Dò đường mở lối
Nằm trong định hướng chiến lược phát triển của VietinBank tại các địa bàn kinh tế lớn, trọng điểm thuộc các quốc gia, vùng lãnh thổ có tiềm năng phát triển hợp tác kinh tế thương mại đầu tư với Việt Nam, VietinBank đã chính thức mở chi nhánh tại lào vào tháng 2/2012.
Ðến tháng 8/2015, VietinBank Chi nhánh Lào được nâng cấp lên thành Ngân hàng TNHH Công Thương Việt Nam tại Lào với mô hình hoạt động là ngân hàng con của hệ thống VietinBank và nhanh chóng xây dựng, phát triển, mở rộng mạng lưới với việc khai trương thêm Chi nhánh Champasak vào tháng 9/2016, khẳng định thương hiệu VietinBank Lào không ngừng phát triển và lớn mạnh tại thị trường Lào.
Tính đến tháng 6/2019, lợi nhuận của VietinBank Lào đạt 4,3 triệu USD, bằng 53% kế hoạch năm. Vừa qua, VietinBank đã tổ chức Lễ khai trương tòa nhà trụ sở chính VietinBank Lào tại Thủ đô Viêng Chăn, đây tiếp tục là một minh chứng cho sự gắn kết ngày càng sâu đậm với nền kinh tế nước sở tại.
Xét ở thị trường nước ngoài, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng là một trong những ngân hàng đầu tư rất mạnh, đặc biệt tại thị trường Lào và thu được những kết quả khả quan nhờ việc “ra quân” sớm giúp SHB chiếm thị phần không nhỏ trong hoạt động tín dụng tại quốc gia này.
Có mặt ở thị trường Lào từ năm 2012 trong mục tiêu góp phần phát triển kinh doanh, nâng cao vị thế, uy tín, hình ảnh của SHB trong nước và trên trường quốc tế, đến năm 2016, SHB Lào đã trở thành một trong hai ngân hàng con 100% vốn của SHB tại Ðông Dương.
Hiện SHB Lào có 1 trụ sở chính tại Thủ đô Viêng chăn và 2 chi nhánh tại Champasack và Savannakhet.Ngoài ra, theo chiến lược chung, SHB Lào sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động bán lẻ và đa dạng hóa sản phẩm; trong đó, chủ yếu tập trung vào các đối tượng khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào, các cá nhân và hộ gia đình có kinh doanh.
Cùng có mặt tại Campuchia vào năm 2012, tính đến 31/8/2019, SHB Campuchia có tổng tài sản đạt gần 7.200 tỷ đồng, lợi nhuận đạt gần 41 tỷ đồng.
Ngoài việc cho vay các doanh nghiệp lớn Việt Nam đầu tư tại Campuchia như Metfone, VRG, SHB Campuchia cũng chú trọng vào việc phát triển các khách hàng lớn kinh doanh ngành nghề ít rủi ro bản địa như Beltei Group và khách hàng cá nhân có hoạt động kinh doanh tốt, tình hình tài chính lành mạnh.
Hiện nay, SHB đang có 1 hội sở chính và 3 chi nhánh tại Campuchia. Kế hoạch trong thời gian 2-3 năm sắp tới, SHB Campuchia tiếp tục xin phép Ngân hàng Quốc gia Campuchia mở rộng mạng lưới ở thành phố Phnom Penh, thành phố Siem Reap, tỉnh Sihanouk Ville, tỉnh Kompong Cham, tỉnh Kampot nhằm chiếm lĩnh thị phần cũng như thuận tiện cho doanh nghiệp và người dân đến giao dịch.
Với Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), ngân hàng này thành lập chi nhánh tại Myanmar từ tháng 7/2016 lấy tên là BIDV Yangon, với kỳ vọng tham gia sâu vào hệ thống tài chính - ngân hàng của nước sở tại.
Bên cạnh đó, chi nhánh được kỳ vọng sẽ góp phần kết nối Myanmar với thị trường quốc tế và hỗ trợ thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Myanmar.
Ông Phan Ðức Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV cho biết, chi nhánh Yangon có tổng tài sản hơn 130 triệu USD tính đến 31/5/2019; huy động không kỳ hạn đạt 46,5 triệu USD và dư nợ bình quân 20 triệu USD; lượng khách hàng doanh nghiệp tăng 27% so với cuối năm 2018.
Theo ông Tú, một chi nhánh mở ở nước ngoài của ngân hàng thông thường cần 5 năm mới có lãi, nhưng BIDV Yangon đã bắt đầu có lãi sau 3 năm.
Tới nay, chi nhánh này lãi 1 triệu USD và đang cung cấp một số sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao thông qua liên kết với Mytel.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), khai trương chi nhánh tại Thủ đô Phnômpênh, Vương quốc Campuchia vào năm 2010. Ðây là mốc quan trọng đánh dấu việc Agribank bắt đầu mở rộng mạng lưới hoạt động ra nước ngoài.
Từ khi thành lập đến nay, Agribank chi nhánh Campuchia liên tục hoạt động an toàn, hiệu quả, năm 2018, dư nợ tăng 32%, tổng thu dịch vụ tăng 48% (trong đó thu phí thanh toán quốc tế tăng 59%) và lợi nhuận tăng 15% so với năm 2017.
Thông qua việc cung cấp vốn tín dụng, các dịch vụ thanh toán, ngân hàng tiên tiến, hiện đại, Agribank chi nhánh Campuchia đã trở thành cầu nối hiệu quả, là chỗ dựa tin cậy đối với các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp, cá nhân Campuchia.
Ðể đi xa hơn
Có mặt tại thị trường tài chính hàng đầu thế giới tính đến nay được 8 năm (từ 7/9/2011), VietinBank chi nhánh Ðức đã và đang trở thành đối tác cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng quốc tế cho nhiều công ty lớn của Ðức và các công ty đa quốc gia.
Ngay từ khi thành lập, với sự giám sát chặt chẽ của Cơ quan Giám sát Tài chính Liên bang Ðức, Ngân hàng Trung ương Ðức và các đơn vị chức năng khác, VietinBank chi nhánh Ðức đã xây dựng một nền tảng thể chế, mô hình quản trị rủi ro dần đáp ứng tiêu chuẩn của một ngân hàng thương mại Ðức.
Hiện VietinBank Chi nhánh Ðức hoạt động tại Frankfurt và Berlin với đội ngũ hơn 40 người và kết thúc năm 2018, các chỉ tiêu chính của chi nhánh so với năm đầu thành lập và năm 2017 tương ứng như sau: tổng tài sản tăng trên 1.466% và 11%, tổng huy động vốn tăng trên 3.687% và 15%, tổng dư nợ tăng trên 1.261% và 3%, lợi nhuận tăng 264% so với năm 2017.
Ông Erdmann R. G. Vogt, đồng Giám đốc VietinBank chi nhánh Ðức chia sẻ: “Chúng tôi tự hào là ngân hàng Việt Nam đầu tiên và duy nhất vượt qua các đợt sát hạch của các cơ quan quản lý chuyên môn tại Ðức để tồn tại và phát triển tại thị trường Ðức/châu Âu”.
Ðược biết, VietinBank chi nhánh Ðức đã tuân thủ các chuẩn mực chuyên môn về vốn và quản trị rủi ro (như chuẩn mực Basel III, yêu cầu tối thiểu về quản trị rủi ro của Cơ quan Giám sát Tài chính Liên bang Ðức…), tham gia các dự án đồng tài trợ xuyên quốc gia và quốc tế trị giá lên tới gần tỷ USD cùng với các ngân hàng hàng đầu thế giới và Ðức.
Ngày càng nhiều công ty lớn của Ðức, các công ty đa quốc gia, các ngân hàng lớn biết đến VietinBank không phải chỉ là chi nhánh của một ngân hàng Việt Nam tại Ðức, mà còn là đối tác cung cấp sản phẩm, dịch vụ ngân hàng quốc tế.
Ngày 17/6/2019, Sở Quản lý tài chính Tiểu bang New York (NYDFS) đã ban hành Giấy phép hoạt động chính thức cho Văn phòng đại diện của Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) tại New York, Mỹ. Theo đó, Văn phòng được đặt tại tòa nhà One Rockefeller Plaza thuộc khu trung tâm Manhattan, thành phố New York.
Việc Vietcombank vượt qua các yêu cầu khắt khe của cơ quan quản lý Mỹ để được cấp phép thành lập văn phòng đại diện cho thấy nỗ lực và tính tuân thủ cao của Ngân hàng, khẳng định vai trò hàng đầu của Vietcombank trong hệ thống.
Văn phòng đại diện Vietcombank tại New York sẽ trở thành cánh tay nối dài của Vietcombank tại khu vực Bắc Mỹ, bổ sung vào mạng lưới hiện có của Ngân hàng với trên 500 chi nhánh/phòng giao dịch/văn phòng đại diện/công ty con/đơn vị thành viên trong nước; mạng lưới hoạt động tại nước ngoài bao gồm công ty tài chính tại Hồng Kông, công ty chuyển tiền tại Mỹ, Văn phòng đại diện tại Singapore, ngân hàng con tại Lào.
Chia sẻ với phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, nhằm đạt được mục tiêu có ít nhất từ 1 đến 2 ngân hàng thương mại trong Top 100 ngân hàng lớn nhất trong khu vực châu Á, Ðề án 1058 đã quy định một số giải pháp về nâng cao năng lực tài chính, chuyển đổi mô hình kinh doanh, quản trị, điều hành của các tổ chức tín dụng.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước quyết liệt chỉ đạo các tổ chức tín dụng căn cứ các giải pháp nêu tại Ðề án 1058 để xây dựng, tích cực tổ chức triển khai phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020, trong đó tập trung vào các giải về nâng cao năng lực tài chính, quản trị, điều hành.
Về cơ bản, các tổ chức tín dụng đều tập trung củng cố, chấn chỉnh toàn diện các mặt tài chính, quản trị, xử lý nợ xấu, tăng cường các biện pháp kiểm soát nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.
Việc triển khai Basel II được thực hiện với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước, sự nỗ lực, chủ động của các tổ chức tín dụng nhằm nâng cao năng lực quản trị điều hành, từng bước tiệm cận với thông lệ quốc tế.
“Kết quả trên đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận và đánh giá tích cực, cho thấy công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng, công tác tái cơ cấu và xử lý nợ xấu hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2016 - 2020 đang đi đúng hướng, nhằm thực hiện thành công các mục tiêu đã đề ra, trong đó đặc biệt là mục tiêu về nâng cao quy mô và chất lượng của các tổ chức tín dụng”, bà Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.