương tiện giao thông chỉ dành cho doanh nhân hay những người có thu nhập cao, hiện hàng không đã trở nên thông dụng. Sự ra đời của các hãng bay tư nhân là điều tất yếu để đáp ứng nhu cầu của thị trường và tạo ra nhiều sự lựa chọn hơn cho người dân.
Tuy nhiên, ông Lộc cũng cho rằng, ngành hàng không đang phải đối mặt với nhiều thách thức như quá tải về hạ tầng sân bay, bến đỗ, vấn đề an ninh trên các chuyến bay. Sự gia nhập của các hãng hàng không mới có thể tạo ra sự cạnh tranh “phi quy luật”. Lúc này, thử thách của Việt Nam là thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu.
Dẫu vậy, cơ hội về một “bầu trời mở” vẫn dành cho tất cả mọi người, bởi dư địa của ngành hàng không còn rất lớn. Bởi vậy, cần nhìn nhận rõ vị trí, vai trò của hàng không trong nền kinh tế để thúc đẩy ngành này phát triển mạnh mẽ, bền vững, đóng góp ngày càng lớn cho kinh tế đất nước và trở thành động lực thúc đẩy các ngành khác phát triển.
Gần đây, giới công nghệ Việt Nam nổi như cồn với một số mạng xã hội thuần Việt. Nhưng, trọng trách đang đặt lên Lotus, Gapo hay các mạng xã hội khác là quá lớn. Thực tế, mạng xã hội của những ông lớn như Google Plus, Yahoo cũng thất bại, thì không dễ dàng để những mạng xã hội non trẻ của Việt Nam trưởng thành nhanh chóng.
Thắp lên ngọn lửa khát vọng
Để đánh giá mức độ thành công của một doanh nghiệp, doanh nhân, người ta thường nhìn vào vị thế của doanh nghiệp, doanh nhân đó trên thị trường. Song với nhiều doanh nhân, đôi khi, thành công đơn giản là truyền lửa cho những thế hệ sau để họ dám ước mơ, dám nghĩ, dám làm.
Trong số gần 100 triệu người dân Việt Nam, sẽ có những con người dám làm những điều vĩ đại với giấc mơ về xe hơi, smartphone, tivi… mang thương hiệu Việt. Đây là điều rất có ý nghĩa trong bối cảnh các dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp đổ vào Việt Nam ngày càng nhiều.
Các khu công nghiệp, nhà máy hiện đại đang dần xóa nhòa khoảng cách thành thị, nông thôn và nâng mức thu nhập của người dân, công nhân lên cao. Nhưng, Việt Nam cần nhiều hơn, chứ không phải là bán sức lao động với giá rẻ. Muốn vậy, đầu tiên vẫn phải “có thực mới vực được đạo”. Các doanh nghiệp Việt lúc mới khai sinh cũng vậy, họ cần có sản phẩm tốt rồi mới tính đến những sản phẩm phức tạp hơn.
So với những năm trước, doanh nghiệp nội giờ đã mạnh mẽ hơn. Họ đã chuẩn bị tâm thế thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam và giành lại thị phần từ đối thủ ngoại.
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ CMC, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam cho rằng, nếu được Chính phủ ủng hộ, cộng đồng doanh nghiệp tư nhân cam kết phấn đấu đóng góp 80% GDP, xây dựng Việt Nam thành quốc gia có thu nhập khá vào năm 2045, kỷ niệm 100 năm lập quốc.
Những điều trên cho thấy, chỉ khi các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam có khát vọng và được tạo điều kiện bình đẳng, tốt nhất về hành lang pháp lý, thì mới có thể vươn lên. Mỗi doanh nghiệp phải đặt mục tiêu lớn nhất là mang lại hạnh phúc cả về vật chất và tinh thần cho nhân viên. Để thực hiện điều đó, họ phải có khát vọng đưa doanh nghiệp đứng hàng đầu đất nước, hàng đầu khu vực và hướng đến hàng đầu thế giới. Để theo đuổi khát vọng lớn, doanh nhân phải vứt bỏ cái tôi tư lợi, nỗ lực hàng ngày.
Nhân tố khiến một công ty phát triển hay tàn lụi chính là doanh nhân lãnh đạo. Họ không phải là người thúc ép nhân viên bằng phương pháp huấn luyện khắc nghiệt, cũng chẳng phải treo mức thù lao cao ngất ngưởng trước mắt nhân viên, mà chính là người thắp lên ngọn lửa quyết tâm, ngọn lửa khát vọng của cả tổ chức.
Kinh tế tư nhân là động lực phát triển quan trọng
Trong lần gặp gỡ với doanh nghiệp tư nhân hồi tháng 6/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, kinh tế Việt Nam là nền kinh tế nhiều thành phần, các thành phần đều bình đẳng và được tạo điều kiện phát triển, trong đó kinh tế tư nhân là động lực quan trọng phát triển kinh tế đất nước. Theo đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ là thúc đẩy doanh nghiệp tăng quy mô, vươn ra toàn cầu, có tầm nhìn sáng tạo hơn và có khát vọng vươn lên.