Không thể trì hoãn
Trong báo cáo vừa gửi Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề nghị Bộ Tài chính sớm có ý kiến với Dự thảo Tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội của NHNN về việc tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách nhà nước để NHNN sớm hoàn thiện gửi Văn phòng Quốc hội phục vụ phiên họp tới.
Đồng thời, Thống đốc NHNN đề nghị Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 91/2015/NĐ-CP nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc tăng vốn điều lệ cho 3 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước nắm quyền chi phối (BIDV, Vietcombank, VietinBank).
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho rằng, tuy ngân sách đang khó khăn, song vẫn cần thiết tăng vốn cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước.
“Thứ nhất, số tiền không quá lớn, vấn đề đã được đề xuất nhiều lần và đã có trong kế hoạch. Thứ hai, trong bối cảnh rủi ro gia tăng, ngân hàng càng cần tăng sức đề kháng, nhất là tăng vốn, bởi rủi ro gia tăng thì hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng ngày càng yếu. Thứ ba, việc tăng vốn này nằm trong lộ trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu hệ thống ngân hàng theo Đề án 1058 của Chính phủ. Nếu không thể tăng vốn, chắc chắn khả năng cung ứng vốn, giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế của các ngân hàng sẽ kém đi”, TS. Lực nói.
Đồng tình với ý kiến này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tăng vốn điều lệ cho Agribank và không nhận cổ tức tiền mặt từ 3 ngân hàng có vốn nhà nước còn lại sẽ khiến ngân sách thêm khó khăn vì “hao hụt” hơn 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây không phải là lý do để trì hoãn tăng vốn cho các ngân hàng TMCP quốc doanh. Thậm chí, bối cảnh hiện nay càng khiến việc tăng vốn cho các ngân hàng này trở nên cấp bách.
“Tôi cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ cũng phải “hy sinh” nguồn thu cổ tức từ ngân hàng quốc doanh để giúp các ngân hàng này tăng vốn. Ngân hàng đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp, song thực tế, bản thân họ cũng đang gặp rất nhiều khó khăn và rủi ro”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng khuyến nghị.
Big4 đứng trước nguy cơ suy giảm sức mạnh tài chính
Từ đầu năm đến nay, 4 ông lớn ngân hàng đang nỗ lực giảm sâu lãi vay hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19, đặc biệt là các khoản vay hiện hữu. Tổng số tiền mà các ngân hàng này cam kết hỗ trợ doanh nghiệp lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng, đồng nghĩa với lợi nhuận ngân hàng sẽ giảm hàng ngàn tỷ đồng.
Mới đây, Vietcombank công bố giảm đồng loạt lãi suất tiền vay đợt 2 cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (giảm 5-10% số tiền lãi phải trả). Tổng số khách hàng được giảm lãi suất đợt 2 là 90.000 khách hàng với quy mô tín dụng là 300.000 tỷ đồng. Tổng cộng 2 đợt giảm lãi suất, Vietcombank dự kiến sẽ giảm 2.240 tỷ đồng lợi nhuận.
Tôi cho rằng, 3 tháng tới, nếu dịch bệnh không được kiểm soát, ngân hàng sẽ gặp khó khăn về thanh khoản. Với tình hình hiện nay, Chính phủ chưa cần hỗ trợ ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, nhưng nên cho phép các ngân hàng này giữ lại cổ tức tiền mặt để củng cố sức khỏe tài chính nhằm đối phó với rủi ro.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng
Phát biểu tại cuộc họp mới đây giữa Thủ tướng Chính phủ với lãnh đạo các bộ, ngành, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, những ngân hàng thương mại có vốn của Nhà nước năm nay dứt khoát phải giảm khoảng 40% lợi nhuận.
Lợi nhuận sút giảm trong bối cảnh rủi ro nợ xấu gia tăng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến an toàn vốn của ngân hàng. Nếu không sớm được cấp vốn, những ngân hàng này sẽ khó làm tốt nhiệm vụ “bệ đỡ” cho nền kinh tế. Nói cách khác, củng cố tấm nệm an toàn của ngân hàng chính là tạo điều kiện cho các ngân hàng này hỗ trợ tốt hơn doanh nghiệp, hỗ trợ tốt hơn nền kinh tế.
Hiện nay, ngoài Vietcombank có phần “dễ thở” hơn một chút, cả 3 ngân hàng có vốn nhà nước còn lại đều trong tình thế khá căng thẳng. Trong đó, Agribank là ngân hàng 100% vốn nhà nước, việc tăng vốn hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn ngân sách, nhưng đã đề nghị nhiều năm mà vẫn chưa được ngân sách cấp. Lãnh đạo Agribank kỳ vọng, năm nay, Agribank sẽ được giữ lại lợi nhuận để tăng vốn.
BIDV, kể cả khi đã bán thành công 15% vốn cho đối tác chiến lược Keb Hana, thì CAR cũng mới đạt 8,77%, không cao hơn nhiều so với mức tối thiểu (8%). Theo phương án vừa được Đại hội đồng cổ đông phê duyệt, năm 2020, BIDV sẽ tiếp tục tăng vốn điều lệ từ 40.220 tỷ đồng lên 45.549 tỷ đồng. Cụ thể, bên cạnh việc phát hành 281,5 triệu cổ phần để trả cổ tức (tỷ lệ 7%), Ngân hàng sẽ chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ 251,3 triệu cổ phần.
Nan giải nhất là VietinBank khi dư địa tăng vốn hầu như đã cạn, đe dọa đến hoạt động của ngân hàng này. Lãnh đạo VietinBank cho biết, kế hoạch kinh doanh năm 2020 của Ngân hàng phụ thuộc vào tiến độ tăng vốn theo phương án đã trình các cấp có thẩm quyền. Trong trường hợp được giữ lại toàn bộ lợi nhuận 2017-2019 và thực hiện các biện pháp cải thiện CAR khác như thoái vốn ở các công ty con, bán danh mục đầu tư..., VietinBank cũng chỉ dám đặt mục tiêu tăng trưởng 4-8,5%.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trong 3 tháng nữa, nếu dịch bệnh chưa thể kiểm soát, ngân hàng sẽ “ngấm” khủng hoảng. Vì vậy, bổ sung vốn để các ngân hàng này được “gia cố” lưới an toàn là rất cần thiết. Nếu tình trạng mỏng vốn tiếp diễn, ngân hàng rất dễ bị tổn thương và không thể hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn do đại dịch.
Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực kỳ vọng, quyết định tăng vốn cho ngân hàng sẽ được giải quyết rốt ráo tại kỳ họp Quốc hội diễn ra vào tháng 5/2020 tới đây.