Khẩn trương giải ngân 280.000 tỷ đồng, tạo đà tăng trưởng tín dụng

Khẩn trương giải ngân 280.000 tỷ đồng, tạo đà tăng trưởng tín dụng

(ĐTCK) Tác dụng kép của tính chu kì và ảnh hưởng của đại dịch làm giảm nhu cầu tín dụng trong 2 tháng đầu năm. Tuy nhiên, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã và đang hành động để kích thích nền kinh tế, cũng như hạ lãi suất trần huy động ngắn hạn. 

Quý I: Nhịp độ tăng ổn định, dù tín dụng tăng thấp

Thông tin từ NHNN cho biết, tín dụng tính đến hết quý I/2020 tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước. Cụ thể, đến ngày 31/3/2020, dư nợ tín dụng đạt 8.301.988 tỷ đồng, tăng 1,3% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 tăng 3,19%).

Tuy nhiên, số liệu cụ thể lại cho thấy, nhịp độ tăng từng tháng có xu hướng cải thiện: Tháng 1 tăng 0,1%, tháng 2 tăng 0,07% và tháng 3 tăng 1,1%.

Thực tế, tăng trưởng tín dụng trong tháng 3 bắt đầu khởi sắc hơn do sự khẩn trương của toàn hệ thống trong việc đồng hành, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

Trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HÐQT Vietcombank cho biết, mặc dù nhiều khách hàng của Ngân hàng cũng chịu tác động của đại dịch Covid-19, nhưng các khách hàng đều có hướng phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, tăng trưởng tín dụng Vietcombank tăng khá tốt với mức tăng hơn 2,5% tính đến cuối tháng 3/2020.

Không khó để giải thích cho con số tăng trưởng tín dụng của Vietcombank bởi trước khó khăn của khách hàng trong đại dịch Covid-19, Ngân hàng đã nhanh chóng song hành cùng doanh nghiệp.

Ngay từ giữa tháng 2/2020, Vietcombank đã triển khai hàng loạt giải pháp ưu đãi dành cho khách hàng, chẳng hạn với khách vay hiện hữu, Vietcombank giảm 1%/năm lãi suất so với lãi suất thông thường đối với khoản vay ngắn hạn bằng VND, còn khoản vay trung - dài hạn giảm 1,5%/năm.

Với các khoản vay USD, lãi suất cho vay ngắn hạn được giảm là 0,5%/năm, trung - dài hạn giảm 0,75%/ năm. Ðối với các khoản vay mới, Vietcombank giảm lãi suất 1%/năm khi vay bằng VND và 0,5%/năm khi vay bằng USD. Quy mô dư nợ tín dụng được hạ lãi suất vào khoảng 30.000 tỷ đồng.

Không riêng Vietcombank, một loạt ngân hàng cũng đưa ra giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp bị thiệt hại do dịch bệnh.

Ðơn cử, tại VPBank, ngay thời điểm tháng 2, Ngân hàng đã nhận định khoảng 1.000 doanh nghiệp bị thiệt hại lớn do dịch bệnh chủ yếu thuộc lĩnh vực vận tải, du lịch, nhà hàng, xuất khẩu nông sản... và quyết định giảm lãi suất cho vay 1,5%/năm đối với các khoản vay không có tài sản bảo đảm và 1%/năm đối với các khoản vay có tài sản bảo đảm.

Cũng trong tháng 2, SHB đã tiến hành kiểm tra, rà soát từng khách hàng hiện hữu bị ảnh hưởng bởi dịch để đưa ra phương án hỗ trợ phù hợp.

Trên cơ sở đánh giá hoạt động sản xuất - kinh doanh của khách hàng, SHB hỗ trợ cho vay lãi suất ưu đãi đối với khoản vay mới và điều chỉnh giảm lãi suất đối với các khoản vay hiện hữu.

Theo đó, khách hàng sẽ được giảm lãi suất lên tới 1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường đối với các khoản vay bằng VND và 0,5%/năm đối với các khoản vay bằng USD.

“Khó khăn của khách hàng gián tiếp tác động lên ngân hàng. Chủ trương của chúng tôi là phải chia sẻ, đồng hành với khách hàng để vượt qua giai đoạn cam go này. Theo đó, VietinBank đã miễn, giảm lãi, cũng như cơ cấu lại nợ, hỗ trợ thanh khoản cho một loạt khách hàng của mình”, ông Lê Ðức Thọ, Chủ tịch HÐQT VietinBank nói và cho biết, Ngân hàng xem xét cơ cấu lại gần 20.000 tỷ đồng tiền nợ và miễn giảm hơn 26.800 tỷ lãi vay.

VietinBank cũng dành 15.000 tỷ đồng và 150 triệu USD để cho vay ngắn hạn với lãi suất 5%/năm bằng VND và 2,8%/năm bằng USD.

Ngoài ra, đến hết 30/6, tùy theo mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh tới doanh nghiệp, VietinBank sẽ giảm trừ lãi suất từ 1,25-3%/năm so với lãi cho vay thông thường (trong thời gian tối đa 6 tháng).

Tạo đà cho tăng trưởng tín dụng tháng 4

Số liệu được NHNN cho biết, tính đến ngày 10/4, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã bước đầu cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 52.000 khách hàng với dư nợ 17.927 tỷ đồng (riêng Ngân hàng Chính sách xã hội - NHCSXH là 40.000 khách hàng với dư nợ 1.400 tỷ đồng); đã thực hiện miễn giảm lãi cho 6.427 khách hàng với dư nợ 125.242 tỷ đồng, số lãi được miễn giảm khoảng 300 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các TCTD đã tích cực triển khai các chương trình, gói sản phẩm tín dụng ưu đãi lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường từ 0,5-3%/năm.

Hiện nay, các TCTD đã cho vay mới đối với 354.286 khách hàng, doanh số cho vay đạt 165.208 tỷ đồng (riêng NHCSXH là 275.000 khách hàng, doanh số cho vay 12.000 tỷ đồng). Trong đó, dư nợ tập trung chủ yếu ở một số ngành như công nghiệp chế biến, chế tạo (60.000 tỷ đồng); bán buôn, bán lẻ (43.000 tỷ đồng); nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản (16.000 tỷ đồng)…

Một trong những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phục hồi mạnh đó là mặt bằng lãi suất cho vay với xu hướng giảm mạnh được nhận định sẽ rõ rệt hơn trong thời gian tới, sau khi ngày  17/3/2020, NHNN giảm đồng bộ các mức lãi suất để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, cụ thể: Giảm 0,5%/năm trần lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao), từ 6%/năm xuống 5,5%/năm.

Giảm 0,5-1%/năm các mức lãi suất điều hành, tăng 0,2%/năm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc để phát tín hiệu mạnh mẽ định hướng điều hành giảm lãi suất của NHNN, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho TCTD trong trường hợp tiếp cận vốn từ NHNN và hỗ trợ các TCTD có điều kiện giảm lãi suất cho vay nền kinh tế. Ðồng thời, tại cuộc họp với các ngân hàng ngày 31/3/2020, thực hiện chỉ đạo của NHNN, các ngân hàng đã đồng thuận tiếp tục giảm lãi suất cho vay khoảng 2%/năm so với thời điểm trước dịch.

Một lãnh đạo cao cấp NHNN cho biết: “NHNN sẽ xem xét nới room tín dụng cho từng ngân hàng, ưu tiên các ngân hàng đã đạt Basel II, với ước tính từ 2-3 điểm phần trăm trong quý III - thời điểm bắt đầu mùa cao điểm cho vay của các ngân hàng”.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, NHNN sẽ duy trì mức tăng trưởng cung tiền (M2) và tín dụng trong biên độ tăng trưởng 10-14% xuyên suốt năm.

Mức tăng trưởng này là phù hợp và là mục tiêu NHNN duy trì trong 2 năm qua nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và kích thích tăng trưởng, khi chỉ số tín dụng/GDP của Việt Nam sau khi điều chỉnh GDP vẫn ở mức cao trong khu vực (khoảng 110%).

Tuy nhiên, không loại trừ khả năng NHNN sẽ tăng giới hạn tín dụng vào năm 2020 khi tình hình dịch bệnh trong nước trở nên ổn định, như một phần của các biện pháp kích thích, một tín hiệu có lợi cho ngân hàng.

Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB chia sẻ thông tin đáng chú ý: “Mặc dù đối diện với khó khăn do Covid-19, nhưng khách hàng của chúng tôi lại thực hiện đầu tư rất mạnh, vì nhìn thấy cơ hội từ việc rút ngắn giai đoạn đầu tư khi chi phí rẻ như hiện nay”.

Tin bài liên quan