Không phải ngẫu nhiên, cụm từ “đại lộ, đại phú” một lần nữa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề cập khi phát lệnh khởi công triển khai 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông vào giữa tuần này.
Những tác động, hiệu ứng rất tích cực từ hàng loạt tuyến cao tốc đã được đưa vào khai thác như Hà Nội - Hải Phòng, Vân Đồn - Hạ Long; Bắc Giang - Lạng Sơn; TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây… tới hoạt động kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư của các địa phương dọc các tuyến cao tốc đã khẳng định việc Đảng, Nhà nước coi phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là một trong 3 đột phá chiến lược, có vai trò đi trước mở đường là hoàn toàn chính xác.
Dù còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng trong thời gian vừa qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, dành nguồn lực rất lớn để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại.
Trong đó ưu tiên đầu tư những dự án quy mô lớn, có sức lan tỏa cao, mà tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông là ví dụ điển hình. Ngay giữa lúc kinh tế đất nước đang gặp nhiều khó khăn, Chính phủ vẫn quyết định đề xuất Quốc hội dành hơn 50.000 tỷ đồng để đầu tư chuyển đổi 3 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam nhằm sớm đưa vào khai thác những phân đoạn quan trọng bậc nhất của tuyến cao tốc xuyên Việt, đem lại sức bật, động lực mới cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, nhưng đến thời điểm này, do hạn chế trong cân đối, huy động nguồn lực nên một số nhiệm vụ, mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 13-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, chưa thể hoàn thành được theo yêu cầu.
Trong lĩnh vực đường bộ, tính đến hết năm 2020, cả nước mới đưa vào khai thác khoảng 1.163km đường bộ cao tốc so với yêu cầu 2.000 km. Trên trục Bắc - Nam, dù đã ưu tiên dồn nhiều nguồn lực, nhưng hiện ngành GTVT cũng mới chỉ xây dựng, đưa vào khai thác 682 km.
Sự chậm trễ này khiến giao thông vẫn đang “điểm nghẽn” của nền kinh tế, chưa có sự bứt phá đủ lớn, làm thay đổi diện mạo và chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông nước nhà.
Đây cũng là lý do mà người đứng đầu Chính phủ giao cho ngành GTVT trong 5 năm tới phải đầu tư thêm 1.500 km đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông để nối thông một dài trục đường hiện đại từ Lạng Sơn tới Mũi Cà Mau, cùng một loạt các dự án cao tốc kết nối liên vùng khác để cuối năm 2025 cả nước có ít nhất 5.000 km đường cao tốc.
Trên thực tế, bản thân ngành GTVT cũng thể hiện khát vọng rất lớn khi trong Định hướng Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, ngoài 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, Bộ GTVT đã lên kế hoạch đóng mạch tuyến cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn tới Cần Thơ gồm 15 phân đoạn đầu tư bổ sung với tổng kinh phí lên tới 196.000 tỷ đồng.
Quyết tâm của Bộ GTVT là rất lớn khi bộ này xác định trong trường hợp không thể gọi vốn tư nhân, sẽ chấp nhận dùng vốn ngân sách dự kiến bố trí cho kế hoạch 2021 - 2025 để đầu tư dứt điểm, sau đó sẽ tiến hành bán quyền thu phí hoặc tự tổ chức thu phí để thu hồi vốn đầu tư.
Trong bối cảnh nguồn ngân sách dự kiến bố trí cho ngành GTVT trong 5 năm tới chỉ khoảng 300.000 tỷ đồng, mới đáp ứng được ¼ nhu cầu, thì đây có thể coi là quyết tâm rất lớn, bởi khi ưu tiên nguồn vốn để tập trung đầu tư cho các dự án động lực, đột phá sẽ không còn khả năng cân đối cho các dự án khác.
Song, để hiện thực hóa khát vọng nối thông cao tốc Bắc - Nam từ Hữu Nghị tới Cà Mau, tạo tiền đề đưa đất nước sở hữu 5.000 km đường cao tốc, trong thời gian tới, việc đặt mục tiêu đột phá, táo bạo, không bình bình hay lựa chọn phương án an toàn là điều cần thiết với ngành GTVT. Bên cạnh đó, để giảm áp lực vốn, ngành GTVT cũng phải tìm những cơ sở khoa học, bài học thực tế có tính thuyết phục cao để tìm được sự ủng hộ của cấp có thẩm quyền về việc cân đối nguồn vốn riêng cho dự án quan trọng quốc gia đường bộ cao tốc Bắc - Nam không nằm trong tổng nguồn vốn phân bổ để đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực GTVT trong giai đoạn 2021-2025 (ước khoảng 230.000 tỷ đồng), đi kèm với xử lý dứt điểm các tồn tại tại các dự án BOT giai đoạn trước.
Hoàn thành 5.000 km đường cao tốc trong 5 năm tới là hiện thực gần hay mãi là giấc mơ xa đang phụ thuộc rất nhiều vào quyết tâm của Bộ GTVT, cũng như cách thức giải quyết những bài toán về vốn, về việc tìm lại và củng cố thêm niềm tin của nhà đầu tư để sớm đưa Việt Nam trở lên phú cường từ những tuyến cao tốc lớn, hiện đại.