Đã thành thông lệ, chợ hoa trên bến Bình Đông sẽ bắt đầu họp một tuần trước đêm giao thừa. Tuy nhiên, ghe thuyền từ miền Tây đã chở hoa về tập trung từ nhiều ngày trước đó. Những năm qua, đây là địa chỉ thu hút đông đảo người dân và cả du khách nhờ cảnh sinh hoạt trên bến dưới thuyền của thương lái cùng các hoạt động mua bán sôi nổi chỉ có mỗi năm một lần.
Đa số ghe thuyền ở đây đều đến từ các tỉnh miền Tây như Bến Tre, Đồng Tháp... Các mặt hàng chủ yếu là hoa, cây kiểng dùng để trang trí trong Tết.
Du khách Michalina đến từ Đức cho biết, cô đã rất hào hứng khi nhìn thấy nhiều chiếc thuyền chở đầy hoa ngay giữa lòng thành phố. “Tôi khá bất ngờ khi Sài Gòn có nhiều toà nhà cao tầng nhưng cũng lại có một nơi ấn tượng như thế này”, Michalina nói.
Có cùng cảm giác với Michalina, Yeliz Kayaalp đến từ Australia cũng chia sẻ: “Tôi vừa được biết sắp tới là năm mới của người Việt. Tôi thấy mình thật may mắn khi có mặt ở Sài Gòn những ngày này. Chợ hoa trên sông dịp Tết này rất đẹp và ấn tượng”.
Những chậu cây và hoa cảnh sẽ được vận chuyển lên lề đường. Khách tham quan có thể đi bộ dọc bến gần 2 km để lựa chọn. Tuy nhiên, có nhiều người đi đường thích vừa chạy xe vừa quan sát, ưng chỗ nào tấp lại chỗ đó, khiến cho giao thông trên tuyến đường hẹp dễ xảy ra ách tắc vào giờ cao điểm.
Gia đình anh Tuấn (Chợ Lách, Bến Tre) đã gắn bó với khu chợ này hơn 10 năm. Cứ mỗi năm, anh lại dong thuyền chở sản phẩm đến đây, bán đến 9 -10h đêm 30 Tết mới dọn về. Anh cho biết: “Các chậu mai, tắc (quất), hoa giấy, vạn thọ… năm nào cũng được nhiều người chuộng vì dễ bày. Nhà tôi chủ yếu bán mai chấn thuỷ và tắc. Giá cả tuỳ loại, chậu mai trồng từ một đến 2 năm có giá 1,5 - 1,7 triệu, tắc loại 300.000 - 500.000 đồng, tuỳ kích cỡ”. Ngoài ra, nhiều loại cây kiểng được trồng trong những bình nhỏ có giá mềm cỡ 50.000 -100.000 đồng một giỏ.
Cô Bảy cũng đến từ Bến Tre cho hay, cô bán ở bến Bình Đông từ năm 1998 đến năm nay là tròn 20 năm. Khi được hỏi vì sao lại gắn bó với bến thuyền này lâu như vậy, cô chia sẻ: “Cây kiểng cũng là nghề chính của gia đình ở dưới quê. Hồi đó vì mưu sinh mà lên đây bán, riết thành quen nên năm nào cũng lên”.
Không có tiếng kêu nhau í ới hay tiếng máy xuồng ành ạch như ở chợ nổi miền Tây, bến Bình Đông có một cách giao thương khác. Một phần các chậu hoa, cây kiểng sẽ được chủ ghe mang lên bờ để cho khách lựa chọn, bán khi nào hết họ lại mang lên tiếp. “Khách nào đến mua nhiều thì được xuống ghe mà lựa”, một tiểu thương cho hay.
Đây cũng là nơi thu hút nhiều người yêu nhiếp ảnh ở Sài Gòn. Dòng người mua sắm, tham quan tấp nập tạo nên không gian hoa trên bến dưới thuyền nhộn nhịp những ngày giáp Tết ở thành phố, tạo nguồn cảm hứng cho các nhiếp ảnh gia chuyên lẫn không chuyên.
Hiện sinh sống và làm việc tại Sài Gòn, Thanh Trúc cho biết: “Tuần sau mình phải về quê nên tranh thủ ghé tham quan, chụp ảnh. Mọi năm về quê sớm nên mình ít có dịp đến đây. Ở đây rất vui, có nhiều khoảnh khắc đẹp”.
So với nhiều năm trước, số lượng ghe tập trung tại chợ năm nay có phần ít hơn. Hầu hết các thương lái cùng nhân viên đều tá túc ngay trên ghe. Một chủ ghe cho hay thường qua ngày 26 tháng Chạp chợ mới đông hơn vì người dân đã được nghỉ làm: “Lúc đó bán không nghỉ tay”.
Michalina, Yeliz Kayaalp và người bạn đồng hành Vicky (người Australia) đã có một buổi chiều khám phá bến Bình Đông vui vẻ. Cả ba đều rất thích trải nghiệm này. “Tôi không mua gì mang về vì tôi phải di chuyển đến thành phố khác trong vài ngày tới. Nhưng chắc chắn tôi sẽ nhớ trải nghiệm này rất nhiều”, Vicky tâm sự.