Hệ thống thanh toán toàn diện và đáng tin cậy sẽ giúp khai mở tiềm năng kinh tế số ASEAN

Hệ thống thanh toán toàn diện và đáng tin cậy sẽ giúp khai mở tiềm năng kinh tế số ASEAN

Khai mở tiềm năng kinh tế số

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp dụng thanh toán số là chìa khóa giúp khai mở tiềm năng nền kinh tế số của ASEAN thông qua tăng hiệu quả, năng suất, giảm chi phí và thúc đẩy hội nhập kinh tế trong khu vực.

Cuộc cách mạng thanh toán số

Sau đại dịch Covid-19, khu vực ASEAN cũng như nhiều khu vực khác trên thế giới có sự gia tăng đáng kể trong việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số. Theo báo cáo gần đây về kinh tế số khu vực Đông Nam Á mang tên “e-Conomy SEA” được thực hiện bởi nhóm công ty bao gồm Google, Temasek và Bain & Company, tổng giá trị nền kinh tế số khu vực này đã vượt qua 200 tỷ USD vào năm 2022, cùng với việc sử dụng các ứng dụng số tiếp tục gia tăng sau đại dịch.

Thương mại điện tử, vận tải và thực phẩm, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và dịch vụ tài chính là những lĩnh vực chủ chốt thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế số tại Đông Nam Á.

Một lĩnh vực đáng chú ý của chuyển đổi số trong lĩnh vực dịch vụ tài chính tại ASEAN là sự trỗi dậy của cuộc cách mạng thanh toán số. Sự gia tăng của các giao dịch trực tuyến trong thương mại điện tử, cùng với sự hạn chế tương tác vật lý trong thời kỳ đại dịch, đã dẫn đến việc bùng nổ trong thanh toán số, với tổng giá trị giao dịch vượt 800 tỷ USD vào năm 2022.

Sự chuyển đổi của hành vi tiêu dùng từ ngoại tuyến sang trực tuyến đã thúc đẩy người dùng và các nền tảng Fintech (công nghệ tài chính) - bao gồm ngân hàng số (digibank), ngân hàng truyền thống và các công ty bảo hiểm - số hóa rộng rãi các dịch vụ của mình nhằm bắt kịp với các xu hướng phát triển.

Khu vực ASEAN chứng kiến sự gia tăng đáng kể trong việc áp dụng thanh toán số thông qua việc sử dụng ví di động, thẻ tín dụng ảo, chuyển khoản qua ngân hàng. Theo báo cáo năm 2021 của Bloomberg, khu vực ASEAN có thị trường ví di động phát triển nhanh nhất trên toàn cầu. Sự tăng trưởng của thương mại xuyên biên giới trong thập kỷ qua đã thúc đẩy việc áp dụng thanh toán số. Theo truyền thống, các giao dịch xuyên biên giới thường có chi phí cao và thời gian xử lý kéo dài. Tuy nhiên, việc thanh toán số đã trở thành một giải pháp tiện lợi và hiệu quả giúp vượt qua những trở ngại này.

Cơ sở hạ tầng số mạnh mẽ là chìa khóa

Bà Ivana Markus và bà Livia Feliciani Nazara là nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA).

Bà Ivana gia nhập ERIA vào tháng 1/2022. Trước đó, bà Ivana là thành viên nhóm chiến lược và lập kế hoạch tại Grab Indonesia, tham gia vào các dự án liên quan đến cơ sở hạ tầng ở Tây Indonesia. Bà Ivana có bằng cử nhân kinh tế của Đại học Indonesia, chuyên ngành Phát triển và Kinh tế lao động.

Bà Livia Feliciani Nazara gia nhập ERIA vào tháng 12/2022. Bà Livia có bằng kép về kinh tế của Trường Kinh tế & Quản lý Tilburg, trực thuộc Đại học Tillburg và Đại học Indonesia.

Sự gia tăng của thanh toán số nhấn mạnh tầm quan trọng phải có cơ sở hạ tầng số mạnh mẽ. Việc sở hữu các mạng lưới hiện đại, phần cứng, phần mềm, trung tâm dữ liệu và kết nối băng thông rộng là những yếu tố cần thiết nhằm cung cấp dịch vụ kỹ thuật số liền mạch và thúc đẩy tăng trưởng thanh toán số trong ASEAN.

Cải thiện cơ sở hạ tầng số là yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế số tại ASEAN. Do đó, khu vực này cần ưu tiên và tăng cường nỗ lực nhằm cải thiện khả năng tiếp cận và chi trả cho các kết nối dữ liệu cũng như thiết bị tương ứng trong toàn khu vực.

Thực tế, ASEAN đang thể hiện cam kết trong việc thiết lập các hoạt động quản trị dữ liệu hiệu quả trong nội tại khu vực. Các khuôn khổ pháp lý như Lộ trình Bandar Seri Begawan, Kế hoạch tổng thể số ASEAN 2025, Khung ASEAN về quản trị dữ liệu số và Khung hội nhập số ASEAN đã nêu bật trọng tâm của khu vực là phát triển nền kinh tế số.

Tuy nhiên, hiện có sự khác biệt trong hành lang pháp lý quản trị dữ liệu giữa các quốc gia thành viên ASEAN. Do đó, việc phát triển khung quản trị dữ liệu thống nhất và tiêu chuẩn hóa áp dụng cho tất cả các quốc gia thành viên sẽ tạo điều kiện cho luồng dữ liệu xuyên biên giới giữa các quốc gia được thông suốt và an toàn, giúp giảm thiểu những khác biệt này.

Sự tăng trưởng của thanh toán số cũng nêu bật một số thách thức cả trong nội tại và giữa các quốc gia tại ASEAN. Chênh lệch về trình độ phát triển giữa các quốc gia thành viên, cũng như những lo ngại về quyền riêng tư và an ninh mạng là những trở ngại chính cho quá trình chuyển đổi số trong khu vực.

Ngoài ra, sự thành công của ngân hàng số và thanh toán số phụ thuộc vào việc giải quyết tình trạng một bộ phận dân số không có tài khoản ngân hàng.

Tỷ lệ dân số không sử dụng dịch vụ ngân hàng có sự khác nhau giữa 6 quốc gia ASEAN, trong đó Singapore có tỷ lệ dân số không sử dụng dịch vụ ngân hàng thấp nhất (12%) và Indonesia có dân số không sử dụng dịch vụ ngân hàng cao nhất (81%).

Hệ thống thanh toán tương thích điển hình

Một hệ thống thanh toán số toàn diện trên toàn ASEAN sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch tài chính và thúc đẩy hội nhập khu vực trong lĩnh vực tài chính.

Sự vượt trội của thanh toán điện tử đặt ra câu hỏi về khả năng tương thích việc trong sử dụng các hệ thống này tại ASEAN. Một hệ thống thanh toán số toàn diện trên toàn khu vực sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch tài chính và thúc đẩy hội nhập khu vực trong lĩnh vực tài chính.

Năm ngân hàng trung ương ASEAN, bao gồm Ngân hàng Trung ương Indonesia, Ngân hàng Negara Malaysia, Ngân hàng Philippines Bangko Sentral ng Pilipinas, Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore và Ngân hàng Thái Lan đã ký thỏa thuận về phát triển hệ thống thanh toán xuyên biên giới, nhằm thúc đẩy kết nối và khả năng tương tác giữa các quốc gia. Hơn nữa, một số ngân hàng trung ương tại ASEAN đã triển khai các hệ thống thanh toán xuyên biên giới song phương dựa trên mã QR, chẳng hạn các hệ thống giữa Indonesia và Thái Lan.

Để thúc đẩy việc thanh toán số, các quốc gia thành viên ASEAN cần giải quyết những thách thức hiện hữu.

Thứ nhất, cùng với việc thừa nhận tầm quan trọng của thanh toán số trong việc hỗ trợ sự liền mạch của thương mại số xuyên biên giới, các quốc gia ASEAN nên tiếp tục giải quyết các thách thức về khoảng cách số, bao gồm sự chênh lệch về khả năng phát triển số giữa các quốc gia, cũng như khoảng cách về chất lượng và cách sử dụng Internet.

Thứ hai, các quốc gia cần nâng cao kiến thức và kỹ năng số cho người dân thông qua hợp tác giữa chính phủ, khu vực tư nhân và các tổ chức giáo dục. Đồng thời, thúc đẩy tính toàn diện, sự đổi mới và khả năng thích ứng trong việc đón nhận các công nghệ số và quá trình chuyển đổi số. Bên cạnh đó, phát triển kỹ năng và hiểu biết về kỹ thuật số, đặc biệt là ở khu vực nông thôn hoặc vùng sâu, vùng xa. Việc này sẽ góp phần tạo ra một không gian số tốt hơn và toàn diện hơn trong khu vực ASEAN.

Thứ ba, đảm bảo luồng dữ liệu an toàn và miễn phí trong toàn khu vực. ASEAN cần xây dựng niềm tin số trong nội khối và đảm bảo triển khai các hệ thống thanh toán số có độ bảo mật cao nhằm ngăn ngừa rủi ro an ninh mạng và các vi phạm về dữ liệun

Tin bài liên quan