Khách Trung Quốc bắt đầu đến Việt Nam: Cơ hội với ngành du lịch

0:00 / 0:00
0:00
Kỳ vọng sớm phục hồi thị trường du lịch quốc tế lại đến với ngành du lịch khi từ hôm nay (15/3), Trung Quốc đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn đợt hai.
Khách Trung Quốc bắt đầu đến Việt Nam: Cơ hội với ngành du lịch

Nói vậy là bởi Trung Quốc luôn dẫn đầu các thị trường khách quốc tế đến Việt Nam. Minh chứng, riêng năm 2019, có khoảng 5,8 triệu lượt khách Trung Quốc, chiếm hơn 30% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam.

Việc Trung Quốc mở cửa du lịch với Việt Nam mang đến nhiều kỳ vọng, song cũng đòi hỏi ngành du lịch Việt Nam phải gấp rút triển khai những giải pháp mang tính đột phá để không bỏ lỡ cơ hội này.

Còn nhớ năm 2022, dù Việt Nam mở cửa toàn bộ hoạt động du lịch từ sớm, nhưng lại về sau trong khu vực Đông Nam Á và nằm trong nhóm quốc gia phục hồi chậm nhất về thu hút khách quốc tế. Đây là “bài học” lớn cho đợt đón du khách Trung Quốc lần này, cũng như nỗ lực phục hồi thị trường khách quốc tế năm 2023.

So sánh với Thái Lan, năm ngoái, Việt Nam chỉ thu hút được 3,5 triệu lượt khách quốc tế, thấp xa so với mục tiêu đề ra (5 triệu lượt khách), trong khi “xứ chùa vàng” lại sớm vượt mục tiêu đặt ra, với 11,8 triệu lượt khách, thu về 14 tỷ USD.

Thực tế cho thấy, từ đầu năm nay, lượng khách Trung Quốc đến Thái Lan rất lớn. Phó thủ tướng Thái Lan Anutin Charnvirakul cho biết, lý do chính khiến du khách Trung Quốc chọn Thái Lan là họ dễ dàng đi lại. Trong số 30 triệu lượt khách du lịch quốc tế mà Thái Lan mong đợi trong năm nay, dự kiến có khoảng 12 - 15 triệu lượt khách đến từ Trung Quốc. Con số này vượt xa so với mục tiêu thu hút khách du lịch quốc tế mà Việt Nam đề ra trong năm nay.

Nhiều doanh nghiệp lữ hành quốc tế của Việt Nam đã trong tâm thế sẵn sàng đón khách từ đất nước tỷ dân. Tuy vậy, để đón đầu tốt khách du lịch Trung Quốc, ngành du lịch cần xây dựng lộ trình phục hồi tổng thể thị trường quốc tế cho năm 2023, trong đó có kế hoạch riêng cho thị trường Trung Quốc.

Việc này đòi hỏi các bộ, ban, ngành phải cùng vào cuộc, trong đó, quan trọng là phải làm mới sản phẩm, dịch vụ, nâng cấp cơ sở lưu trú, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, đào tạo hệ thống nhân sự chất lượng. Đặc biệt, sau hơn 3 năm ảnh hưởng bởi Covid-19, nhu cầu, thói quen du lịch của thị trường này đã thay đổi rất nhiều. Do đó, cần khảo sát, tìm hiểu thói quen và hành vi của khách Trung Quốc để chào đón bằng sản phẩm phù hợp. Đặc biệt, cần có chiến lược xúc tiến du lịch mạnh mẽ hơn, tăng cường tiếp thị điểm đến cấp quốc gia, tiếp thị số, sử dụng mạng xã hội quen thuộc để mời gọi du khách Trung Quốc.

Doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể học hỏi Thái Lan về cách thức đón khách Trung Quốc. Trong đó có việc Hiệp hội Du lịch Thái Lan khuyến khích các doanh nghiệp chỉ nhận đón khách Trung Quốc có mức chi tiêu trên 1.000 USD/người. Bên cạnh đó, cần thiết phải lựa chọn nhà cung cấp và đối tác nước ngoài đạt chuẩn trong cung cấp nguồn khách du lịch, từ đó chuẩn bị lộ trình phù hợp.

Việt Nam cũng cần xem đây là cơ hội, tránh để những doanh nghiệp trong nước không đạt chuẩn đón khách, tránh phát sinh tour giá rẻ, tour 0 đồng, bởi Trung Quốc là thị trường lớn của du lịch Việt Nam, nhưng thực tế, chúng ta mới chỉ chạm nhẹ tới phân khúc cao cấp, chi tiêu cao.

Doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể thu hút lượng lớn khách du lịch Trung Quốc với các sản phẩm mới hơn như du lịch chăm sóc sức khỏe bằng phương pháp truyền thống, du lịch thể thao, du lịch hội nghị, hội thảo, hay tour chơi golf. Tin rằng, nếu có chiến lược bài bản, thì việc phục hồi thị trường Trung Quốc sẽ giúp ngành kinh tế xanh nhanh chóng đạt được mục tiêu thu hút 8 triệu lượt du khách quốc tế trong năm 2023.

Tin bài liên quan