Trước đó, Đầu tư Chứng khoán đã từng đưa tin về vụ tranh chấp này. Theo đó, PV Machino ký hợp đồng bán 4.200 tấn phôi thép (tương ứng số tiền hơn 70,4 tỷ đồng) cho Công ty TNHH Thương mại và Khai thác khoáng sản Đức Hùng.
Agribank – Chi nhánh Hồng Hà đã phát hành chứng thư bảo lãnh đối với giao dịch này. Sau đó, PV Machino đã giao hàng cho Công ty Đức Hùng và bàn giao hóa đơn GTGT. Nhưng Công ty Đức Hùng mới trả được 25,7 tỷ đồng.
PV Machino nhiều lần đòi mà không được nên yêu cầu Agribank thanh toán bảo lãnh nhưng Agribank không đồng ý. Do đó, PV Machino đệ đơn khởi kiện Agribank, đề nghị Tòa án buộc Agribank phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh với số tiền gốc là 44,7 tỷ đồng và bồi thường 16,6 tỷ đồng tiền lãi phát sinh...
Tòa cấp sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Agribank Hồng Hà, tuyên buộc Agribank Hồng Hà phải trả cho PV Machino tổng cộng gần 62 tỷ đồng.
Cho rằng giao dịch giữa PV Machino và Công ty Đức Hùng là giao dịch không có thật, Agribank Hồng Hà đã kháng cáo toàn bộ nội dung bản án. Agribank cho rằng ông Đỗ Đức Hưng, cựu Giám đốc Agribank Hồng Hà đã vi phạm quy định của ngân hàng, ký phát hành chứng thư bảo lãnh thanh toán, vượt quá hạn mức cho phép. Agribank cho rằng giao dịch giữa Agribank Hồng Hà với Công ty Đức Hùng là vô hiệu.
Agribank cho rằng đó không phải là chữ ký của người đại diện theo pháp luật Công ty Đức Hùng và đề nghị cấp tòa phúc thẩm xem xét lại chữ ký này. Đây cũng chính là một trong những lý do khiến phiên xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp thương mại này bị trì hoãn nhiều lần.
Tại phiên tòa phúc thẩm, Agribank Hồng Hà tiếp tục giữ nguyên nội dung kháng cáo đề nghị hủy án sơ thẩm, đồng thời đề nghị tạm đình chỉ giải quyết vụ án để chờ phiên xét xử Đỗ Đức Hưng xong. Đề nghị này không được tòa chấp thuận.
Quá trình xét xử phúc thẩm, ông Đỗ Hữu Bách – cựu Giám đốc Công ty Đức Hùng lúc thì phủ nhận chữ ký trong hợp đồng mua bán phôi thép với PV Machino không phải của mình, lúc lại nhận trách nhiệm về việc đó.
Đại diện Agribank và các luật sư cho rằng hợp đồng mua bán phôi thép và hợp đồng bảo lãnh có nhiều điểm bất hợp lý.
Cùng một ngày (7/6/2011), các bên liên quan tiến hành được hàng loạt công việc từ ký kết hợp đồng kinh tế, phát hành bảo lãnh thanh toán đến vận chuyển, giao nhận hàng nghìn tấn phôi thép và xuất hóa đơn.
Tuy nhiên, sau 2 ngày xét xử, Tòa cấp phúc thẩm cho rằng không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của bị đơn. Bởi lẽ, việc quy định hạn mức ký chứng thư bảo lãnh thanh toán trong hệ thống Agribank chỉ mang tính nội bộ. PV Machino nói riêng và các khách hàng khác của ngân hàng này không biết và cũng không thể biết. Về hợp đồng mua bán phôi thép giữa PV Machino với Công ty Đức Hùng, tuy ông Bách có những lời khai không thông nhất, song vẫn đủ cơ sở để xác định giao dịch giữa hai doanh nghiệp là có thật.
Từ đó, TAND TP Hà Nội đã quyết định y án sơ thẩm, ngoại trừ việc dành quyền khởi kiện cho Agribank đối với Công ty Đức Hùng cũng như đối với cá nhân Đỗ Đức Hưng.