Sự phát triển thành công của một quốc gia không bao giờ diễn ra một cách ngẫu nhiên, mà nhất định phải có nguyên do.
Hàn Quốc là một quốc gia có bề dày lịch sử và văn hóa. Tuy nhiên, đầu thế kỷ 20, Hàn Quốc chịu sự thống trị của thực dân Nhật trong một thời gian dài và trải qua cuộc chiến tranh liên Triều ác liệt bắt đầu năm 1950. Từ đó, Hàn Quốc đã bị rớt xuống nhóm nước nghèo nhất trên thế giới, thậm chí không có đủ lương thực để sinh tồn.
Để giải quyết khó khăn này, Chính phủ Hàn Quốc đã phải chấp nhận vay khẩn cấp Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) 57 tỷ USD, với những điều kiện ngặt nghèo để tiến hành cải cách mạnh mẽ, xây dựng nền kinh tế thị trường dân chủ, phá bỏ quyền lực của các tài phiệt, coi trọng các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giảm sự can thiệp của nhà nước, chống cấu kết chính trị - kinh doanh. Mặt khác, chính phủ nước này cũng áp dụng chính sách “thắt lưng buộc bụng”, huy động người dân trong cả nước đoàn kết, quyên góp tài chính ủng hộ chính phủ.
Sau mọi nỗ lực, Hàn Quốc đã thay đổi nhanh chóng từ một nước nghèo đói sau đại chiến thế giới lần thứ hai trở thành một nước được cộng đồng quốc tế công nhận là quốc gia phát triển.
Nhiều nước phát triển sau trên thế giới đang chọn mô hình tăng trưởng của Hàn Quốc để học tập, bởi trong quá khứ, các quốc gia đó cũng đã trải qua thời kỳ bị xâm lược, chiến tranh, thực hiện quá trình công nghiệp hóa, dân chủ hóa… giống như Hàn Quốc.
Hàn Quốc đã đạt được những kinh nghiệm tuyệt vời trong vòng 40 năm, còn các nước tiên tiến khác đã mất thời gian dài hơn như Anh (cần 250 năm); Mỹ, Đức, Pháp (cần 80 – 100 năm).
Có rất nhiều yếu tố giúp Hàn Quốc tăng trưởng một cách ngoạn mục.
Đó là năng lực lãnh đạo tài tình của bộ máy chính quyền nhà nước, chính sách quốc gia hợp thời cơ, thúc đẩy tinh thần doanh nghiệp và nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, chính sách mở cửa quả cảm và toàn cầu hóa, tính cần mẫn và trung thành của người dân, nhiệt huyết giáo dục cao nhất thế giới, cùng tham vọng đáp ứng mục tiêu của cá nhân và cạnh tranh tự do, khả năng tiếp thu nhanh chóng văn minh và xu hướng mới của thế giới, dám đương đầu thử thách…
Trong số rất nhiều yếu tố kể trên thì tinh thần doanh nhân của các doanh nghiệp và doanh nhân Hàn Quốc có ảnh hưởng lớn nhất đến quá trình phát triển vượt trội của Hàn Quốc.
Không thể không kể đến hai minh chứng tiêu biểu nhất, thành công nhất đóng góp vai trò to lớn trong kinh tế Hàn Quốc. Đó là ông Lee Byung Chul, người sáng lập Tập đoàn Samsung và ông Chung Ju Yung, người sáng lập Tập đoàn Huyndai.
Đây được coi là hai hình mẫu anh hùng kinh tế điển hình trong lịch sử phát triển kinh tế Hàn Quốc. Hai ông tuy có xuất thân, suy nghĩ, hành động và phương thức kinh doanh khác nhau, nhưng lại gặp nhau ở ý tưởng lớn về tích cực và dám đương đầu với khó khăn, thử thách đã tạo nên tiền đề, sự thành công nhảy vọt trong nền kinh tế quốc dân.
Hai nhân vật này được coi là kiểu mẫu tiêu biểu trong các doanh nhân Hàn Quốc.
Hầu như tất cả chúng ta đều biết câu chuyện về thành công của Steve Jobs và Apple, hay Akio Morita và Sony, nhưng thành công của Lee Byoung Chul và Samsung với nhiều người vẫn còn là điều bí ẩn.
Ông là người sáng lập Tập đoàn Samsung và là một trong những doanh nhân thành đạt nhất Hàn Quốc.
Vào năm 1938, khi vừa đúng 30 tuổi, Lee đã thành lập công ty thương mại nhỏ có tên Samsung Sanghoe ở quê hương Daegu. Công ty chuyên nhập khẩu, xuất khẩu và sản xuất thực phẩm. Logo của Samsung luôn đi kèm với 3 ngôi sao cho đến khi thay đổi vào năm 1993.
Với sự sụp đổ của chế độ thực dân, Lee Byung Chul đã có quyết định dũng cảm và bước đi đúng đắn khi chuyển trụ sở chính Công ty đến Seoul trước thời điểm Seoul trở thành thủ đô Hàn Quốc. Và Samsung trở thành 1 trong 10 công ty thương mại lớn nhất Hàn Quốc thời bấy giờ.
Lee và Samsung đã vượt qua những hỗn loạn của chiến tranh Triều Tiên với nhiều sự thay đổi về chính trị. Ông biết cần phải làm gì để thành công, đặc biệt là việc duy trì mối quan hệ gần gũi với Chính phủ để đảm bảo có được những hợp đồng lớn trong lĩnh vực thương mại xuất khẩu. Vào cuối thập niên 1950, Lee Byung Chul trở thành người đàn ông thành đạt nhất Hàn Quốc.
Bằng tầm nhìn xa trông rộng và khả năng đánh giá của mình, ông đã nghĩ đến việc kinh doanh linh kiện bán dẫn điện tử, mà thiết bị bán dẫn là sản phẩm điện tử tiên tiến nhất trong thập kỷ 70 của thế kỷ trước, chưa có ai thử thách và đầu tư.
Với tầm nhìn chiến lược, ông đã đưa ra 5 tiêu chí cụ thể để dẫn tới thành công: Tìm tòi, nghiên cứu và khảo sát chính xác, chi tiết sự thay đổi kinh tế trong nước và thế giới; Biết rõ năng lực bản thân mình; Luôn nỗ lực cố gắng, không bao giờ tin vào vận may; Rèn luyện được cái nhìn trực quan, nhanh chóng, rõ ràng và luôn sẵn sàng thực hiện các chiến lược kinh doanh khác nhau.
Lee Byung Chul là một người cầu tiến và đã có những nỗ lực không ngừng trong việc thành lập nhiều công ty. Ông cho rằng, một công ty thành hay bại thì người sáng lập cần phải đầu tư công nghệ cao và cần có sức mạnh nội bộ, đoàn kết giữa các nhân viên.
Ông quan tâm đến chế độ lương, thưởng và chế độ phúc lợi xã hội dành cho nhân viên; khiến cho nhân viên ngày càng yêu Công ty, đóng góp hết mình và gắn kết chặt chẽ với Công ty.
Lee Byung Chul qua đời vào năm 1987, để lại Công ty cho con trai thứ của ông là Lee Kun Hee. Ông có 3 con trai và 5 con gái, ông đã so sánh tính cách các con và nhận thấy người con thứ 3 có đủ sự khôn ngoan lãnh đạo Tập đoàn, ông rất khéo léo trong việc hỗ trợ toàn diện cho con thứ để tránh sự cạnh tranh thừa kế giữa các con.
Giống như hầu hết những người sáng lập nền công nghiệp Hàn Quốc, Lee Byung Chul là minh chứng cho sự khôn ngoan, tỉnh táo trong thời thế, nhạy bén trong kinh doanh và nỗ lực làm việc cần cù không ngừng nghỉ.
Suốt cuộc đời của mình, Lee Byung Chul đã tạo nên một Samsung nổi tiếng với hệ thống quản lý chặt chẽ và trong đó, ông chủ là người biết tất cả mọi thứ.
Khác với suy nghĩ và tư tưởng lãnh đạo của Lee Byung Chul thì Chung Ju Yung, từ một nông dân thuần phác, nhờ thông minh, chăm chỉ, cộng với cảm giác kinh doanh nhạy bén trời cho, đã trở thành ông chủ của một trong những tập đoàn kinh tế lớn nhất và có thế lực nhất ở Hàn Quốc – Tập đoàn Huyndai.
Ông là người nỗ lực và luôn tin tưởng rằng con người khi thực sự cố gắng sẽ thành công. Ngay những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, ông chủ đầy mưu lược và táo bạo của Tập đoàn Huyndai đã có những tham vọng đưa Huyndai trở thành một tập đoàn quốc tế trong lĩnh vực xây dựng.
Chung Yu Yung đã thắng thầu và thực hiện thành công nhiều dự án lớn: Nhà ở tổng thống Mỹ; nhà ở 100.000 quân đội Mỹ; tuyến đường cao tốc hiện đại Pattani Narathiwat tại Thái Lan - đây là sản phẩm đầu tiên của Huyndai tại nước ngoài.
Chung Ju Yung được ghi nhận công lao trong việc vận động hành lang để Hàn Quốc đăng cai tổ chức Olympic mùa hè 1988. Chung Ju Yung cũng đóng góp công sức trong việc bình thường hóa giữa hai miền Triều Tiên. Năm 1998, vào tuổi 82, Chung Ju Yung vẫn làm việc với Chính phủ Hàn Quốc để cung cấp sự trợ giúp kinh tế cho miền Bắc.
Ông đã gửi 1.001 con bò qua vùng phi quân sự sang Bắc Triều Tiên. Ông cũng là người đầu tiên khởi xướng chương trình tham quan du lịch Geumgangsan.
Từ khoảng năm 1980 cho đến gần đây, Tập đoàn Huyndai được phân thành nhiều tập đoàn vệ tinh. Chung Ju Yung đã có một sự nghiệp hết sức thành công.
Ông là người phát triển loại xe Pony - loại xe hơi đầu tiên của Triều Tiên và đây là bước khởi đầu của hãng xe hơi Huyndai. Ông cũng thành lập Công ty Thép Huyndai.
Chung Ju Yung chấp nhận thách thức, luôn tự ép mình về thời gian để rồi ông lại ép lại các công nhân của mình. Ông là một chủ mẫu mực, chỉ biết làm việc và làm việc mà thôi. Ông đã khơi dậy lòng yêu nước và sự tự tin của những người công nhân Hàn Quốc đang làm cho Huyndai.
Câu chuyện về Chung Ju Yung và Lee Byung Chul cho thấy, “tinh thần doanh nhân” không phải là một ý niệm trừu tượng, mà cần được thực hiện bằng những hành động trực tiếp.
Tinh thần doanh nhân kiên cường, bất khuất gắn liền với đạo đức doanh nghiệp, tinh thần văn hóa doanh nhân và trách nhiệm với xã hội đã tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động.
Trên thương trường, nguy cơ luôn song hành cùng cơ hội, những nhà sáng lập dũng cảm đương đầu với khó khăn, thử thách để tạo ra nhiều cơ hội đầu tư và phát triển doanh nghiệp trong nền kinh tế quốc dân.
Đó cũng chính là lý do vì sao Hàn Quốc là nước phát triển nhanh nhất trên thế giới. Các tập đoàn hàng đầu lần lượt ra đời: Samsung, LG, Poso, Huyndai… thúc đẩy năng lực cạnh tranh trên toàn thế giới trong việc nhanh chóng phát triển sản phẩm mới, thay đổi thiết kế, nhanh chóng tạo ra ý tưởng đổi mới và chất lượng phục vụ… đã làm hài lòng khách hàng, qua đó dần dần nâng cao vị thế để ngày càng phát triển vươn xa.