“Khám sức khỏe” ngân hàng yếu

“Khám sức khỏe” ngân hàng yếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau một thời gian tìm kiếm chỗ “nương tựa”, một số ngân hàng yếu đã tuyên bố tự tìm đường đi cho mình, trong khi những ngân hàng đã thực hiện M&A cũng dần củng cố sức khỏe nội tại.

Chọn hướng đi độc lập

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2021 diễn ra vào ngày 30/3, ông Nguyễn Quang Định, Chủ tịch Hội đồng quản trị PGBank cho biết, sau 6 năm theo đuổi kế hoạch sáp nhập vào một số ngân hàng lớn, cuối cùng, PGBank đều không thành công thương vụ nào. Hiện Hội đồng quản trị Ngân hàng có chủ trương củng cố hoạt động độc lập và không có kế hoạch đàm phán hay tìm kiếm đối tác khác.

PGBank cho biết, tháng 4/2018, Đại hội đồng cổ đông Ngân hàng đã thông qua nội dung sáp nhập vào HDBank.

Mặc dù hai ngân hàng đã tích cực triển khai giao dịch sáp nhập cũng như đàm phán các nội dung liên quan. Hồ sơ sáp nhập đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận nguyên tắc vào tháng 10/2018, nhưng cho đến nay, giao dịch sáp nhập giữa hai ngân hàng vẫn chưa được chính thức chấp thuận.

Sau thời gian mỏi mệt với việc chờ đợi kế hoạch sáp nhập vào ngân hàng khác, PGBank đã nỗ lực củng cố hoạt động. Kết thúc năm 2020, PGBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 212 tỷ đồng, gấp 2,4 lần năm trước; trong đó, riêng quý IV/2020 đóng góp gần 90 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 19 tỷ đồng.

Sau 6 năm theo đuổi kế hoạch sáp nhập vào một số ngân hàng lớn, cuối cùng, PGBank đều không thành công thương vụ nào.

Ông Nguyễn Quang Định, Chủ tịch Hội đồng quản trị PGBank

Năm qua, mảng tín dụng mang về cho PGBank khoản lãi gộp hơn 906 tỷ đồng, tăng trưởng 6% so với năm trước và chiếm 79% trong tổng thu nhập hoạt động. Lãi thuần từ chứng khoán đầu tư tăng gấp 3 lần, đạt 21 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, lãi thuần từ mảng hoạt động dịch vụ ghi nhận giảm 7,6%, xuống còn 30 tỷ đồng.

Mảng kinh doanh ngoại hối và các hoạt động kinh doanh khác cũng đi xuống với lợi nhuận giảm lần lượt 37,7% và 33,2%. Tổng thu nhập hoạt động của PGBank trong năm 2020 đạt 1.149 tỷ đồng, giảm 4% so với năm trước.

Tuy nhiên, do chi phí hoạt động tăng 16,8%, khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Ngân hàng giảm 22,2% so với năm trước, xuống 494 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối tháng 12/2020, tổng tài sản của PGBank đạt mức 36.153 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cuối năm 2019. Tiền gửi khách hàng tăng 13,2%, lên 28.738 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng cũng tăng 8,3% đạt 25.675 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên cho vay khách hàng theo đó đã giảm từ 3,15% hồi đầu năm xuống 2,43% khi kết thúc năm 2020.

Năm nay, PGBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 310 tỷ đồng, tăng 46% so với năm 2020, với giả định tổng thu nhập không tăng, chi phí quản lý kinh doanh tăng 9% và chi phí dự phòng rủi ro giảm mạnh 44%.

Tổng huy động vốn dự kiến đạt 32.518 tỷ đồng, tăng 13,3% so với năm 2020; trong đó huy động thị trường 1 dự kiến tăng 6%, đạt 30.411 tỷ đồng.

Dư nợ cho vay khách hàng kế hoạch đến 31/12/2021 đạt 27.640 tỷ đồng, tăng trưởng 7,8% so với năm 2020. Tính cả đầu tư trái phiếu doanh nghiệp thì dư nợ tín dụng đạt 27.727 tỷ đồng, tăng 7,8% so với năm 2020.

PGBank cho biết, lợi nhuận trước thuế quý I/2021 của Ngân hàng ước tính đạt 80 tỷ đồng. Đây là kết quả khả quan để bước đầu tiên khẳng định có thể đạt được mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 310 tỷ đồng. Các khoản trích lập vẫn theo đúng kế hoạch.

Diễn biến đáng chú ý, cuối năm 2020, PGBank đã nhanh chóng đưa cổ phiếu giao dịch trên sàn UPCoM.

Trước đó, Saigonbank, một ngân hàng nhỏ khác cũng từ chối sáp nhập vào Vietcombank trong giai đoạn 2015 - 2016, dù thương vụ này được cho là đã gần đi đến kết quả cuối cùng. Lý do là cổ đông lớn của Saigonbank là Thành ủy TP.HCM muốn tự tái cấu trúc bằng nội lực để từng bước phát triển...

Năm 2020, lợi nhuận Saigonbank đạt 121 tỷ đồng, giảm 33% so với năm 2019. Tại ngày 31/12/2020, tổng tài sản Ngân hàng đạt gần 23.943 tỷ đồng, tăng 5% so với cuối năm trước.

Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 6,1%, đạt 15.448 tỷ đồng. Số dư tiền gửi khách hàng tăng 16,3% đạt hơn 18.224 tỷ đồng.

Tổng nợ xấu của Saigonbank đến cuối năm 2020 giảm 21% so với đầu năm 2019, chỉ còn 223 tỷ đồng. Trong đó, tất cả phân loại nợ xấu đều giảm, kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay từ 1,94% xuống còn 1,44%. Saigonbank cũng đã đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM trong quý III/2020.

Củng cố nội tại

Saigonbank được thành lập vào năm 1987. Sau gần 32 năm hoạt động, vốn điều lệ của nhà băng này chỉ nhỉnh hơn mức vốn pháp định 3.000 tỷ đồng một chút.

Năm 2014, Saigonbank đã có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 3.080 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng và tiếp tục lấy ý kiến cổ đông về phương án tăng lên 4.080 tỷ đồng, nhưng không triển khai được. Tháng 3/2016, Saigonbank đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỷ đồng.

Chưa triển khai được kế hoạch phát hành tăng vốn, nhưng sức khỏe nội tại của Ngân hàng có sự cải thiện.

Chủ tịch Saigonbank Vũ Quang Lãm cho biết, về chuẩn Basel II, hiện Ngân hàng đang trong quá trình hoàn tất và sẽ áp dụng trong thời gian tới. Hệ số an toàn vốn (CAR) của Saigonbank hiện nay ở trên mức 15%. Ngân hàng đã hoàn thành trụ cột thứ nhất của Basel II, đồng thời đang tiếp tục triển khai thực hiện 2 trụ cột còn lại.

Giai đoạn 2016 - 2018, cổ đông chi phối tỷ lệ vốn lớn tại Saigonbank là Vietcombank, VietinBank phải lần lượt thoái vốn theo lộ trình đưa ra tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN.

Trong đó, Vietcombank thu về hơn 266 tỷ đồng từ việc thoái 13,2 triệu cổ phần trong tháng 11/2017; VietinBank cũng chuyển nhượng toàn bộ hơn 15,1 triệu cổ phần, thu về gần 305 tỷ đồng trong tháng 5/2019.

Cơ cấu cổ đông của Saigonbank hiện khá cô đặc, Văn phòng Thành ủy TP.HCM đang nắm hơn 18% vốn, Công ty TNHH MTV Xây dựng và kinh doanh nhà Phú Nhuận và Công ty TNHH MTV Du lịch thương mại Kỳ Hòa cùng nắm hơn 16%, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) sở hữu hơn 14%.

Kế hoạch tăng vốn trong giai đoạn này của Saigonbank được đánh giá gặp khó khăn do Thành ủy TP. HCM buộc phải thoái vốn để đáp ứng quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2010 có hiệu lực từ 1/1/2011 (các tổ chức chỉ được sở hữu tối đa 15% vốn ngân hàng). Ngoài ra, Thành ủy TP.HCM có chủ trương không làm kinh tế.

Trong khi đó, với PGBank, tiền thân là Ngân hàng TMCP Nông thôn Đồng Tháp Mười, thành lập năm 1993 với vốn điều lệ ban đầu là 700 triệu đồng.

Từ khi thành lập đến nay, PGBank đã trải qua 8 lần tăng vốn, nhưng vốn điều lệ hiện nay chỉ ở mức 3.000 tỷ đồng.

Theo bản cáo bạch đăng ký niêm yết cổ phiếu trên thị trường UPCoM cuối năm 2020, PGBank chỉ có một cổ đông lớn duy nhất là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Petrolimex đầu tư vào PGBank từ năm 2005. Với sự xuất hiện của tập đoàn này trong cơ cấu cổ đông, hiệu quả kinh doanh của PGBank có sự khởi sắc rõ rệt nhiều năm sau đó.

Bên cạnh các nhà băng trên, một số ngân hàng sau hợp nhất, sáp nhập nay vẫn trong quá trình tái cấu trúc, sức khỏe dần ổn định và tăng trưởng. Đơn cử, SCB lãi trước thuế hơn 658 tỷ đồng trong năm 2020, nợ xấu dưới 1%.

Kết quả này có được nhờ chiến lược chuyển dịch mô hình kinh doanh với mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu thông qua việc thúc đẩy mạnh mẽ các dịch vụ dành cho phân khúc khách hàng cá nhân.

Thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 1.775 tỷ đồng, thu nhập từ hoạt động kinh doanh ngoại hối và kinh doanh chứng khoán đạt gần 700 tỷ đồng, đóng góp phần lớn vào cấu phần thu nhập của ngân hàng.

Tin bài liên quan