Trong kỷ nguyên hội nhập, đây chính là yếu tố quan trọng quyết định sự tồn tại của mỗi DN. Giáo sư Park Jung Soo, Phó chủ tịch HĐQT Trường KAIST (Hàn Quốc), nguyên cố vấn sáng tạo của Tập đoàn Samsung, đã có những chia sẻ rất hữu ích về vấn đề này.
Nếu nói về những DN sáng tạo nổi bật, dường như tất cả sẽ nghĩ đến đầu tiên là Apple. Có thể so sánh giữa DN tiên phong sáng tạo (Innovation Pioneer) với DN dẫn đầu thị trường (Market Leader). Những cái tên tiên phong như Bendix (máy giặt), MITS (máy tính), RCA (TV màu), Pieper (ôtô), Saerom (Dialpad) (VoIP), Saehan (máy nghe nhạc), Cyworld (mạng xã hội), Blackberry (điện thoại thông minh)… hầu hết đều đã biến mất hoặc trở nên mờ nhạt. Liệu có phải người “ra thị trường đầu tiên, sẽ thất bại đầu tiên”? Những ví dụ này cho thấy một thông điệp rõ ràng rằng: sáng tạo và quản trị sáng tạo đóng vai trò quan trọng.
Sáng tạo là gì?
Sáng tạo, đó không nhất thiết phải là tạo ra vật mới, mà là làm một điều gì đó theo cách mới. Đó là sự thay đổi nhưng phải tạo ra giá trị, khác với những thay đổi vô nghĩa. Nó thường bắt đầu từ một ý tưởng bất ngờ, vô tình, nhiều khi chỉ là do may mắn. Nó cũng cần môi trường bổ trợ để thành công. Về cơ bản, động lực của sáng tạo, đó là để “sống sót”, nhưng muốn quá trình đó bền vững, phải có chiến lược và quản trị sự sáng tạo.
Có thể coi sáng tạo bao gồm 2 thành tố, phát minh và khai thác. Đây là chìa khóa cho những sản phẩm thành công, và cũng là chìa khóa của sự tồn tại. Sự mô phỏng, bắt chước trong sáng tạo không phải là xấu. Đó chính là khởi nguồn của sáng tạo. Giống như một đứa trẻ, việc đầu tiên nó làm là bắt chước, sau đó mới học hỏi và chủ động tạo ra những hoạt động nó muốn, bắt chước do đó nằm trong phần bản năng của loài người.
Nhìn rộng hơn, chuyển giao chính là bắt chước, ai đó sáng tạo ra điều gì đó mới mẻ, sau đó chuyển giao cho nhiều người và chúng được lan tỏa toàn thế giới. Bí quyết ở chỗ, những người đi sau đã rất tài tình trong việc tạo thêm giá trị gia tăng cho một ý tưởng cũ để tạo ra một thứ mới, chất lượng hơn.
Những DN hàng đầu châu Á đã làm gì?
Thế kỷ 21 được coi là thế kỷ của châu Á. Đây đang là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Nhiều DN châu Á từ vai trò các DN “theo đuôi”, đã trở thành những tập đoàn dẫn đầu thế giới. Trong số các DN thuộc Top 500 Fortune, có đến 1/3 số DN đến từ châu Á, hầu hết là từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Do đó, chúng ta sẽ phân tích 3 ví dụ về Toyota (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc) và Lenovo (Trung Quốc).
Bí quyết thành công của Toyota nằm ở hệ thống sản xuất (TPS) cực kỳ hiệu quả, bao gồm 2 cấu phần: sản xuất tức thời (lấy ý tưởng từ hệ thống siêu thị của Mỹ, ngay khi một sản phẩm trên kệ được mua, nó được lấp đầy trên kệ ngay lập tức) và tự động hóa. Điều này giúp giảm thiểu sự lãng phí và tạo ra hiệu quả vô cùng lớn với DN. Nhiều DN cố gắng bắt chước chiến lược sáng tạo của Toyota nhưng đều không thành công. “Nhân tố bí ẩn” ở đây chính là hệ thống phần mềm, cho phép vận hành các thông số kỹ thuật chính xác cực độ. Chẳng hạn, hệ thống sản xuất yêu cầu một nguyên liệu đầu vào nào đó và được đáp ứng ngay lập tức, tính bằng giây (7 giây).
Với Samsung, họ có rất nhiều ý tưởng sáng tạo và bí quyết nằm ở chỗ, chúng được tạo ra cực nhanh. Các sản phẩm mới liên tục được đưa ra, số lượng tính bằng công thức mũ. Kết quả là giá cả của các sản phẩm rơi rất nhanh, nhưng lợi nhuận của Samsung thu được cũng rất lớn. Hãy quan sát sự vận hành của máy cắt cỏ để dễ tưởng tượng điều này. Cùng sử dụng một loại máy, người đầu tiên bao giờ cũng cắt được nhiều cỏ nhất. Bởi vậy, trong kinh doanh, chúng ta phải là người đầu tiên mới gặt hái được lợi nhuận nhiều nhất. Trong chiến lược sáng tạo của Samsung, họ làm chủ được tốc độ và người chủ tịch tập đoàn luôn tạo ra áp lực rằng, chúng ta phải nhanh.
Còn Lenovo, nhà sản xuất máy tính nổi tiếng hàng đầu Trung Quốc, lại sáng tạo trong các thương vụ M&A. Họ đã tạo ra thương vụ mua bán sáp nhập nổi đình đám khi mua lại IBM và khai thác nó rất thành công. Cái tài ở chỗ, Tập đoàn này đã cân bằng, hài hòa được giữa nền văn hóa phương Tây và phương Đông trong một công ty đa quốc gia.
Mô hình nào phù hợp cho DN Việt?
Câu chuyện của những tập đoàn trên đặt ra một câu hỏi rằng, liệu có DN nào có thể bắt chước, hay lặp lại một cách thành công những sách tạo của Toyota, Samsung hay Lenovo không? Có thể có, nhưng theo Giáo sư Park Jung Soo, sẽ rất khó. Bởi khó có mô hình nào tạo ra sự chính xác đến từng giây, nhưng lại có tốc độ thay đổi cực nhanh. Người Nhật Bản có thể tạo ra những hệ thống cực kỳ chính xác và nổi tiếng về tính kiên nhẫn, nhưng người Hàn Quốc thì không. Họ thiên về sự táo bạo, quy mô lớn, tốc độ và hiếu thắng.
“Có người hỏi tôi rằng, đâu là mô hình phù hợp cho DN Việt Nam?”. Giáo sư cho biết, câu trả lời là không. Mỗi DN nên có một chiến lược sáng tạo phù hợp với mình, với văn hóa DN mình và văn hóa của đất nước họ.