Những kế hoạch lợi nhuận tham vọng
Sau năm 2018 năm thành công với doanh thu và lợi nhuận sau thuế (LNST) tăng 30% so với năm 2017 (hoàn thành kế hoạch doanh thu và vượt 11% chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra), Đại hội đồng cổ đông tổ chức cuối tháng 3/2019 của Công ty cổ phần (CTCP) Đầu tư Thế giới di động (MWG) đã thông qua kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2019 tiếp tục tăng trưởng 24 - 25%.
MWG xác định, mảng bán lẻ sản phẩm điện thoại, điện máy sẽ là động lực tăng trưởng chính, bên cạnh đẩy mạnh kinh doanh online, mở rộng mạng lưới với mục tiêu đạt 1.900 cửa hàng Thế giới di động và Điện máy xanh đến cuối 2019. MWG cũng dự kiến sẽ chuyển đổi, sắp xếp lại để tăng doanh thu và biên lợi nhuận của hệ thống Bách hóa xanh, tiến tới có lợi nhuận trực tiếp từ mức hòa vốn trên EBITDA vào cuối năm 2018.
Đa dạng hóa sản phẩm được đánh giá là một cách vừa tận dụng mặt bằng và nhân lực hiện hữu để tăng doanh thu, vừa hút thêm khách đến với các cửa hàng để giới thiệu, bán chéo sản phẩm - xu hướng tăng trưởng theo chiều ngang được MWG sử dụng nhiều năm qua.
Kết thúc tháng 1/2019, doanh thu và LNST của MWG tăng lần lượt 32% và 51% so với cùng kỳ năm 2018, tương đương hoàn thành 10% và 13% kế hoạch doanh thu và LNST cả năm.
Được xem là đối trọng lớn nhất với MWG trong mảng bán lẻ thiết bị di động, CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT) công bố kế hoạch tăng trưởng doanh thu 16% và lợi nhuận 20% trong năm 2019, với sim số và phụ kiện được xem là 2 mảng chiến lược dự kiến tăng trưởng cao.
Nhiều doanh nghiệp đầu ngành khác cũng đang cho thấy những kế hoạch kinh doanh lạc quan.
Trong ngành nhựa bao bì, sau năm 2018 ghi nhận lợi nhuận giảm lần đầu tiên trong giai đoạn 2014-2018, bước sang năm 2019, CTCP Nhựa và Môi trường xanh An Phát (AAA) kỳ vọng lấy lại đà tăng trưởng với kế hoạch 510 tỷ đồng LNST, tăng 155% so với thực hiện năm 2018.
Ông Phạm Ánh Dương, Chủ tịch HĐQT AAA cho biết, tăng trưởng lợi nhuận sẽ đến từ việc cải thiện biên lợi nhuận và tái cơ cấu danh mục sản phẩm, đẩy mạnh khai thác Khu công nghiệp An Phát Complex, cải thiện biên lợi nhuận ròng hoạt động thương mại nguyên vật liệu của An Thành Biscol và lợi nhuận từ dự án Bao bì công nghiệp An Vinh, dự án Nhựa kỹ thuật An Trung.
Về chiến lược chung, AAA dự kiến sẽ mở rộng hệ thống các nhà cung cấp để tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu giá rẻ, áp dụng chính sách ký các đơn hàng ngắn hạn để giảm thiểu rủi ro biến động giá nguyên vật liệu, tận dụng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ và sự chuyển dịch của các doanh nghiệp FDI để khai thác Khu công nghiệp An Phát Complex.
Tại CTCP Tập đoàn FPT (FPT), song song với sự kiện chuyển giao thế hệ lãnh đạo khi bổ nhiệm Tổng giám đốc thế hệ 7x, năm nay, FPT lên kế hoạch doanh thu, lợi nhuận tăng 15-16% so với năm 2018. Khối Viễn thông và Công nghệ là động lực tăng trưởng, bù đắp cho khối Giáo dục và Đầu tư đang suy giảm.
Một số nhiệm vụ được FPT xác định là trọng tâm như mảng Xuất khẩu phần mềm, với mục tiêu bán dịch vụ cho các khách hàng lớn, bán chéo giữa các thị trường và bán giải pháp công nghệ của Tập đoàn, nâng cao năng lực chuyên sâu trong một số lĩnh vực trọng điểm và tìm kiếm cơ hội M&A tại Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…
Trong năm đầu tiên 2018 không còn hợp nhất với mảng Bán lẻ và Phân phối, hướng đi "gọn hơn để nhanh hơn" của FPT đã khá thành công khi doanh thu và lợi nhuận tăng lần lượt 17% và 30% so với năm 2017 ở điều kiện so sánh tương đương.
Trong đó, doanh thu và lợi nhuận khối Công nghệ tăng 21% và 34%, khối Viễn thông tăng 15% và 19%. Dù đối mặt với sự bất ổn của nền kinh tế thế giới, song doanh thu từ thị trường nước ngoài vẫn tăng trưởng 27% và đóng góp 40% tổng doanh thu toàn Tập đoàn.
Nỗ lực mở rộng, củng cố vị thế dẫn đầu
Giữa tháng 3/2019, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã VNM) công bố chào mua tối đa 46,68% vốn của CTCP GTNFoods (GTN), tương đương gần 117 triệu cổ phiếu GTN đang lưu hành. Với 2,32% cổ phần đang nắm giữ, nếu chào mua thành công, tỷ lệ sở hữu của Vinamilk tại GTNFoods sẽ tăng lên 49%.
Trong ngành nông nghiệp, thực phẩm Việt Nam, GTNFoods không phải là cái tên xa lạ khi đang sở hữu chi phối tại nhiều tổng công ty lớn như Tổng công ty Chè Việt Nam (Vinatea), Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico, mã VLC), từ đó gián tiếp sở hữu 51% vốn của CTCP Sữa Mộc Châu - đơn vị đóng góp tới 82,5% tổng doanh thu và gần 100% lợi nhuận gộp cho GTNFoods trong năm 2018.
Sữa Mộc Châu cũng được cho là nguyên nhân chính khiến Vinamilk chào mua cổ phần GTNFoods, khi đây là một thương hiệu khá tên tuổi với khoảng 6% thị phần sữa nước trên cả nước, sở hữu đàn bò trên 24.000 con với khả năng cùng cấp 100.000 tấn sữa tươi mỗi năm.
Như vậy, nếu M&A thành công, Vinamilk củng cố vị thế số 1 thị phần ngành sữa Việt Nam, vừa đem lại động lực tăng trưởng mới cho Công ty trong bối cảnh sức ép cạnh tranh ngày càng lớn, còn dư địa tăng trưởng dần thu hẹp. Kết thúc năm 2018, lợi nhuận của Vinamilk giảm 1% sau 3 năm đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số.
Hiện tại, tuy chưa thể khẳng định khả năng thành công của thương vụ, nhưng bước đi này phần nào cụ thể hóa định hướng tập trung vào ngành cốt lõi của Vinamilk, đặc biệt là ưu tiên sáp nhập các đơn vị cùng ngành, chứ không đầu tư ngoài ngành, dù Công ty có nguồn lực tài chính dồi dào với dòng tiền hoạt động kinh doanh trên dưới 12.000 tỷ đồng mỗi năm, cấu trúc vốn hầu như không vay nợ.
Theo tính toán, thương vụ đầu tư vào GTNFoods có giá trị khoảng 1.500 tỷ đồng, bằng khoảng 15% lượng tiền, tương đương tiền và tiền gửi các loại của Vinamilk tính đến cuối năm 2018.
Tại CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG), củng cố và mở rộng thị phần là mục tiêu trọng tâm trong năm 2019, cho dù chiến lược này dự kiến sẽ khiến lợi nhuận năm nay có thể giảm 15% so với năm ngoái, dù doanh thu được dự báo tiếp tục tăng 24%.
Nhiều ý kiến đánh giá, HPG chấp nhận đánh đổi lợi nhuận trong ngắn hạn để giành lấy thị phần, cũng như chuẩn bị tăng mạnh công suất sản xuất khi Nhà máy thép Hòa Phát - Dung Quất đi vào vận hành. Một khi vị thế dẫn đầu được củng cố, thị phần được mở rộng, tăng trưởng về dài hạn của HPG sẽ trở nên vững chắc hơn.
Thực tế, trong 2 tháng đầu năm 2019, HPG đã ghi nhận thị phần ống thép trên cả nước tăng 4,22% so với năm 2018 lên 31,72% và là mức cao nhất từ trước đến nay; sản lượng tiêu thụ tăng 18,7%. Thị phần thép xây dựng đạt trên 26% so với mức 23,8% của cùng kỳ năm 2018.
Đẩy mạnh đầu tư nhằm củng cố vị thế dẫn đầu, tạo động lực tăng trường cũng là câu chuyện của CTCP Tập đoàn Vingroup (VIC) khi vừa công bố kế hoạch chào bán 250 triệu cổ phiếu riêng lẻ nhằm huy động 25.000 tỷ đồng - số tiền kỷ lục trong một lần chào bán trên TTCK Việt Nam.
Số tiền này được VIC dự kiến chi 3.000 tỷ đồng góp vốn thêm vào VinFast, 2.000 tỷ đồng vào VinSmart và 1.000 tỷ đồng vào VinTech. Ngoài ra, VIC dành 10.000 tỷ đồng để trả các khoản gốc và lãi vay, 9.000 tỷ đồng để kinh doanh và cấp vốn cho các công ty con.
Liên quan tới kế hoạch đầu tư, lãnh đạo FPT cho biết, Công ty dự kiến dành 4.669 tỷ đồng cho hoạt động này trong năm 2019. Trong đó, phân bổ cho khối Viễn thông 3.004 tỷ đồng, khối Công nghệ 1.029 tỷ đồng và khối Giáo dục và Đầu tư là 636 tỷ đồng.
Với FRT, doanh nghiệp này lên kế hoạch tiếp tục đầu tư vào mảng bán lẻ dược phẩm, với mục tiêu mở rộng chuỗi Nhà thuốc Long Châu lên 70 cửa hàng và mục tiêu chiếm khoảng 30% thị phần kênh bán dược phẩm qua nhà thuốc trong 3-4 năm tới, đóng góp khoảng 40% doanh thu cho FRT (tương đương khoảng 10.000 tỷ đồng).
Việc nhiều doanh nghiệp đầu ngành lạc quan với hoạt động kinh doanh được nhìn nhận sẽ là động lực quan trọng hỗ trợ cho đà tăng trưởng của TTCK trong năm nay.
Những yếu tố biến động khó lường luôn tồn tại, song việc chuẩn bị từ sớm sẽ giúp các doanh nghiệp có thể chủ động, linh hoạt ứng phó, từ đó hoàn thành mục tiêu đề ra.