Khẩn trương khắc phục các sự cố sau báo số 9, đảm bảo cung ứng hàng hoá thiết yếu cho người dân vùng bão lũ

Khẩn trương khắc phục các sự cố sau báo số 9, đảm bảo cung ứng hàng hoá thiết yếu cho người dân vùng bão lũ

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Bộ Công thương vừa có báo cáo nhanh về tình hình chỉ đạo điều hành ứng phó, khắc phục thiệt hại do bão số 9 gây ra tính đến chiều 29/10/2020.

Bão số 9 đã đổ bộ vào đất liền tại tỉnh Quảng Ngãi lúc 12h ngày 28/10/2020, đây là cơn bão mạnh, có sức tàn phá lớn

Ban đầu đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong ở Quảng Ngãi do chằng chống nhà ở, chặt tỉa cành cây để chống bão; 26 thuyền viên bị mất tích do 2 tàu bị chìm gồm: Tàu BĐ96388-TS/12 LĐ bị chìm lúc 13h30 ngày 27/10 cách bờ Phú Yên 330km về phía Đông và tàu BĐ97469-TS/14 LĐ bị chìm cách Hòn Tre (Khánh Hòa) 310 km; 55 mất tích người do sạt lở đất tại Quảng Nam.

Dự báo đến hết ngày 30/10 tại các tỉnh duyên hải Miền Trung từ Quảng Trị đến Bình Định và khu vực Bắc Tây Nguyên có mưa rất to với lượng mưa từ 250 - 450 mm, sau đó mưa dịch chuyển về khu vực Bắc Trung Bộ từ Quảng Bình đến Nghệ An lượng mưa phổ biến từ 200 - 400 mm/đợt.

Lũ trên các sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai đã đạt đỉnh và đang xuống; trên các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị đang lên. Hôm nay, lũ trên sông Thạch Hãn đạt đỉnh trên DBB3 0,4m sau đó xuống; Trên các sông từ Quảng Bình đến Nghệ An ở mức trên, dưới BDD2, riêng sông Kiến Giang tại Lệ Thủy trên BDD3.

Hiện nay, quá trình ứng trực duy trì thường xuyên kênh kết nối liên lạc với các Nhà máy thủy điện khu vực duyên hải Miền Trung và Tây Nguyên trong vùng ảnh hưởng của bão để đảm bảo phối hợp giữa các cơ quan và Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, đảm bảo vận hành an toàn công trình và hạ dần mức nước, tăng khả năng cắt/giảm/phòng lũ do bão và hoàn lưu của bão bão số 9 gây ra.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, tại Thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định; Phú Yên, Khánh Hòa và 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên đã dự trữ hàng hóa lương thực, thực phẩm và các mặt hàng nhu yếu phẩm khác đầy đủ, đáp ứng được yêu cầu theo kế hoạch.

Tại các tỉnh bị ngập lụt nặng trước bão số 9 gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam đến nay đã tiếp tục dự trữ hàng hóa lương thực, thực phẩm và các mặt hàng nhu yếu phẩm khác đợt 2 để sẵn sàng cho mùa mưa bão năm nay.

Quản lý thị trường đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động thương mại, cơ bản giá các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu tại các tỉnh ngập lụt trước bão số 9 đã trở về mức giá trước khi lũ lụt xảy ra, riêng có mặt hàng rau, củ, quả, tuy giá đã giảm mạnh nhưng hiện đang còn tăng khoảng 2.000 - 5.000 đồng/kg, thịt lợn tăng 5.000 - 10.000 đ/kg so với giá trước lũ lụt.

Sau khi bão đổ bộ vào đất liền, trước diễn biễn phức tạp của mưa do hoàn lưu bão gây ra, ngày 29/10/2020, Bộ Công thương đã ban hành Công điện số 8207/CĐ-PCTT chỉ đạo các đơn vị ứng phó hiệu quả với mưa hoàn lưu; đảm bảo cung ứng hàng hóa nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ nhân dân, ổn định thị trường và khắc phục nhanh nhất hậu quả do bão gây ra để sớm đưa sản xuất ổn định trở lại.

Việc sửa chữa khôi phục điện do hậu quả lũ lụt trước bão số 9, hiện nay, tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, một số khu vực nước ngập sâu nên đang cắt điện để đảm bảo an toàn tại 11 xã/phường; đến nay đã khôi phục, cung cấp điện trở lại cho 1 xã, cụ thể: Quảng Bình cắt điện 3 xã, Quảng Trị cắt điện 6 xã (khôi phục, cung cấp điện trở lại cho 1 xã), Quảng Nam cắt điện 2 xã.

Kể từ khi xảy ra mưa lũ đến nay đã khôi phục, cung cấp điện trở lại cho 319 xã, cụ thể: Hà Tĩnh 90 xã, Quảng Bình 114 xã, Quảng Trị 77 xã, Thừa Thiên Huế 27 xã/phường, Quảng Nam 11 xã.

Về tình hình vận hành nguồn điện, lưới điện, hiện các nhà máy hoạt động bình thường đảm bảo nguồn điện. Riêng đối với lưới điện truyền tải 500kV, sự cố tại 5 đoạn đường dây, đã khôi phục xong ngay sau khi bão đi qua.

Lưới điện truyền tại 220kV, sự cố tại 9 đoạn đường dây, đã khôi phục xong 8 đoạn ngay sau bão đi qua; đoạn Đà Nẵng - Tam Kỳ khôi phục xong lúc 13h ngày 29/10.

Lưới điện trung áp, hạ áp do sự cố và chủ động cắt điện tại các tỉnh để đảm bảo an toàn cho con người, thiết bị, ngay sau bão đi qua, cùng với 11 xã bị mất điện do ngập lụt trước bão số 9 nâng tổng số xã bị mất điện là 718 xã tại các tỉnh: Quảng Bình: 19 xã, Quảng Trị: 90 xã, Thừa Thiên Huế: 56 xã, Đà Nẵng: 10 phường, Quảng Nam: 233 xã, Quảng Ngãi: 168 xã, Bình Định: 60 xã, Phú Yên: 15 xã, Gia Lai: 37 xã, Đăk Lăk: 4 xã, Kon Tum: 26 xã.

Đến nay đã khôi phục, cung cấp điện trở lại cho 149 xã, hiện đang mất điện tại trên 570 xã. Hiện nay, EVN đang huy động các nguồn lực để kiểm tra và khôi phục trở lại nhanh nhất cho các phụ tải khi đảm bảo các điều kiện về an toàn.

Liên quan tình hình ứng phó và thiệt hại của các doanh nghiệp sản xuất do bão số 9, theo báo cáo nhanh từ các Sở Công Thương; Tập đoàn; Tổng công ty thì đến nay chưa có thiệt hại về người, về tài sản thiệt hại không lớn, các đơn vị đang thống kê chưa có kết quả cuối cùng.

Tin bài liên quan