Khảo sát 300 doanh nghiệp, 54% trả lời vẫn ngại nhất là thủ tục hành chính

Khảo sát 300 doanh nghiệp, 54% trả lời vẫn ngại nhất là thủ tục hành chính

(ĐTCK) Khảo sát nhanh khoảng 300 doanh nghiệp tại hội thảo Kinh tế Việt Nam 2019 về những khó khăn mà họ gặp phải trong quá trình điều hành kinh doanh hiện nay, có hơn 54% doanh nghiệp trả lời thủ tục hành chính vẫn là những trở ngại lớn nhất. 

Trong khi đó, với câu hỏi việc thực thi cải cách hành chính trong năm 2018 so với trước đó thay đổi như nào thì 57% trong số những doanh nghiệp tham gia hội thảo chia sẻ không có gì thay đổi, 37% doanh nghiệp cho rằng có thay đổi nhanh hơn, số còn lại bỏ phiếu cho phương án cải cách vẫn còn rất chậm.

Kết quả cuộc khảo sát cũng cho thấy, có 52% doanh nghiệp được hỏi cho rằng, điều quan trọng nhất để thúc đẩy phát triển kinh tế chính là xây dựng thể chế phù hợp, 26% số doanh nghiệp cho rằng cần tăng cường kỷ luật thực thi, số còn lại trả lời cần nâng cao năng lực doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển kinh tế.

Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, mặc dù thể chế và nền hành chính vẫn còn nhiều trở ngại cho sự phát triển của doanh nghiệp, nhưng đáng mừng là 68% số doanh nghiệp được khảo sát vẫn tự tin với kế hoạch mở rộng kinh doanh trong năm tới. Trong đó, 27% doanh nghiệp được hỏi quyết định giữ nguyên quy mô phát triển còn 5% doanh nghiệp sẽ thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh.

“Những câu trả lời của doanh nghiệp đã phác thảo khá đầy đủ về bức tranh kinh tế của Việt Nam trong năm 2019. Mức độ lạc quan về tăng trưởng kinh tế vẫn sáng sủa, Việt Nam vẫn đang là địa điểm có sức thu hút đầu tư hàng đầu thế giới dù điểm nghẽn về cải cách thể chế vẫn còn. Muốn bứt phá kinh tế thì bứt phá về thể chế là điều bắt buộc”, ông Lộc nhấn mạnh.

Theo TS kinh tế Huỳnh Thế Du, Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa hội nhập sâu rộng chưa từng có trong lịch sử. Đây là những cơ hội rất lớn để trở nên phát triển hơn.

Tuy nhiên, nhìn từ những vướng mắc trước đây, việc tận dụng các cơ hội không phải là điều đơn giản và các cơ hội đã biến thành thách thức.

Với dư địa cho tăng trưởng sẵn có không còn và nội lực chưa được phát huy, thách thức phía trước với Việt Nam trên con đường hội nhập là rất lớn.

"Trong bối cảnh ước muốn là rất lớn, nhưng vai trò của nhà nước là có hạn. hà nước chỉ nên tập trung ổn định vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh và tạo sân chơi bình đẳng thay vì có sự tham gia một cách chủ động như thời gian qua.

Đây cũng là lúc Nhà nước cần phải xác định rất rõ vai trò của mình và phân định rạch ròi những vấn đề Nhà nước cần có vai trò, tránh việc làm thay thị trường và cần thiết tạo môi trường cho cộng đồng phát triển song song với Nhà nước và thị trường..., ", ông Du chia sẻ.

Tin bài liên quan