Cấp thiết mở rộng sân bay
Ngoài quy hoạch, đầu tư xây dựng mới Cảng hàng không Vân Phong tại khu vực xã Vạn Thắng với quy mô sử dụng đất dự trữ khoảng 500 ha, tỉnh Khánh Hòa được định hướng đầu tư mở rộng Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh (Cảng HKQT Cam Ranh).
Cảng HKQT Cam Ranh hiện có 2 nhà ga hành khách, gồm Nhà ga quốc nội T1 có công suất phục vụ 2,65 triệu lượt khách/năm và Nhà ga quốc tế T2 có công suất phục vụ 4 triệu lượt khách/năm.
Theo quy hoạch Cảng HKQT Cam Ranh giai đoạn đến năm 2020, Cảng có có lượng hành khách tiếp nhận đạt 5,5 triệu lượt/năm, định hướng đến năm 2030, lượng hành khách tiếp nhận đạt 8 triệu lượt/năm.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng hành khách thông qua Cảng HKQT Cam Ranh vượt xa tốc độ dự báo trong hồ sơ quy hoạch được duyệt.
Cùng với đó, Cảng HKQT Cam Ranh hiện chưa có nhà ga hàng hóa và chỉ có 3 vị trí đỗ máy bay, nên cần mở rộng, bổ sung để đáp ứng nhu cầu phát triển cảng hàng không giai đoạn trung hạn 2021 - 2025.
Ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Khánh Hòa cho biết, trong Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, có dự báo lượng khách qua sân bay Cam Ranh là 25 triệu lượt/năm trong thời kỳ 2021-2030 và tăng lên 36 triệu lượt/năm trong tầm nhìn đến năm 2050.
Với những lý do trên, việc điều chỉnh quy hoạch Cảng HKQT Cam Ranh là cần thiết, phù hợp nhu cầu thực tế cũng như quy hoạch quốc gia.
Theo Tờ trình về phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch Cảng HKQT Cam Ranh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cục Hàng không đề xuất thời kỳ 2021-2030 sẽ xây dựng Nhà ga hành khách T1 công suất 21 triệu lượt khách/năm, giữ nguyên nhà ga T2 công suất 4 triệu lượt khách/năm; xây dựng mới nhà ga hàng hóa công suất khoảng 55.000 tấn hàng hóa/năm giai đoạn đến năm 2030.
Tầm nhìn đến năm 2050, cải tạo Nhà ga T2 và hợp khối với Nhà ga T1 thành nhà ga T1 mới (quốc tế) công suất 24 triệu lượt khách/năm; xây mới Nhà ga T3 (quốc nội) công suất 12 triệu lượt khách/năm, đảm bảo đến năm 2050 đạt 36 triệu lượt khách/năm; mở rộng nhà ga hàng hóa đạt công suất khoảng 100.000 tấn hàng hóa/năm…
Theo tính toán của Cục Hàng không, nhu cầu vốn đầu tư xây dựng sân bay Cam Ranh dự kiến là 39.376 tỷ đồng, trong đó thời kỳ 2021-2030 là 24.311 tỷ đồng, giai đoạn sau 2030 - tầm nhìn đến năm 2050 dự kiến là 15.065 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa thông tin, tỉnh đang đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành có cơ chế hỗ trợ thu hút đầu tư để mở rộng, nâng cấp Cảng HKQT Cam Ranh.
Nút thắt được gỡ nhờ cao tốc
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ký Quyết định số 661 (ngày 17/3/2023) về phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án thành phần 1 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn I) do Ban Quản lý các dự án công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư, dự kiến đi vào khai thác năm 2027.
Dự án được đầu tư với mục tiêu là hình thành trục ngang kết nối vùng Tây Nguyên (cùng với Quốc lộ 26 và 26B) với duyên hải Nam Trung Bộ, kết nối với các trục dọc (cao tốc Bắc - Nam), phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển…
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 5.300 tỷ đồng, với chiều dài 31,5 km.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải cũng vừa ký quyết định phê duyệt Dự án thành phần 2 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn I với tổng mức đầu tư 10.436 tỷ đồng, tổng chiều dài tuyến 36,987 km, đi qua thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa…
Dự án khi đi vào khai thác sẽ hình thành mạng lưới giao thông đường bộ hoàn chỉnh để phục vụ kết nối Khánh Hòa với Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ.
Tỉnh Khánh Hòa cũng đang khẩn trương triển khai 3 tuyến cao tốc, công trình trọng điểm quốc gia qua địa bàn. Đó là Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang thi công 2 dự án thành phần là Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo, dự kiến sẽ khai thác vào tháng 9/2023; Dự án thành phần Vân Phong - Nha Trang đang triển khai giải phóng mặt bằng để bàn giao theo kế hoạch (ngày 30/6/2023).
Trong tương lai, khi 3 tuyến cao tốc trên được xây dựng và khớp nối với nhau sẽ cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải trên trục Đông - Tây, tuyến đường bộ Bắc - Nam phía Đông của tỉnh Khánh Hòa.