Cụ thể, doanh nghiệp cho rằng, trữ lượng khoáng sản của hầu hết doanh nghiệp đều là “ảo”, không đúng với thực tế, nên nếu áp dụng công thức tính tiền dựa trên trữ lượng trong giấy phép “ảo”, thì quá sức với doanh nghiệp.
Đại diện Công ty TNHH Khai thác đá vôi trắng (Yên Bái), doanh nghiệp lớn nhất nước về khai thác trữ lượng đá vôi trắng cho biết, Công ty chỉ khai thác được khoảng 10% công suất thiết kế.
Ông Nguyễn Giang Hoài, Chủ tịch HĐQT Công ty Đá và Khoáng sản Phủ Quỳ (Nghệ An) cho rằng, với mức tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản áp dụng tại Nghị định 203/2013/NĐ-CP, tất cả doanh nghiệp khai thác đá của Nghệ An sẽ đứng trước nguy cơ phá sản.
Trong khi đó, theo ông Hà Văn Tần, Công ty cổ phần Prime Thiên Phú (Phong Điền, Thừa Thiên Huế), cùng một nhóm khoáng sản, nhưng mỗi nơi tính thuế tài nguyên một kiểu, đã dẫn đến việc cạnh tranh về giá không lành mạnh.
Dẫn chứng cho việc tính thuế ở mỗi nơi một khác, ông Tần đưa ra ví dụ về khai thác cát trắng để sản xuất gạch prime ở Thừa Thiên Huế, thuế môi trường được tính 320.000 đồng/m3, trong khi ở Khánh Hòa 150.000 đồng/m3. Đó là chưa cộng 3% tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo Luật Khoáng sản 2010, đơn giá sẽ đội thêm 10.000 đồng/m3.
Trong bối cảnh nhiều loại thuế, phí và mức áp dụng trên từng địa bàn khác nhau, cách tính thuế và trả thuế chưa thông thoáng, thì thời gian áp dụng Nghị định 203/2013/NĐ-CP cũng khiến nhiều doanh nghiệp băn khoăn khi doanh nghiệp đang ở thế bị động.
Theo Nghị định 203/2013/NĐ-CP, việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản áp dụng từ thời điểm Luật Khoáng sản sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2011 đến nay. Quy định này, theo một đại diện của Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, là khó khả thi, bởi với các doanh nghiệp nhà nước, việc truy thu tiền cấp quyền khai thác từ thời điểm đó còn dễ tính toán, nhưng với doanh nghiệp tư nhân góp vốn cổ phần, những khoản hạch toán trong năm 2011, 2012 đều đã hoàn tất. Thậm chí, tính từ thời điểm đó, một số doanh nghiệp tư nhân nhỏ đã giải thể.
Vị đại diện trên cũng cho biết, ngay cả với những doanh nghiệp có thể tính toán được, thì số tiền mỗi doanh nghiệp ít nhất cũng phải nộp hàng chục tỷ đồng, còn như Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, con số này lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Trước băn khoăn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (đơn vị chủ trì được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao xây dựng dự thảo nghị định) cho rằng, Dự thảo Nghị định 203/2013/NĐ-CP đã được nghiên cứu và đưa ra từ năm 2010, thực hiện theo đúng các quy trình, có lấy ý kiến của các cơ quan ban ngành, doanh nghiệp.
“Không thể nói doanh nghiệp không biết và đổ lỗi cho cơ quan quản lý. Về trữ lượng ‘ảo’, trong quá trình xin cấp phép khai thác, các doanh nghiệp tự quyết định chủ động về thăm dò, số liệu về trữ lượng. Thực tế, không ít doanh nghiệp chỉ quan tâm làm sao cho được cấp phép thật nhanh, không quan tâm trữ lượng thực tế bao nhiêu. Vì thế, dẫn đến trữ lượng ‘ảo’, trên giấy”, ông Thuấn nói và khẳng định, những bất hợp lý trong triển khai Nghị định 203/2013/NĐ-CP sẽ được tập hợp và báo cáo các cấp có thẩm quyền để điều chỉnh theo hướng khả thi nhất.