Phát biểu khai mạc Diễn đàn, theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, còn một phần tư thế kỷ nữa là chúng ta kỷ niệm 100 năm ngày độc lập (2/9/1945). Đây cũng là dấu mốc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi gắm thế hệ trẻ hoài bão về ngày dân tộc Việt Nam“bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu”.
Khát vọng cháy bỏng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng là ước mơ ngàn đời của dân tộc sẽ là kim chỉ Nam để toàn dân Việt Nam hướng tới Tầm nhìn Quốc gia 2045. “Việt Nam phải trở thành một quốc gia phồn vinh, hạnh phúc, gia nhập nhóm các quốc gia thu nhập cao, nơi người dân có cuộc sống hạnh phúc hàng đầu thế giới”.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận, sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng tự hào trong phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, cần thẳng thắn nhìn nhận sự tăng trưởng vừa qua chủ yếu vẫn dựa trên khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ và vốn đầu tư. Ngày nay, những lợi thế truyền thống này đang dần bị mai một và cạn kiệt, đặc biệt trong thời đại kỷ nguyên số và sự phát triển của khoa học, công nghệ.
Do vậy, nền kinh tế nước ta vẫn còn gặp không ít khó khăn, thách thức. Để có thể đưa đất nước phát triển bứt phá và nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Đảng và Nhà nước đã xác định phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng, trong đó phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam là nòng cốt.
“Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần dân tộc, giác ngộ chính trị, văn hóa kinh doanh, có trách nhiệm xã hội cao, có đủ năng lực, trình độ để lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp hoạt động có chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao, liên kết chặt chẽ, tham gia tích cực vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu; không ngừng phát triển, phấn đấu đến năm 2020 có một số doanh nghiệp, doanh nhân có thương hiệu đạt tầm cỡ khu vực Đông Nam Á”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Với những cải cách đổi mới mạnh mẽ trong chính sách phát triển doanh nghiệp của Đảng và Nhà nước, các doanh nghiệp Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ trong suốt 2 thập kỷ qua. Hiện cả nước có hơn 740.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó, gần 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hơn 5 triệu hộ kinh doanh.
Đại diện các doanh nghiệp tham dự tại Diễn đàn với khát vọng được cống hiến, được phục vụ đất nước và nhân dân
“Tháng trước, tại Diễn đàn thường niên về Cải cách và Phát triển lần thứ 2 năm 2019 (VRDF 2019) với chủ đề “Việt Nam: Khát vọng thịnh vượng – Ưu tiên và Hành động”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ về một Việt Nam không ngừng mơ ước và nhấn mạnh những quan điểm và hành động mạnh mẽ để biến ước mơ thành hiện thực. Trong đó, Thủ tướng cũng đã khẳng định cần phát triển khu vực tư nhân năng động, sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, động lực cho phát triển”, Phó Thủ tướng nhắc lại.
Tiếp nối tinh thần đó, tại Diễn đàn lần này, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế chính sách, trọng tâm là lĩnh vực kinh tế - xã hội, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng minh bạch, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân.
Diễn đàn thu hút đông đảo doanh nhân, doanh nghiệp tham dự.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp. Quyết liệt rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm hơn nữa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh; triển khai ứng dụng Chính phủ điện tử, cơ chế một cửa quốc gia và dịch vụ công trực tuyến.
Tăng cường công tác dự báo thị trường, nghiên cứu các tác động của kinh tế quốc tế và khu vực. Phát triển chuỗi giá trị và liên kết vùng nhằm phát huy tối đa lợi thế cạnh tranh, định hướng xuất khẩu. Tăng cường xuất khẩu hàng hóa Việt vào các thị trường EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… và mở rộng tìm kiếm các thị trường khác: Trung Đông, Châu Phi, Châu Mỹ La tinh…
Tăng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, cắt giảm chi phí đầu vào, chi phí không chính thức; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, công nghệ sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên; thúc đẩy khởi nghiệp, chú trọng khởi nghiệp sáng tạo.
Các doanh nghiệp, doanh nhân cũng cần tích cực, chủ động nâng cao hiệu quả hoạt động, mở rộng thương mại quốc tế, tận dụng tối đa các cơ hội từ các Hiệp định thương mại song phương/đa phương thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA và EVIPA),…
Nhiệm vụ và sứ mệnh của các doanh nghiệp, doanh nhân trong thời gian tới là hết sức nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang. Đảng và Nhà nước đã, đang và sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam tiếp tục phát triển và hội nhập thành công vào nền kinh tế thế giới.