Khai phá dư địa mới cho tăng room

Khai phá dư địa mới cho tăng room

(ĐTCK) Trong khi các doanh nghiệp tư nhân trên sàn đang tỏ ra e ngại khi nới room cho nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại Nghị định 60/2015 hướng dẫn Luật Chứng khoán, ý kiến một số chuyên gia cho rằng, nhà nước nên đi tiên phong trong “nới room” để giúp nhà đầu tư trong và ngoài nước có cơ hội gia tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại các doanh nghiệp.

Khai phá dư địa mới

Giới chuyên gia nhìn nhận, việc tháo gỡ vướng mắc trong áp dụng cơ chế nới room như quy định tại Nghị định 60/2015 là điều không đơn giản, nên còn tốn nhiều thời gian. Bởi vậy, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, không nên quá trông đợi vào diễn biến này để cải thiện khả năng thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam, thay vào đó nên tìm cách khác.

Một trong những cách khác, theo góc nhìn của ông Nghĩa, là cần chấm dứt tình trạng cổ phần hóa ì ạch, khi nửa đầu năm nay, cả nước chỉ cổ phần hóa được 6/45 doanh nghiệp trong kế hoạch. Từ đó sớm đưa ra thị trường nhiều doanh nghiệp mới có chất lượng nhằm đáp ứng mong đợi của không chỉ nhà đầu tư trong nước mà cả nước ngoài, nhất là trong bối cảnh khối ngoại đang có cái nhìn khá tích cực về triển vọng khả quan của nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam.

“Cổ phần hóa nhanh là điều kiện cần để thu hút dòng vốn từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước, nhưng điều kiện đủ là phải đảm bảo tính minh bạch cao trong quá trình gắn chặt hoạt động chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) với niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán”, TS. Đỗ Đức Minh, Bộ Tài chính khuyến nghị.

Ông Nghĩa nhìn nhận, còn một dư địa nữa để tăng room cho nhà đầu tư trong và ngoài nước mua cổ phần, đó là thúc đẩy các doanh nghiệp đã IPO sớm lên sàn chứng khoán, mà trước mắt là với 730 doanh nghiệp như Văn phòng Chính phủ vừa công bố. Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra chậm, thì không chỉ không mở ra cơ hội cho giới đầu tư rót vốn vào chính những doanh nghiệp này, mà còn ảnh hưởng đến niềm tin của họ vào các đợt IPO sắp tới.

Đảo ngược tỷ lệ 8% và 92%

Quá trình thoái vốn, được ví là “cổ phần hóa vòng 2” ở các doanh nghiệp đã cổ phần hóa và niêm yết, đang diễn ra chậm. Theo cập nhật của Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, 6 tháng đầu năm nay, cả nước chỉ thực hiện bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ ở 22 doanh nghiệp, với tổng giá trị theo sổ sách là 666,8 tỷ đồng, bằng 76,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sự chậm trễ trong thoái vốn như trên dẫn đến kéo dài tình trạng cổ đông nhà nước nắm giữ cổ phần gần như tuyệt đối tại nhiều doanh nghiệp, khiến cổ đông bên ngoài không có cơ hội mua thêm cổ phần. Điều này dẫn đến hiện tượng “cạn room” ở một số doanh nghiệp trên sàn.

Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2011 - 2015, theo Bộ Tài chính, trong tổng số 508 doanh nghiệp đã cổ phần hóa, chỉ bán được 8% cổ phần ra đại chúng, 92% cổ phần còn lại vẫn do Nhà nước nắm giữ, trong đó có nhiều doanh nghiệp đang niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Bởi vậy, theo ông Nghĩa, nhà nước cần khẩn trương bán hết vốn, hoặc giảm về mức sở hữu không chi phối ở những doanh nghiệp không nằm trong danh mục nhà nước cần nắm giữ nhằm đảo ngược tỷ lệ hiện hành theo hướng: 92% cổ phần do nhà đầu tư ngoài nhà nước nắm, còn lại 8% do cổ đông nhà nước sở hữu.

Một khi điều này được thực hiện triệt để trên phạm vi lớn sẽ giải quyết một phần tình trạng “cạn room” hiện tại trên thị trường chứng khoán, đồng thời tạo ra sức hấp dẫn thu hút các dòng vốn trong và ngoài nước đầu tư vào những doanh nghiệp có hiệu quả làm ăn tốt, quản trị minh bạch, có triển vọng phát triển tích cực…

Giới chuyên gia và nhà đầu tư kỳ vọng, việc Quốc hội đang tiến hành các bước để giám sát chuyên đề: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2016” sẽ không chỉ quy rõ trách nhiệm cho các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc tại sao chỉ có 8% cổ phần được bán ra đại chúng, dẫn đến chậm đổi mới chất lượng hoạt động của doanh nghiệp, làm giảm cơ hội đầu tư của các đối tượng ngoài nhà nước vào doanh nghiệp, mà còn đề ra giải pháp mạnh và khả thi để khẩn trương tiến hành “cổ phần hóa vòng 2”, qua đó giảm nhanh tỷ lệ cổ phần nhà nước nắm giữ thông qua sang nhượng cho các đối tượng đầu tư tư nhân trong và ngoài nước.           

Tin bài liên quan