Cả hai cấp tòa đều làm không đúng
Theo hồ sơ, liên quan đến vụ án hành chính về “Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai” xảy ra giữa ông Hoàng Minh Trí (phường Phước Hải, TP. Nha Trang) và Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, tại Bản án hành chính sơ thẩm số 18/2019/HC-ST ngày 19/9/2019, Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa quyết định bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Trí; đình chỉ giải quyết yêu cầu của ông Trí yêu cầu hủy Quyết định số 2175/QĐ-UBND ngày 24/8/2010 của UBND tỉnh Khánh Hòa về việc phê duyệt kinh phí hỗ trợ bổ sung đối với trường hợp ông Trí.
Đồng thời, Tòa cũng bác yêu cầu của ông Trí yêu cầu hủy Thông báo số 391/TB-UBND ngày 5/8/2016 của UBND tỉnh Khánh Hòa về việc chấm dứt giải quyết khiếu nại; bác yêu cầu của ông Trí yêu cầu tuyên bố hành vi không giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đối với khiếu nại của ông Trí là trái pháp luật; bác yêu cầu của ông Trí về buộc Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa thực hiện việc giải quyết khiếu nại của ông Trí.
Ngày 19/9/2019, ông Trí có đơn kháng cáo đối với Bản án hành chính sơ thẩm nêu trên.
Tại Bản án phúc thẩm số 158/2020/HC-PT ngày 12/9/2020, Tòa án Nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng quyết định không chấp nhận đơn kháng cáo của ông Trí; giữ nguyên quyết định của Bản án hành chính sơ thẩm số 18/2019/HC-ST ngày 19/9/2019 của Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa.
Đến ngày 21/2/2021, ông Trí có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án hành chính phúc thẩm nêu trên.
Tòa án Nhân dân tối cao xét thấy rằng, nguồn gốc diện tích đất 27 ha tại cửa biển Sông Lô, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang là do ông Hoàng Minh Trí, ông Đỗ Mạnh Tưởng, ông La Thi, ông Nguyễn Làng và ông Cao Đức Ty nhận chuyển nhượng của ông Lê Thái Trung, bà Lê Thị Minh Nguyệt, bà Trần Thị Diệu, ông Lê Ngọc Trưởng, ông Lê Thái Nguyên, ông Nguyễn Thiện Dự, ông Phan Thông, ông Nguyễn Đình Toàn và bà Ngô Tôn Thủy Tiên vào năm 1994.
Sau đó, nhóm của ông Trí có hành vi san ủi, làm đìa tôm nuôi trồng thủy sản trái phép khi chưa được sự chấp thuận của UBND TP. Nha Trang, nên ngày 26/4/1995, UBND TP. Nha Trang ban hành các Quyết định số 409/UB, Quyết định số 410/UB, Quyết định số 411/UB và Quyết định số 412/UB xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Hoàng Minh Trí, ông Nguyễn Làng, ông La Thi và ông Cao Đức Ty, đình chỉ việc san ủi, buộc khôi phục hiện trạng ban đầu của cảnh quan thiên nhiên thuộc bờ biển Sông Lô.
Ngày 19/4/2023, Tòa án Nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm, hủy Bản án hành chính phúc thẩm số 158/2020/HC-PT ngày 12/9/2020 và hủy Bản án hành chính sơ thẩm số 18/2019/HC-ST ngày 19/9/2019 của Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.Tòa án Nhân dân tối cao cũng tạm đình chỉ thi hành Bản án hành chính phúc thẩm số 158/2020/HC-PT ngày 12/9/2020 của Tòa án Nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng cho đến khi có Quyết định giám đốc thẩm.
Trên cơ sở Quyết định số 1862/UB ngày 27/6/1995 của UBND tỉnh Khánh Hòa về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu du lịch và giải trí Sông Lô, TP. Nha Trang ngày 13/1/1998, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 82/UB buộc ông Hoàng Minh Trí và ông Đỗ Mạnh Tưởng phải tự phá bỏ toàn bộ đìa ao do san ủi, đào đắp, sử dụng trái pháp luật tại khu vực bãi biển Sông Lô.
Tuy nhiên, ngày 11/6/1998, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành văn bản số 1132/UB chấp thuận cho ông Trí được tiếp tục sử dụng đìa tôm một thời gian nữa với điều kiện là không được mở rộng diện tích đìa và phải chấp hành việc tháo gỡ lán trại ngay sau khi UBND tỉnh Khánh Hòa có thông báo thu hồi đất.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 252/QĐ-TTg ngày 9/3/2001 về việc thu hồi diện tích 1.802.064 m2 đất tại xã Phước Đồng, TP. Nha Trang và cho Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Hoàn Cầu thuê đất để thực hiện Dự án xây dựng Khu du lịch và giải trí Sông Lô, xã Phước Đồng, UBND tỉnh Khánh Hòa đã giao diện tích 148,7672 ha đất cho Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Hoàn Cầu, trong đó có 27 ha đất mà nhóm ông Trí sử dụng nhưng không ban hành quyết định thu hồi đất, không bồi thường, hỗ trợ về đất và tài sản trên đất cho nhóm ông Trí, nên ông Trí đại diện các hộ dân liên tục có đơn khiếu nại đến UBND tỉnh Khánh Hòa và Thanh tra Chính phủ.
Căn cứ Kết luận số 1817-BC-TTCP ngày 7/8/2009 của Thanh tra Chính phủ, ngày 24/8/2010, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 2175/QĐ-UBND phê duyệt kinh phí bồi thường hỗ trợ bổ sung với ông Trí và ông Tưởng.
Theo đó, tổng diện tích đất được hỗ trợ là 88.402,2 m2 (ông Trí được hỗ trợ 35.516,8 m2 và ông Tưởng được hỗ trợ diện tích 52.885,4 m2) với tổng số tiền là 185.644.620 đồng.
Ông Trí tiếp tục khiếu nại đề nghị được hỗ trợ với diện tích 27 ha đất. Ngày 8/8/2011, UBND TP. Nha Trang ban hành Văn bản số 3108/UBND-TNMT và ngày 17/5/2016, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Văn bản số 3266/UBND-PC không đồng ý hỗ trợ bổ sung diện tích 27 ha đất theo đề nghị của ông Trí.
Ngày 5/8/2016, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Thông báo số 391/TB-UBND với nội dung khiếu nại của ông Trí đã được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, nên chấm dứt, không thụ lý giải quyết khiếu nại của ông Trí.
“Như vậy, nội dung Thông báo số 391/TB-UBND nêu trên đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông Trí nên được xác định là đối tượng khởi kiện vụ hành chính theo quy định tại khoản 2, Điều 3, Luật Tố tụng hành chính”, Tòa án Nhân dân tối cao đánh giá.
Theo quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 116, Luật Tố tụng hành chính, thì thời hiệu khởi kiện là 1 năm được tính từ ngày ông Trí nhận được Thông báo số 391/TB-UBND ngày 5/8/2016 và khi xét xử, Tòa án phải xem xét tất cả các quyết định hành chính có liên quan là Quyết định số 2175/QĐ-UBND ngày 24/8/2010 của UBND tỉnh Khánh Hòa mà không phụ thuộc vào quyết định hành chính này còn hay hết hiệu lực khởi kiện.
Ngày 10/7/2017, ông Hoàng Minh Trí có đơn khởi kiện và ngày 4/8/2017 có đơn khởi kiện bổ sung đề nghị hủy Thông báo số 391/TB-UBND ngày 5/8/2016 và Quyết định số 2175/QĐ-UBND ngày 24/8/2010. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm xác định, Thông báo số 391/TB-UBND ngày 5/8/2016 là đối tượng khởi kiện và ông Trí có đơn khởi kiện trong thời hiệu khởi kiện, nhưng không xem xét, đánh giá tính hợp pháp và tính có căn cứ của Quyết định số 2175/QĐ-UBND ngày 24/8/2010 của UBND tỉnh Khánh Hòa, mà quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu hủy Quyết định số 2175/QĐ-UBND ngày 24/8/2010 với lý do hết thời hiệu khởi kiện; đồng thời bác yêu cầu khởi kiện của ông Hoàng Minh Trí đối với Thông báo số 391/TB-UBND là không đúng. Vì các lẽ trên, Tòa án nhân dân tối cao quyết định kháng nghị đối với Bản án hành chính phúc thẩm số 158/2020/HC-PT ngày 12/9/2020 của Tòa án Nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng.
Cần làm rõ diện tích cấp phép dự án
Theo hồ sơ mà phóng viên Báo Đầu tư thu thập được, ngày 22/9/2022, Thanh tra Chính phủ báo cáo rằng: “Theo Quyết định số 2330/QĐ-UB ngày 19/12/1996 của UBND TP. Nha Trang về việc phê duyệt quy hoạch sử dụng đất của xã Phước Đồng từ năm 1996 đến năm 2010, thì đất xây dựng Khu du lịch và giải trí Sông Lô được quy hoạch là 104 ha. Thời điểm UBND tỉnh Khánh Hòa chấp thuận dự án này (tháng 8/2000) và Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho thuê 180 ha đất để thực hiện dự án (tháng 3/2001), quy hoạch sử dụng đất của xã Phước Đồng chưa được điều chỉnh…”.
Người dân có đất bị thu hồi cho rằng, theo Thanh tra Chính phủ, đến cuối năm 2001, Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô được phê duyệt quy hoạch là 200 ha theo Quy hoạch sử dụng đất tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2001 - 2010 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1635/QĐ-TTg ngày 28/12/2001. Khúc mắc ở đây là họ không có quyết định này để kiểm chứng. Trong suốt 20 năm qua, các đoàn của Thanh tra Chính phủ cũng không hề đề cập đến quyết định này… “Vậy, UBND tỉnh Khánh Hòa có không trung thực khi trình Thủ tướng phê duyệt Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô vi phạm quy hoạch sử dụng đất vào thời điểm trình và được phê duyệt hay không”, một người dân có đất bị thu hồi đặt câu hỏi.
Không chỉ vậy, tính pháp lý của các tờ bản đồ áp dụng cho Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô tạo ra nhiều tranh cãi. Ban đầu, vị trí, ranh giới khu đất của dự án này được xác định theo các tờ trích đo bản đồ địa chính khu đất (từ số 24, 25, 26, 27, 28, 29 đến số 30/2001/BĐ.ĐC) tỷ lệ 1/2.000, do Sở Địa chính tỉnh Khánh Hòa xác lập ngày 30/1/2001.
Đến ngày 9/7/2007, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 1201/QĐ-UBND, kèm theo tờ bản đồ ranh giới sử dụng đất Khu du lịch và giải trí Nha Trang, do Sở Tài nguyên và Môi trường xác lập ngày 22/1/2007 (bản đồ này không có số hiệu), với nội dung: “Điều 1. Điều chỉnh ranh giới và diện tích đất tại Quyết định 252/QĐ-TTg ngày 9/3/2001 của Thủ tướng Chính phủ theo chỉ định sau…”.
Trường hợp bản đồ trích đo không dẫn chiếu trích đo từ tờ bản đồ địa chính nào và số thứ tự thửa đất trên bản đồ trích đo cũng không trùng với số thứ tự thửa đất ở bản đồ địa chính nền đang lưu tại UBND xã có khu vực trích đo, thì bản đồ trích đo đó có bị xem là không đúng quy định về đo đạc bản đồ không?
Với câu hỏi này của người dân, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) trả lời: “Theo quy định, trường hợp bản đồ trích đo không dẫn chiếu trích đo từ tờ bản đồ địa chính nào là không đúng theo quy định tại khoản 4, Phần 2, Quy phạm thành lập bản đồ địa chính tỷ lệ 1/500, 1/1.000, 1/2.000, 1/5.000, 1/10.000 và 1/25.000 (ban hành kèm theo Quyết định số 720/1999/QĐ-ĐC, ngày 30/12/1999 của Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính)”.
Mặt khác, đến nay, người có đất bị thu hồi vẫn chưa được UBND tỉnh Khánh Hòa cung cấp quy hoạch chi tiết Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô. Trong khi đó, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã khẳng định, Quy hoạch chi tiết Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô là thông tin phải được công khai theo quy định của pháp luật.