Khảo sát của WEF: Suy thoái toàn cầu có thể xảy ra vào năm 2023

Khảo sát của WEF: Suy thoái toàn cầu có thể xảy ra vào năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hôm thứ Hai (16/1), cuộc khảo sát các nhà kinh tế trưởng khu vực công và tư nhân của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho thấy phần lớn các nhà kinh tế đều dự đoán một cuộc suy thoái toàn cầu vào năm 2023.

Khoảng 18% cho rằng suy thoái thế giới là "rất có thể xảy ra", nhiều hơn gấp đôi so với cuộc khảo sát trước đó được thực hiện vào tháng 9/2022. Chỉ 1/3 số người được khảo sát cho rằng suy thoái khó xảy ra trong năm nay.

"Môi trường lạm phát cao, tăng trưởng thấp, nợ cao và phân hóa cao hiện nay làm giảm động lực cho các khoản đầu tư cần thiết để phục hồi tăng trưởng và nâng cao mức sống cho những người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới", Giám đốc điều hành WEF Saadia Zahidi cho biết trong một tuyên bố kèm theo kết quả khảo sát.

Cuộc khảo sát của WEF dựa trên 22 câu trả lời từ một nhóm các nhà kinh tế cấp cao được rút ra từ các cơ quan quốc tế bao gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các ngân hàng đầu tư, các công ty đa quốc gia và các nhóm tái bảo hiểm.

Cuộc khảo sát được đưa ra sau khi Ngân hàng Thế giới (WB) vào tuần trước đã cắt giảm dự báo tăng trưởng năm 2023 xuống mức gần với suy thoái đối với nhiều quốc gia do tác động của việc tăng lãi suất của ngân hàng trung ương, cuộc chiến của Nga ở Ukraine vẫn tiếp diễn và các động cơ kinh tế lớn của thế giới ngừng hoạt động.

Các định nghĩa về yếu tố cấu thành suy thoái khác nhau trên khắp thế giới nhưng nhìn chung đều bao gồm viễn cảnh nền kinh tế bị thu hẹp, có thể kèm theo lạm phát cao trong kịch bản đình lạm, tức lạm phát cao đi kèm với tăng trưởng kinh tế suy yếu.

Phần lớn các nhà kinh tế dự báo chính sách thắt chặt tiền tệ hơn nữa ở châu Âu và Mỹ, và các nhà hoạch định chính sách có thể bị mắc kẹt giữa những rủi ro thắt chặt chính sách tiền tệ quá nhiều hoặc quá ít.

Ngoài ra, những phát hiện chính khác của cuộc khảo sát bao gồm:

90% người tham gia khảo sát cho rằng nhu cầu yếu và chi phí đi vay cao sẽ đè nặng lên các doanh nghiệp, với hơn 60% cũng chỉ ra rằng chi phí đầu vào cao hơn.

Những thách thức này dự kiến sẽ khiến các doanh nghiệp đa quốc gia cắt giảm chi phí, từ giảm chi phí hoạt động đến sa thải công nhân.

Tuy nhiên, sự gián đoạn chuỗi cung ứng dự kiến sẽ không gây ra lực cản đáng kể đối với hoạt động kinh doanh vào năm 2023.

Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt cũng có thể sắp đạt đến đỉnh điểm, với đa số các nhà kinh tế tham gia khảo sát dự đoán rằng cuộc khủng hoảng này sẽ bớt nghiêm trọng hơn vào cuối năm 2023.

Tin bài liên quan