Khám chữa bệnh: Bao giờ hết cảnh xếp hàng, lấy số?

0:00 / 0:00
0:00
Đề án Đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến mà ngành y tế đang triển khai kỳ vọng sẽ đặt dấu chấm hết cho cảnh xếp hàng từ nửa đêm, gần sáng để lấy số khám chữa bệnh.
Khám chữa bệnh: Bao giờ hết cảnh xếp hàng, lấy số?

Nắng hạn gặp mưa

PGS-TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho hay, hoạt động đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến sẽ được sử dụng tại tất cả cơ sở khám, chữa bệnh, áp dụng với tất cả đối tượng người bệnh bảo hiểm y tế, khám dịch vụ theo yêu cầu, giúp người dân chủ động được lịch khám, chữa bệnh, không còn cảnh xếp hàng đợi chờ trong mỏi mệt.

Khi đặt lịch khám bệnh trực tuyến (gọi điện thoại tới tổng đài, đặt qua website, app, kiosk của bệnh viện...), người bệnh có thể chủ động chọn giờ và bác sĩ khám; thanh toán viện phí không dùng tiền mặt; được tạm ứng trước, rút ngắn thời gian so với quy trình hiện tại.

Tuy nhiên, để thực hiện tốt điều này, các bệnh viện phải chủ động xây dựng kế hoạch nhân lực chuyên môn, cơ sở vật chất, trang thiết bị khám chữa bệnh, công nghệ thông tin để phục vụ người bệnh tốt hơn.

Đặt ra yêu cầu đẩy nhanh việc thực hiện Đề án Đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, từ ngày 1/7/2021, sẽ triển khai đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến cho bệnh nhân ngoại trú. Để triển khai hiệu quả, giảm tải cho người bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu, khi thiết kế hệ thống, phải làm sao để người dân chỉ cần nhập số sổ bảo hiểm y tế vào hệ thống đặt lịch, lập tức hệ thống sẽ chuyển về nơi quản lý sổ bảo hiểm y tế đó, rồi hẹn giờ đến khám…

Khi tiếp nhận bệnh nhân, bác sĩ chỉ cần mở phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử và quản lý bệnh viện là có tất cả hồ sơ sức khỏe của bệnh nhân (đã đăng ký).

Bộ trưởng cho biết, Bộ sẽ lựa chọn một số địa phương, cơ sở khám chữa bệnh để thí điểm hệ thống này, sau đó sẽ đánh giá cụ thể trước khi nhân rộng trên toàn quốc.

Còn nhiều trở ngại

Dù mục đích mà Đề án đưa ra là lý tưởng với bệnh nhân và nhân viên y tế, song theo lãnh đạo một số cơ sở y tế, không dễ để triển khai, do còn những bất cập cố hữu, như người dân vẫn chưa quan tâm nhiều đến việc đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến và việc triển khai tại nhiều bệnh viện còn khá “manh mún”, chưa hiệu quả.

Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh thừa nhận, hiện nay, mỗi đơn vị đã triển khai bước đầu dịch vụ đặt lịch khám bệnh trực tuyến lại có một nhà cung ứng dịch vụ khác nhau, hồ sơ không được chia sẻ giữa các bệnh viện; nền tảng không được sử dụng chung, khiến hiệu quả đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến chưa cao.

Để khắc phục hạn chế đó, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế phải quyết liệt hơn nữa. Nếu tiếp tục để tình trạng “trăm hoa đua nở” như hiện nay, thì dữ liệu y tế không thể liên thông và đồng bộ. Khi dữ liệu được đồng bộ và quản lý tập trung, thì việc áp dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn sẽ thuận lợi hơn, đáp ứng được tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, tiến tới bệnh viện không sử dụng bệnh án giấy.

Còn theo lãnh đạo các bệnh viện và chuyên gia công nghệ, để việc đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến phát huy hiệu quả, còn nhiều việc phải làm, từ giải pháp kỹ thuật (vừa thuận tiện, dễ sử dụng, vừa bảo mật được thông tin), đến việc truyền thông giúp người dân hiểu và thực hiện.

Tin bài liên quan