Khám “sức khỏe” thị trường qua chỉ số thanh khoản

Khám “sức khỏe” thị trường qua chỉ số thanh khoản

(ĐTCK) Tròn 200 mã cổ phiếu niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hà Nội và TP. HCM đã bị loại ra khỏi rổ tính chỉ số chung VNX Allshare trong kỳ xem xét tháng 10/2018 vì lý do thanh khoản.

Rất nhiều mã trong số này có thời gian niêm yết cả 10 năm, 15 năm như STC của CTCP Sách và thiết bị trường học TP.HCM (lên sàn 2006); CAN của CTCP Ðồ hộp Hạ Long (lên sàn 2009); VC6 của CTCP Vinaconex 6 (lên sàn 2008); SSM của CTCP Chế tạo và kết cấu thép SSM (2008)…, nhưng thanh khoản quá yếu (tỷ trọng Turnover Ratio nhỏ hơn 0,02%) nên bị loại khỏi rổ tính.

Trong một thước đo khác, tính đến giữa tháng 10/2018, toàn thị trường hiện có 740 doanh nghiệp niêm yết, với giá trị vốn hóa gần 3.400.000 tỷ đồng, nhưng vốn hóa có khả năng chuyển nhượng thì lại chỉ chiếm 1/3.

Vì sao lại có tình trạng này? Theo giải thích của sở giao dịch chứng khoán, việc quy mô niêm yết thì lớn, nhưng số cổ phiếu thực có khả năng chuyển nhượng lại nhỏ là do vốn Nhà nước vẫn chiếm quá lớn trong các doanh nghiệp niêm yết lớn, dẫn đến kết quả chung toàn thị trường như vậy.

Với những đo lường bằng con số cụ thể từ 2 sở, nhà đầu tư có thể hình dung rằng, chỉ có 1/3 vốn hóa thị trường có tính lỏng; 2/3 còn lại là “nằm im” do sở hữu của Nhà nước hoặc của các cổ đông lớn đang trong giai đoạn bị hạn chế chuyển nhượng. Những cổ phiếu điển hình trong số này là GAS, SAB, VCB, VHM, CTG…

Trong các mã lớn, mã BID của Ngân hàng TMCP Ðầu tư và Phát triển Việt Nam đã bị loại ra khỏi rổ tính chỉ số VNX Allshare kỳ này vì thanh khoản không đạt tiêu chí. Từ khi lên sàn niêm yết đến nay, mã BID có sở hữu Nhà nước lên tới 95,28%.

Cổ phiếu yếu, nhỏ không nhận được sự quan tâm của các dòng vốn đầu tư là một hiện trạng phổ biến trên thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, có không ít cổ phiếu lớn, quy mô vốn hóa hàng chục, hàng trăm nghìn tỷ đồng, nhưng nhà đầu tư cũng không dễ đầu tư do tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng quá nhỏ.

Tính trong 6 tháng qua, thanh khoản trên sàn HOSE giảm khá mạnh, từ khoảng 7.600 tỷ đồng/phiên vào tháng 1 xuống còn dưới 4.600 tỷ đồng/phiên vào tháng 9.

Con số này cho thấy, thị trường dù có thêm nhiều hàng hóa mới với quy mô vốn hóa cao hơn, nhưng đó chỉ là sự tăng lên về lượng. Chất lượng thị trường chưa có sự cải thiện khi có nhiều doanh nghiệp yếu thanh khoản, thậm chí yếu cả về sức khỏe trên sàn.

Vậy làm thế nào để thay đổi hiện trạng trên? Theo ghi nhận của Báo Ðầu tư Chứng khoán, có 3 việc không thể không làm để cải thiện tình trạng thanh khoản quá yếu.

Thứ nhất, tiêu chuẩn niêm yết cần phải được nâng tầm khi sửa Luật Chứng khoán tới đây, theo hướng doanh nghiệp xứng đáng lên sàn thì mới được lên hoặc trụ lại trên sàn. Các doanh nghiệp yếu cần đưa xuống giao dịch ở thị trường đại chúng để định hình sân chơi uy tín cho sàn niêm yết.

Thứ hai, các doanh nghiệp trên sàn bên cạnh nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định, phải dành nguồn lực cần thiết để xây dựng niềm tin và truyền thông về giá trị doanh nghiệp để giảm tình trạng cổ phiếu bị dòng tiền “bỏ rơi” trên sàn.

Thứ ba, Nhà nước cần mạnh mẽ thoái vốn để thay đổi hiện trạng nhiều doanh nghiệp niêm yết lớn chỉ có vài phần trăm cổ phiếu lỏng, còn lại toàn của… Nhà nước.

Thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ có thể đi lên bền vững nếu nội lực thị trường - hàng hóa niêm yết phải có chất lượng và các doanh nghiệp, nhà quản lý gìn giữ được niềm tin với công chúng.

Chỉ xét riêng 1 tiêu chí thanh khoản, kỳ xem xét tháng 10 này có tới 200 mã bị loại khỏi rổ tính chỉ số VNX Allshare cho thấy, trên sàn có nhiều mã yếu, đứng đó không biết vì mục tiêu gì.

Tin bài liên quan