Với lợi thế về độ mở lớn của nền kinh tế, Việt Nam là một trong 30 nước xuất nhập khẩu hàng đầu thế giới. Ảnh: Đ.T
Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang Tây Á
Bộ Công thương vừa công bố, Việt Nam kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Israel (VIFTA), sau 7 năm đàm phán. VIFTA là hiệp định chất lượng cao và toàn diện, góp phần tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại song phương thông qua xóa bỏ thuế quan đối với hàng hóa, cắt giảm các hàng rào phi thuế quan, thúc đẩy thương mại dịch vụ và đầu tư.
Ngoài hệ thống 15 FTA đang thực thi, tới đây, khi FTA song phương với Israel được ký kết và đi vào thực thi, xuất khẩu hàng hóa sang khu vực thị trường Tây Á có triển vọng tăng trưởng tốt hơn.
Nhìn rộng ra, xuất khẩu hàng hóa có dư địa tăng trưởng đồng đều hơn ở khắp các khu vực thị trường, tiến tới đa dạng hóa, giảm phụ thuộc quá lớn vào một vài thị trường.
Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, Việt Nam đã có thêm hàng loạt hiệp định thương mại tự do, “cầu nối” cho thương mại ở cả chiều xuất và nhập khẩu. Mới nhất, năm 2022, Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực. Trước đó là FTA song phương với EU, với Vương quốc Anh, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Giai đoạn này, hầu hết là các FTA thế hệ mới với các khu vực thị trường quan trọng như EU, Canada, Mexico, Trung Quốc…
Đến nay, Việt Nam đã có FTA với hơn 60 nền kinh tế trên toàn cầu.
Với cơ cấu kinh tế có tính bổ trợ lẫn nhau và kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều đang tăng trưởng mạnh mẽ, Việt Nam và Israel sẽ đạt được nhiều lợi ích hơn nữa khi các ưu đãi và lợi thế từ VIFTA được tận dụng hiệu quả.
Theo nhận định của Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công thương), với FTA này, các doanh nghiệp
Israel sẽ quan tâm nhiều hơn đến thị trường Việt Nam. Trong đó, thương mại có khả năng khai thác tiềm năng để tăng xuất nhập khẩu các nhóm hàng có lợi thể.
Việc có thêm FTA cũng đồng thời là “bệ phóng” để các doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng các thị trường mới, thị trường ngách, thị trường ở xa, bên cạnh những thị trường truyền thống đang được khai thác tốt như Mỹ, EU, Nhật Bản, Australia…
Doanh nghiệp cần nhanh chân hơn
Các hiệp định thương mại tự do đang có với các đối tác thị trường châu Âu, châu Mỹ, ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và tới đây là với Israel... tiếp tục tác động tích cực đến thương mại, đầu tư, đặc biệt là xuất khẩu của Việt Nam.
Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên
Với lợi thế về độ mở của nền kinh tế lớn, đàm phán và ký kết FTA với nhiều quốc gia, Việt Nam đã lọt vào Top 30 nước xuất nhập khẩu lớn toàn cầu trong những năm gần đây, tăng trưởng vượt bậc trong ASEAN. Năm 2021, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam xếp thứ 23 trên thế giới, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa xếp vị trí thứ 20 trên thế giới.
Xuất khẩu đã được tăng tốc mạnh mẽ, một phần đến từ sự hỗ trợ của các FTA này, giúp mở cửa thị trường, thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài thông qua cam kết cắt giảm thuế quan.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lần đầu tiên đạt mốc 100 tỷ USD vào năm 2007, đạt 200 tỷ USD vào năm 2011 và đến cuối năm 2022 vượt 730 tỷ USD, trong đó xuất khẩu gần 371 tỷ USD.
Loạt FTA thế hệ mới có tiêu chuẩn cao, kết nối với các thị trường EU, CPTPP, Australia, Nhật Bản… với nhiều điều kiện kèm theo buộc các doanh nghiệp phải đáp ứng, như quy định về chất lượng sản phẩm, nguồn nguyên liệu, nhà máy chế biến...
Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho hay, xuất khẩu của ngành công nghiệp điện tử đạt gần 115 tỷ USD, dẫn đầu trong các ngành chế biến - chế tạo và xuất siêu sang các thị trường mục tiêu của CPTPP như Canada, Mexico, Peru…
Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho biết, các hiệp định thương mại tự do mới đem lại sức sống và nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp.
“Xét một cách toàn diện, thì các FTA, trong đó có CPTPP... đã đem lại lợi thế thuế quan 10-20% cho hàng hóa của Việt Nam đối với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp trong khu vực, tạo ra lợi thế cạnh tranh đáng kể cho doanh nghiệp Việt Nam”, ông Bùi Tuấn Hoàn, Trưởng phòng châu Mỹ (Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công thương) cho biết.
Nhưng lợi thế có nhiều FTA, được ưu đãi thuế quan của các ngành hàng, doanh nghiệp Việt đang bị giảm nhanh, khi nhiều đối thủ cạnh tranh không ngồi yên, mà đang chủ động, tích cực đàm phán các hiệp định thương mại tự do với các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam.
Do vậy, các ngành hàng, doanh nghiệp được khuyến cáo phải nhanh chân hơn để khai thác các FTA hiện có, tận dụng lợi thế của người đi trước một cách hiệu quả nhất, đặc biệt là các hiệp định EVFTA, CPTPP…