Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 234/TB – VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC làm chủ đầu tư được tổ chức hôm 8/7.
Cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Tài chính ký thư gửi Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trước ngày 10/7/2020 đề nghị ADB gia hạn Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành. Trong đó, thể hiện mong muốn của Chính phủ Việt Nam tiếp tục sử dụng khoản vay ADB để hoàn thành Dự án.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, VEC và các cơ quan liên quan sớm báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí kế hoạch vốn nước ngoài, vốn đối ứng cho Dự án theo các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trước mắt, đề xuất ngay nguồn vốn phù hợp để chi trả khoản tiền chậm thanh toán cho nhà thầu đang thi công (khoảng 15 triệu USD), trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước ngày 15/7/2020.
Vào ngày 5/6, Bộ GTVT đã công văn số 5455/BGTVT – KHĐT gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành với 3 nội dung quan trọng.
Cụ thể, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án đến ngày 31/12/2023 và cho phép gia hạn Hiệp định vay 3391-VIE, Hiệp định khung MFF đến ngày 31/12/2023. Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng xin Thủ tướng được sử dụng vốn của Hiệp định vay ADB lần 2 (3391-VIE) để hoàn thành các công việc chưa được thực hiện của Hiệp định vay ADB lần 1 (2730-VIE) do hết hạn hiệp định, với giá trị dự kiến khoảng 1.584,42 tỷ đồng (tương đương 67,4 triệu USD). Đồng thời điều chỉnh, phân bổ lại cơ cấu giá trị của Hiệp định vay 3391-VIE cho phù hợp với nhu cầu thực tế để tiếp tục đầu tư hoàn thành Dự án.
Để đảm bảo tiến độ, Bộ GTVT đề xuất người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện thủ tục pháp lý trong nước để hoàn tất các thủ tục gia hạn Hiệp định vay 3391-VIE, Hiệp định khung MFF chính thức gửi ADB đề xuất gia hạn trước ngày 10/7/2020 như Bộ GTVT đã báo cáo tại văn bản số 5128/BGTVT-KHĐT ngày 28/5/2020.
Cách đây đúng 1 năm, cũng với lý do do không kịp điều chỉnh Dự án, VEC đã đánh mất quyền giải ngân phần còn lại Hiệp định vay vốn lần thứ nhất của ADB trị giá 350 triệu USD. Nếu mất cả 2 hiệp định vay vốn nói trên, tổn thất với Dự án là rất lớn do các gói thầu xây lắp sử dụng vốn vay ADB mới chỉ giải ngân chưa đầy 60% khối lượng và chủ đầu tư hiện chưa tìm ra bất cứ nguồn nào để bù đắp. Không có vốn bổ sung đồng nghĩa với việc hơn 15.000 tỷ đồng đã được đưa vào Dự án kể từ năm 2014 đến nay sẽ mãi là những khối lượng dở dang, không có công năng sử dụng mà lẽ ra trong khi lẽ ra phải hoàn thành vào cuối năm nay như mục tiêu được đề ra ban đầu.
Bên cạnh đó, Dự án có thể tiếp tục triển khai ngay, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính khẩn trương tháo gỡ vướng mắc về vốn đối ứng, vốn nước ngoài và làm các thủ tục giao vốn cho Dự án để thực hiện ngay.
Được biết, cùng với việc sớm hoàn thành các thủ tục gia hạn hiệp định vay ADB; điều chỉnh chủ trương đầu tư cho Dự án, việc khơi thông nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí vốn đối ứng để có thể hoàn thành dứt điểm Dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành.
Từ tháng 1/2019 đến nay, các dự án của VEC chưa được giao vốn đầu tư công, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc triển khai đầu tư. Các vấn đề khó khăn, vướng mắc và kiến nghị biện pháp xử lý về nguồn vốn để tiếp tục thực hiện đầu tư Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đã được Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, đến nay, việc giao vốn đầu tư công (vốn nước ngoài, vốn đối ứng) cho các dự án của VEC vẫn chưa được khơi thông.
Với nút thắt này, năm 2019 và 2020, Dự án Bến Lức – Long Thành không được bố trí vốn đối ứng (tổng cộng 191 tỷ đồng) và vốn nước ngoài (khoảng 1.600 tỷ đồng). Trên thực tế, cùng với các gói thầu xây lắp thuộc phân đoạn ADB, tại đoạn vay vốn JICA dài 10,71 km gồm 3 gói thầu J1 (cầu dây văng Bình Khánh), J3 (cầu dây văng Phước Khánh) và J2 (đoạn nối 2 cầu dây văng) hiện tượng “giáp hạt” vốn đã kéo dài 2,5 năm nay. Hiện hai gói thầu quan trọng nhất tại phân đoạn này là J1 (hoàn thành vào tháng 3/2020), J3 (hoàn thành vào tháng 7/2019) đã dừng thi công và cũng chỉ mới đạt lần lượt 76% và 80% giá trị hợp đồng.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng vào tháng 9/2019, Bộ GTVT cho biết việc thiếu vốn giải ngân đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện dự án, các nhà thầu đều yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương thanh toán khối lượng đã thực hiện và làm rõ kế hoạch nguồn vốn để xây dựng kế hoạch tiếp theo.
“Nếu không quyết liệt giải quyết nhanh các tồn tại để thúc đẩy tiến độ dự án thì nguy cơ gây thiệt hại rất lớn về kinh tế/tài chính do bồi thường dừng thi công, chậm hoàn thành đưa công trình vào khai thác hoàn vốn, dẫn đến phá vỡ phương án tài chính, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ các khoản vay và gây dư luận xã hội không tốt đối với dự án”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.