Sử dụng năng lượng xanh đang là một xu hướng. Ảnh: Đức Thanh

Sử dụng năng lượng xanh đang là một xu hướng. Ảnh: Đức Thanh

Khai thác điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Trước xu thế phát triển và nhu cầu của nhà đầu tư về nguồn năng lượng xanh, nhiều chủ đầu tư khai thác lợi thế sẵn có từ các khu công nghiệp đang hoạt động để phát triển nguồn năng lượng tái tạo, qua đó tăng khả năng cạnh tranh và thu hút khách hàng.

Nhu cầu điện năng và xu hướng sử dụng năng lượng xanh

Các nước nhập khẩu ngày càng yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu phải chứng minh quy trình xanh hóa trong sản xuất, giảm tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội. Theo đó, tại các khu công nghiệp, hướng đến tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp), sử dụng năng lượng xanh, đang là xu hướng.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Agriseco, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới vào khu công nghiệp dự kiến tiếp tục tăng trưởng khả quan dựa trên một số căn cứ.

Thứ nhất, sự phục hồi dòng vốn các đối tác truyền thống như Hàn Quốc, Singapore nhờ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 cải thiện.

Thứ hai, xu hướng dịch chuyển dòng vốn từ Trung Quốc sang các quốc gia lân cận vẫn đang diễn ra.

Thứ ba, làn sóng FDI “thế hệ mới” (công nghệ cao, xe điện, năng lượng tái tạo, chất bán dẫn) nổi lên như một xu hướng toàn cầu. Trong đó, Việt Nam là một trong những điểm đến phù hợp nhờ việc tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA); nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ, Nhật, Australia, Hàn Quốc; các chính sách cam kết đầu Net Zero; cơ chế chính sách thu hút vốn vào lĩnh vực mới. Việt Nam tiếp tục giữ vị trí thứ 3 về thu hút vốn FDI nhiều nhất trong khối ASEAN.

Hiện tại, hàng loạt tập đoàn lớn Samsung, LG, Foxconn, Amkorm, Intel, NVIDIA… tiếp tục mở rộng đầu tư, cam kết mở rộng cơ sở sản xuất tại Việt Nam trong thời gian tới, tập trung ở các lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), điện tử…

Ngày 30/11/2023, Bộ Công thương đã phê duyệt Kế hoạch Cung cấp điện và Vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024 tại Quyết định số 3310/QĐ-BCT. Theo đó, tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện (tại đầu cực máy phát) và nhập khẩu của toàn quốc năm 2024 là 306,26 tỷ kWh, trong đó, mùa khô là 148,49 tỷ kWh và mùa mưa là 157,77 tỷ kWh. Mức tăng được kỳ vọng từ sự trở lại của các ngành công nghiệp chế biến, sản xuất.

Trong khi khâu phát điện vẫn đang đối mặt với những rủi ro về huy động sản lượng, các doanh nghiệp xây lắp, bao gồm xây lắp dự án truyền tải và nhà máy điện, sẽ có triển vọng chắc chắn hơn từ năm 2024, bởi hoạt động xây lắp các dự án truyền tải là cần thiết trong bối cảnh hệ thống điện chưa đáp ứng được tỷ trọng công suất cao của năng lượng tái tạo, cùng với nhu cầu cấp bách tăng cường cung ứng điện cho miền Bắc.

Theo dự báo của các chuyên gia, với tốc độ tăng trưởng nhanh trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, việc cung ứng điện cho doanh nghiệp sẽ luôn gặp khó khăn nếu Việt Nam không tận dụng các nguồn năng lượng khác, đặc biệt là năng lượng tái tạo. Trong đó, sử dụng năng lượng xanh từ hệ thống điện mặt trời mái nhà đang là một lựa chọn không thể thiếu đối với doanh nghiệp.

Tự chủ về nguồn điện trong khu công nghiệp

Chiến lược phát triển khu vực công nghiệp được coi là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, với tham vọng trở thành trung tâm công nghiệp hàng đầu trong các nền kinh tế ASEAN.

Thông tin từ Tổng công ty IDICO, mảng năng lượng đã và đang đóng góp lớn về doanh thu cho IDICO và đây là một lĩnh vực vô cùng quan trọng. Đặc biệt, trong bối cảnh ngành điện đang rất “nóng” và có nhiều biến chuyển quan trọng theo hướng cải tiến không chỉ về công nghệ kỹ thuật, hạ tầng, mà còn về mô hình kinh tế điện, hướng tới thị trường bán buôn cạnh tranh và chú trọng năng lượng tái tạo.

Với định hướng tự chủ về nguồn điện trong khu công nghiệp, IDICO tiếp tục thực hiện đầu tư xây dựng các trạm biến áp cùng hệ thống lưới điện 22 kV để phân phối, kinh doanh điện năng đáp ứng nhu cầu sử dụng điện phục vụ sản xuất của các nhà đầu tư trong Khu công nghiệp IDICO và các khu công nghiệp lân cận. Trong đó, các trạm biến áp 110/22 kV Tuy Hạ và Nhơn Trạch 5 đã vận hành và IDICO đang tiếp tục đầu tư trạm biến áp tại Khu công nghiệp Hựu Thạnh.

Để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư và xu thế phát triển nguồn năng lượng xanh, khai thác lợi thế sẵn có từ các khu công nghiệp đang hoạt động, Công ty cổ phần IDERGY (Tổng công ty IDICO sở hữu 99,99%) được thành lập vào tháng 9/2022.

Mục tiêu tới năm 2026, IDERGY sẽ phát triển được 100 - 120 MWp điện mặt trời mái nhà trong các khu công nghiệp của IDICO, đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng sạch của các nhà máy trong khu công nghiệp và phù hợp với định hướng phát triển bền vững của Tổng công ty.

Cuối năm 2023, IDICO đã hợp tác với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đưa ra các giải pháp phát triển năng lượng xanh trong các khu công nghiệp.

IDICO kỳ vọng, trong năm 2024, sẽ hoàn thành tối thiểu 30 MWp điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp.

Cần cơ chế rõ ràng cho điện mặt trời mái nhà

Sử dụng năng lượng xanh từ hệ thống điện mặt trời mái nhà đang là một lựa chọn không thể thiếu đối với doanh nghiệp.

Thông tin từ Diễn đàn Điện mặt trời cho khu công nghiệp, đại diện Khu công nghiệp Deep C cho biết, Quyết định 13/2020/QĐ-TTg và Thông tư 18/2020/TT-BCT đều cho phép các đơn vị đầu tư điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại công trình xây dựng và giá mua bán cũng như hợp đồng mua bán điện được phép do bên mua và bên bán tự thỏa thuận.

Tuy nhiên, quy mô điện mặt trời mái nhà bị giới hạn trong phạm vi 1 MW hoặc 1,25 MWp, nên không phát huy được hết tiềm năng mái nhà, hoặc phải phân tách quy mô đầu tư, dẫn đến phát sinh thủ tục hành chính và chi phí đầu tư.

Trường hợp khác, ngành dệt may có rất nhiều doanh nghiệp nằm trong khu công nghiệp (trên 1.200 doanh nghiệp, với 610.000 lao động). Hiện tại, khoảng 30 - 50% doanh nghiệp đã lắp đặt điện mặt trời mái nhà. Tuy nhiên, các đơn vị lắp đặt gặp một số khó khăn như điều kiện thời tiết, cơ chế về điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp và khu công nghiệp chưa rõ ràng, doanh nghiệp lúng túng vì chưa được đưa vào đối tượng và phạm vi điều chỉnh...

Hiện chưa có khung pháp lý cho phát triển và điều tiết điện mặt trời mái nhà. Quyết định 262/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII mới chỉ tập trung phát triển nguồn điện gió, năng lượng mới. Điện mặt trời mái nhà đến năm 2030 chỉ theo hình thức tự sản tự tiêu. Do đó, các cơ quan chức năng cần đưa ra những quy định dưới luật để giải thích rõ cho doanh nghiệp triển khai thực hiện.

Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam lần thứ 4 năm 2024

Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam lần thứ 4 năm 2024 do Báo Đầu tư tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và sự phối hợp của Liên chi hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam (VIREA), sẽ diễn ra tại Khách sạn Mai House Saigon, TP.HCM vào thứ Ba (30/7/2024).

Với chủ đề “Xanh hóa đón sóng đầu tư mới”, Diễn đàn sẽ tập trung đánh giá triển vọng và những thách thức mới đối với thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam; thảo luận chuyên sâu các vấn đề liên quan chuyển đổi xanh trong các khu công nghiệp (KCN), hướng tới xây dựng các KCN xanh, KCN sinh thái để thu hút các dự án đầu tư mới, nhất là những dự án công nghệ cao, quy mô lớn từ các tập đoàn toàn cầu.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, Báo Đầu tư cũng sẽ phối hợp với VIREA tổ chức Cuộc bình chọn “Vì tương lai xanh” (VIPF Green Future Awards). Việc bình chọn nhằm cổ vũ, vinh danh những chủ đầu tư có chiến lược phát triển các KCN sinh thái, KCN xanh, cũng như các nhà đầu tư thứ cấp thuê đất trong các KCN có chiến lược phát triển xanh, sử dụng năng lượng sạch, hạ tầng cơ sở bền vững, quản lý nguồn nước thông minh và tài nguyên trong hệ sinh thái, góp phần thúc đẩy xu hướng phát triển bền vững. Hạn chót nhận hồ sơ đăng ký là 10/7/2024.

Thông tin chi tiết về Diễn đàn và Cuộc bình chọn, vui lòng xem tại địa chỉ: https://vipf.vir.com.vn/

Tin bài liên quan