Ngày nay, cuộc đấu tranh trên mặt trận kinh tế thời bình, với những nỗ lực vượt bậc đã đưa Việt Nam ra khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình và một nền kinh tế thị trường năng động, hội nhập mạnh mẽ, sâu rộng vào hệ thống kinh tế toàn cầu.
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam liên tục duy trì ở mức khá cao 6,5 - 7%, bảo đảm mọi người dân được hưởng lợi từ quá trình phát triển. Ðây là thành công rất ấn tượng của Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng đó, Việt Nam vẫn có nhiều trở ngại, thách thức trên con đường trở thành một nền kinh tế thu nhập trung bình cao và lấy lại được vị thế như đã từng có so với các nền kinh tế trong khu vực.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Ðức Ðam, trong một cuộc trò chuyện với 100 nhân tài đất Việt là những nhà khoa học đang hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu trên khắp thế giới đã đặt câu hỏi: “Phải chăng bây giờ, đất nước ta cũng đứng trước thời cơ? Chúng ta có vượt lên được không?”.
Lịch sử Việt Nam đã chứng minh nhân dân ta vô cùng sáng tạo, từ truyền thuyết chế tạo nỏ thần từ thời mới dựng nước cho tới việc thiết kế bếp Hoàng Cầm không khói, những cách phá ngư lôi khiến địch kinh hãi, sản xuất vắc-xin chống sốt rét… trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Sau hơn 30 năm đổi mới, mở cửa và hội nhập với thế giới, Việt Nam đã liên tục khoác lên mình chiếc áo mới mẻ, hiện đại, những ai đi xa khi trở lại đều có chung cảm nhận Việt Nam đã thay đổi rất nhiều.
Ðất nước đã đi qua chặng dài, thành tựu đạt được vô cùng to lớn. Vậy với câu hỏi mà Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam đặt ra, chúng ta có thể làm được không? Câu trả lời là “chúng ta có thể làm được, đất nước này không thể mãi nghèo”.
Nay nhiều bạn trẻ đang sáng tạo để thay đổi thế giới, người nông dân sáng tạo để thay đổi cuộc sống, doanh nghiệp sáng tạo đổi mới để đưa thương hiệu Việt Nam, tên tuổi Việt Nam không chỉ mạnh mẽ trong nước mà vươn ra khắp toàn cầu.
Có niềm tin và cùng hành động, chúng ta có thể làm được. Muốn đất nước độc lập, tự cường, mỗi người Việt Nam đều cần thấy phần trách nhiệm của mình trong đó. Không ai có thể vào dọn nhà, xây dựng tương lai cho ngôi nhà đó nếu không phải chính các chủ nhân của ngôi nhà.
Mỗi người dân cần phải có khát vọng xây dựng đất nước hùng cường. Khát vọng ấy nếu không được nung nấu trong mỗi người dân, Việt Nam sẽ khó có thể bứt lên được. Và khi đã thấy con đường, mỗi người sẽ phải cùng bước đi, cùng nỗ lực sáng tạo, phấn đấu để đi nhanh hơn, đi xa hơn, nắm chặt tay nhau tạo ra sức mạnh tổng thể.
Cách mạng 4.0 đang tạo ra sự kết nối ảo nhưng mỗi người dân, mỗi người lao động và mỗi doanh nghiệp lại cần hành động thực. Trên hành trình đi tới mục tiêu, sẽ không chỉ có thành công, mà có thể có nhiều thất bại, nhưng không đi sẽ không tới. Ði để đến một ngày nào đó, chúng ta không phải hối tiếc mình đã bỏ lỡ cơ hội - cơ hội nắm lấy tương lai.