Theo nhận định của báo cáo, bức tranh kinh tế Việt Nam về cơ bản đã có phần sáng sủa hơn so với giai đoạn khó khăn trước đó. Trong năm 2014 đã xuất hiện khá nhiều tín hiệu khả quan cho tăng trưởng như: kinh tế vĩ mô ổn định tốt hơn, tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức tương đối cao và ổn định, đầu tư từ FDI vào Việt Nam tăng, xuất khẩu tăng, tỷ lệ lạm phát giữ ở mức thấp…
Trong năm 2015 tới đây, nhiều chuyên gia nhận định kinh tế Việt Nam sẽ “tăng tốc hơn đôi chút” và trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn. Đây cũng là quan điểm chủ đạo của cộng đồng doanh nghiệp lớn trong nghiên cứu lần này.
Cũng theo kết quả công bố của báo cáo, điểm nhấn đáng chú ý từ nghiên cứu là năm 2014 được coi là giai đoạn đánh dấu sự chuyển mình trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệplớn. Phần đông doanh nghiệp lớn nhận định, doanh thu của doanh nghiệp đều tăng hoặc cơ bản ổn định so với năm trước.
Đáng chú ý, tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng kinh doanh đang xấu đi giảm dần qua các năm. Khảo sát doanh nghiệp lớn năm 2012 cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp nhận định tình hình kinh doanh 2012 xấu hơn 2011 là 21,9%, thì đến năm 2014, tỷ lệ này giảm còn 9,1%.
Báo cáo cho rằng sở dĩ các doanh nghiệp lớn có thể tự tin đến như vậy một phần dựa trên thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của họ trong năm vừa qua.
Theo thống kê từ Bảng xếp hạng VNR500, tổng doanh thu của Top 10 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2014 đạt xấp xỉ 2.354 nghìn tỷ đồng, tăng 14,8% so với Top 10 năm 2013. Hệ số sinh lời ROA, ROE của Top 10 năm nay cũng tốt hơn nhiều so với năm ngoái.
Những thành quả hoạt động sản xuất kinh doanh tốt của nhóm doanh nghiệp lớn cũng làm tăng thêm kỳ vọng kinh doanh cho năm 2015 và khiến cơ cấu nhóm“doanh nghiệp bi quan” tiếp tục co lại chỉ còn 7,1%.
Theo nhận định của báo cáo, có thể thấy, doanh nghiệp Việt Nam đang rất tự tin và khá lạc quan trước môi trường và triển vọng kinh doanh khi khá nhiều doanh nghiệp đã hoàn toàn phục hồi sức khỏe và hoạt động đầy hứng khởi trong thời gian qua.
Cùng với những tín hiệu vui từ kinh tế vĩ mô, kinh tế Việt Nam hoàn toàn có thể kỳ vọng vào một sự tăng trưởng đáng kể trong giai đoạn 2015 – 2020 tới đây.
Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp cho rằng các thủ tục hành chính rườm rà phức tạp vẫn là rào cản lớn hạn chế sự phát triển của doanh nghiệp trong nước và cơ hội đầu tư vào Việt Nam.
Bên cạnh đó các khó khăn về tiếp cận tín dụng, thiếu minh bạch hóa về chính sách, môi trường cạnh tranh chưa thực sự bình đẳng, cơ sở hạ tầng còn thiếu và yếu... vẫn là các trở ngại khiến các doanh nghiệp chưa thể thực sự phục hồi và phát triển.
Theo cộng đồng doanh nghiệp, đây là những rào cản mà Chính phủ cần tháo gỡ triệt để song song với việc đẩy mạnh hơn nữa tiên trình cải cách thể chế để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, tăng sức cạnh tranh chuẩn bị cho những thử thách hội nhập trong năm 2015 tới.
Theo Vietnam Report, nghiên cứu này được tiến hành song song với quá trình điều tra, kiểm chứng dữ liệu độc lập 5000 doanh nghiệp trên toàn quốc của Vietnam Report phục vụ cho việc xây dựng Bảng xếp hạng VNR500 – 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2014.
Vietnam Report đã tiến hành điều tra khảo sát, lấy ý kiến về thực trạng kinh doanh 2014 và triển vọng kinh tế 2015, với nhóm đối tượng chính là cộng đồng doanh nghiệp lớn nhất và hoạt động hiệu quả nhất Việt Nam trong giai đoạn vừa qua, bao gồm các doanh lớn VNR500 từ năm 2007 đến nay.