1. Núi Cấm
Nói đến núi Thất Sơn ở An Giang, không có ai là không biết. Trong đó, núi Cấm là ngọn núi lớn và cao nhất trong dãy Thất Sơn. Ngay từ cái tên đã gợi lên sự huyền bí, vì dường như chưa từng có tài liệu nào ghi lại cụ thể nguồn gốc cái tên núi Cấm bắt đầu từ đâu. Tất cả những sự tích, truyền thuyết về tên núi chỉ là những giả thuyết không được chứng thực.
Ảnh: Internet
Với dòng suối Thanh Long hiền hòa, động Thủy Liêm bí ẩn, Vồ Bạch Tượng uy nghi, cao nguyên núi cấm bao la, những ngôi chùa cổ kính với kiến trúc độc đáo, quang cảnh núi Cấm tuyệt đẹp và đầy lãng mạn chắc chắn sẽ làm thỏa mãn bất cứ du khách nào đặt chân đến An Giang.
2. Núi Cô Tô – Đồi Tức Dụp
Theo truyền thuyết thì núi Cô Tô được các ông tiên khiêng từng hòn đá từ núi Giày và núi Cấm xếp thành. Bởi ngọn núi này do những chồng đá tạo thành, nên ở giữa có rất nhiều khe hở, chính là những ngóc ngách, hang động đầy bí ẩn.
Đồi Tức Dụp. Ảnh: Internet
Đồi Tức Dụp là địa danh gắn liền với núi Cô Tô. Tương truyền thì ngọn đồi nhỏ nằm dưới chân núi Cô Tô được tạo thành do các nàng tiên tinh nghịch từ trên đỉnh núi Cô Tô ném đá xuống. Dòng suối mà các nàng tắm, luồn lách chảy qua ngọn đồi ấy giúp cho cảnh vật nơi đây thêm phần thơ mộng. Ngọn đồi nhỏ với nhiều động lớn, hang sâu này cũng là một tử địa khiến giặc ngoại xâm kinh hãi trong thời chiến tranh.
3. Núi Sập
Ảnh: Internet
Núi Sập là ngọn núi lớn nhất nằm trong cụm núi Sập bao gồm núi Sập, núi Bà, núi Cậu và núi Nhỏ nằm ở huyện Thoại Sơn. Núi vốn dĩ có hình dáng như một con thỏ khổng lồ nằm bên những đồng lúa xanh ngút ngàn. Nhưng qua thời gian, hình dạng ngọn núi đã bị biến đổi thành những khối, khuôn màu kì lạ, tạo nên một không gian núi non huyền bí.
Mặc dù ngọn núi này không quá cao, nhưng lại được những tán cây rừng bao phủ, giúp núi Sập giữ được vẻ hoang sơ đến tận bây giờ.
4. Núi Sam
Ảnh: Internet
Nhìn từ xa, ngọn núi này có hình dáng như một con sam đen khổng lồ bám trên cánh đồng xanh mênh mông. Theo truyền thuyết, thời xa xưa, nơi này vốn dĩ là một hòn đảo nằm giữa biển và có rất nhiều sam sinh sống nên được gọi là núi con Sam.
Với chiều cao khoảng 241m và diện tích khoảng 280ha, vượt qua con đường dốc thoai thoải, rợp bóng cây để lên tới đỉnh núi, bạn sẽ có thể thu vào tầm mắt khung cảnh tuyệt đẹp và thơ mộng của những ngôi nhà dựng dọc bờ kênh trong lành của thị xã Châu Đốc.
Tuy nhiên, điều đặc biệt nhất ở núi Sam là pho tượng Bà Chúa Xứ nằm trong một ngôi miếu ở núi này. Đây là một pho tượng rất nổi tiếng, hàng năm có đông đảo du khách hành hương đến viếng thăm nhưng không ai xác định được lai lịch cũng như nguồn gốc của pho tượng này.
Các sử liệu cho hay tượng Bà Chúa Xứ đã ngự tại núi Sam từ cách đây rất lâu. Pho tượng này có thể là sản phẩm của nền văn hóa Óc Eo từ thế kỉ thứ I đến thế kỉ VII sau công nguyên hoặc thậm chí còn lâu đời hơn nữa.