Honolulu (Hawaii) được chính phủ liên bang tài trợ tổng 75 triệu USD cho dự án xe bus điện nhằm giảm phát thải khí nhà kính có hại

Honolulu (Hawaii) được chính phủ liên bang tài trợ tổng 75 triệu USD cho dự án xe bus điện nhằm giảm phát thải khí nhà kính có hại

Khát vọng đảo sinh thái không khí thải: Chuyện không của riêng chính quyền

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Điều nghịch lý vẫn đang tồn tại: Chính ngành công nghiệp không khói được coi là quan trọng đối với sự tồn tại của nền kinh tế cũng là tác nhân tạo ra nhiều khí thải cho địa cầu. Bởi vậy, du lịch sinh thái theo hướng bền vững trên các đảo đang ngày càng được chú trọng hơn.

“Dấu chân Carbon” của du lịch toàn cầu

Chỉ riêng ngành du lịch đã thải ra 8% lượng khí thải carbon trên thế giới. Khi ngày càng có nhiều người đi du lịch mỗi năm, dấu chân này ngày càng tăng lên.

Đáng kể nhất, hoạt động di chuyển đứng đầu bảng và gây ra tới 49% tỷ trọng phát thải CO2 và khí độc hại trong “Dấu chân carbon” của du lịch toàn cầu, theo số liệu thống kê của tổ chức Sustainable Travel International đưa ra mới đây.

Biểu đồ “Dấu chân Carbon” của du lịch toàn cầu. Nguồn: Tổ chức Sustainable Travel International
Biểu đồ “Dấu chân Carbon” của du lịch toàn cầu. Nguồn: Tổ chức Sustainable Travel International

Việc di chuyển bằng máy bay, ô tô và tàu biển đều tạo ra lượng lớn khí thải. Đặc biệt là tại các hòn đảo, bởi tình trạng “mong manh” trong việc gìn giữ cân bằng hệ sinh thái tự nhiên – yếu tố vốn tạo nên sức hút đặc biệt của những nơi này.

Song, những nỗ lực này liệu có thể thành công tại các điểm đến xác định du lịch đóng vai trò cốt lõi trong nền kinh tế, nếu chỉ với sự quyết tâm từ chính quyền?

Nỗ lực vì công cuộc “xanh hóa” năng lượng

Với những quốc gia phát triển, mô hình năng lượng sạch và bền vững đã được triển khai từ vài thập kỷ trước. Tại Honolulu (Hawaii), dù là thủ phủ du lịch và thành phố đông dân nhất của tiểu bang Hawaii nhưng nơi đây vẫn duy trì được lượng không khí sạch nhất nước Mỹ với các dự án mục tiêu chuyển đổi 2.000 tấn rác thải thành năng lượng điện, cung cấp cho hơn 40.000 hộ dân, hay dự án xe bus điện TheBus trị giá 55 triệu USD vừa mới được rót thêm 20 triệu USD để sắm thêm xe bus điện mới và mở rộng các trạm sạc. Còn tại Wellington, New Zealand, chỉ số môi trường được đảm bảo cân bằng nhờ hệ thống tuyến xe chạy bằng cáp được mở rộng, giúp cắt giảm lượng ô nhiễm không khí từ ùn tắc ôtô.

Còn với các quốc gia đang phát triển, các dự án đảm bảo phát triển xanh, bền vững được triển khai còn phải nhờ nhiều yếu tố và sự chung tay hỗ trợ của nhiều bên.

Là một quốc đảo trong vùng Biển Caribbean có diện tích khoảng 754 km2, Cộng hòa Dominica đã phải đối mặt với tình trạng tiêu thụ năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch khổng lồ khi ngành du lịch phát triển bùng nổ. Chính phủ tại đây, dưới sự hỗ trợ từ nhiều bên đã từng bước sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo từ gió. Khởi đầu là Trang trại gió Larimar giúp tận dụng được cơn gió lớn từ đại dương, cung cấp năng lượng sạch cho cư dân.

Dominica cũng đang triển khai Chương trình quốc gia về vận tải carbon thấp với sự hợp tác của Gutter Consulting và sự hỗ trợ tài chính của Quỹ Khí hậu Xanh (Green Climate Fund) với số tiền 10 triệu đô la. Mục tiêu giai đoạn 1 là cải tiến “xanh hóa” phương tiện hàng hải và sau năm 2025, sẽ phấn đấu có khoảng 2.000 xe điện chạy trên đảo, song song với việc thu hồi và xử lý xe ô tô cũ chạy bằng nhiên liệu đốt.

Cùng với đó, quốc đảo cũng đang phát triển Nhà máy địa nhiệt để đưa Dominica chuyển đổi sử dụng 100% năng lượng tái tạo. Người hưởng lợi đầu tiên chính là người dân, các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vận tải, du lịch và khách du lịch toàn cầu.

Xây dựng đảo sinh thái không khí thải tại Việt Nam

“Xanh hóa” việc sử dụng năng lượng cùng các sản phẩm du lịch sinh thái không chỉ là mục tiêu của riêng quốc gia nào. Đất nước hình chữ S có tiềm năng lớn để phát triển du lịch sinh thái theo hướng bền vững, đặc biệt tại các hòn đảo lớn, biệt lập với đất liền như Cát Bà.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch bền vững quần đảo Cát Bà đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050, Cát Bà được định hướng phát triển thành điểm đến du lịch “xanh” đẳng cấp, xứng đáng với vị thế và tiềm năng của nơi hội tụ 6 danh hiệu quốc gia và quốc tế gồm: Danh lam thắng cảnh - Di tích quốc gia đặc biệt, Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, Vườn Quốc gia, Khu Bảo tồn Biển, Vịnh biển đẹp nhất thế giới và mới nhất là danh hiệu Di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận.

Quần đảo Cát Bà nhìn từ trên cao. Ảnh: Shutterstock
Quần đảo Cát Bà nhìn từ trên cao. Ảnh: Shutterstock

Thiên nhiên ưu đãi, sở hữu sẵn tại điểm đến nhiều giá trị về văn hóa – di sản thiên nhiên, đây là điểm du lịch hấp dẫn hàng đầu miền Bắc. Lượng khách du lịch đến với đảo Cát Bà năm 2023 đạt khoảng 3 triệu lượt, trong đó hơn 554.000 lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu từ dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt trên 2.700 tỷ đồng.

Cũng là một hòn đảo đẹp của Việt Nam, Phú Quốc đón 5,4 triệu lượt du khách đến tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng, trải nghiệm năm 2023. Doanh thu từ ngành du lịch tại Phú Quốc đạt 6.800 tỷ đồng.

Nhìn những thành tựu về du lịch của Phú Quốc để thấy ngành du lịch đảo Cát Bà đang còn khiêm tốn so với tiềm năng vốn có. Thậm chí, vượt hơn Phú Quốc và nhiều địa phương khác, Đảo Cát Bà còn sở hữu nguồn khoáng nóng chất lượng mà chưa từng được khai thác phục vụ người dân và khách du lịch.

Nghiên cứu rõ thế mạnh của đảo Cát Bà, ngay từ năm 2017, chính quyền Hải Phòng đã ra Nghị quyết về nhiệm vụ và giải pháp phát triển du lịch Hải Phòng 2017-2020, định hướng 2030, trong đó định hướng rõ quy hoạch phát triển Cát Bà thành đảo sinh thái thông minh, không khí thải. Phù hợp với xu thế phát triển du lịch sinh thái bền vững, đây là hướng đi đúng đắn để “đảo Ngọc” của miền Bắc phát triển đúng tầm.

Còn trong Đề án tổng thể phát triển du lịch thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng 2050, thành phố Hải Phòng cũng xác định Cát Bà sẽ phát triển du lịch xanh bền vững gắn với khai thác và bảo tồn di sản thiên nhiên thế giới, xây dựng thương hiệu du lịch Cát Bà trở thành thiên đường biển đảo đẳng cấp quốc tế.

Hiện thực hóa định hướng này, theo giới phân tích, điều ưu tiên để thiết lập đảo sinh thái không khí thải đầu tiên sẽ cần phải hạn chế phương tiện di chuyển cá nhân phát thải. Đây cũng là nguồn gây khí thải CO2 nhiều nhất trong ngành du lịch. Song song với đó, đảo Cát Bà cần phát triển những khu dịch vụ du lịch đẳng cấp quốc tế có sử dụng vật liệu thân thiện môi trường và năng lượng tái tạo. Hạ tầng du lịch mới cùng chất lượng dịch vụ cải thiện sẽ dẫn dắt các cơ sở kinh doanh du lịch trước đây thay đổi để kịp xu thế.

Những tham vọng lớn này chắc chắn sẽ không phải là câu chuyện của riêng chính quyền. Cũng như những câu chuyện, kinh nghiệm quốc tế chứa đựng những lát cắt để gợi ý những phương pháp phát triển điểm đến du lịch một cách toàn diện, bền vững và tái tạo, rõ ràng, Cát Bà cần sự đồng lòng, đồng sức của cả chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, doanh nghiệp du lịch – lữ hành để sớm “đánh thức nàng công chúa ngủ quên”.

Tin bài liên quan