Khách sạn Hồng Kông vật lộn với khó khăn

Khách sạn Hồng Kông vật lộn với khó khăn

(ĐTCK) Ngành công nghiệp khách sạn, dịch vụ nghỉ dưỡng của Hồng Kông (Trung Quốc) đang phải vật lộn trong tình thế khó khăn, khi lượng khách đặt phòng lao dốc bởi hàng nghìn người biểu tình khiến sân bay không thể hoạt động trong tuần vừa qua.

Doanh thu đặt phòng khách sạn tại Hồng Kông đã giảm khoảng 50% trong tháng qua, theo Yiu Si-wing, luật sư đại diện ngành công nghiệp khách sạn Hồng Kông. Nguyên nhân chính là lượng khách từ Trung Quốc Đại lục, vốn thường chiếm tới 80% số du khách ghé thăm Thành phố, đã hầu như vắng bóng vì các mối lo ngại an ninh.

Diễn biến này sẽ tạo thêm áp lực đối với nền kinh tế vốn đang gặp nhiều khó khăn bởi tâm lý đầu tư bị ảnh hưởng từ các biến động chính trị, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc tỏa sức nóng…

Yiu Si-wing cho biết, tỷ lệ phòng đã được đặt trước trong nửa đầu năm tại Hồng Kông thường ở mức 90%, nhưng năm nay con số này sẽ giảm đi ít nhất 1/3 hoặc nhiều hơn nữa. Ước tính, hơn một nửa lượng khách đặt phòng trong tháng 8 đã hủy hoặc hoãn lịch nhận phòng.

Một trong các vấn đề lớn đối với ngành du lịch - dịch vụ khách sạn tại Hồng Kông là việc giới chức Trung Quốc, cũng như các hãng truyền thông liên tục nhắc tới hành động biểu tình tại Hồng Kông gắn liền với tính chất bạo lực.

Người dân Trung Quốc cũng được cảnh báo không nên tới Hồng Kông để đảm bảo an toàn cho bản thân khi người biểu tình được cho là tấn công cảnh sát và các công dân khác không có liên quan tới các phong trào này.

Khách sạn Hồng Kông vật lộn với khó khăn ảnh 1

Làn sóng biểu tình, vốn đã nhen nhóm kể từ tháng 6/2019, vừa bước lên nấc thang mới trong tuần vừa qua khi khiến một trong những sân bay quốc tế sôi động bậc nhất châu Á phải đóng cửa, hàng trăm chuyến bay bị hủy bỏ.

InterContinental Hotels Group Plc, công ty mẹ của Crowne Plaza và chuỗi khách sạn Holiday Inn cho biết, hoạt động xuống đường của người dân đã khiến công việc kinh doanh chậm lại. Giá cổ phiếu của tập đoàn khách sạn Anh Quốc này đã giảm gần 10% kể từ mức kỷ lục mới đạt được vào cuối tháng 7 vừa qua.

Một số doanh nghiệp khác cũng chịu tổn thương bởi những diễn biến tại Hồng Kông là Sun Hung Kai Properties Ltd, công ty sở hữu resort hạng sang Four Seasons và New World Development Co, doanh nghiệp điều hành chuỗi khách sạn bao gồm Grand Hyatt Hong Kong. Cổ phiếu của cả 2 tập đoàn này đều đã giảm hơn 20% trong tháng vừa qua.

Trong bối cảnh lượng khách suy giảm đột ngột, giá phòng tại Hồng Kông cũng phải điều chỉnh xuống mức dễ chịu hơn. Một phòng tiêu chuẩn dịp cuối tuần tại Conrad Hotel, thuộc sở hữu của Hilton Worldwide hiện có giá 1.530 HKD (195 USD)/đêm, rẻ hơn 40% so với cùng thời điểm cách đây 2 tháng, theo số liệu hiển thị tại website của hãng. Các khách sạn như Marriott International Inc và Shangri-La Asia Ltd cũng giảm giá ở mức tương đương.

“Tình hình biến động tại Hồng Kông, cũng với việc một số quốc gia đưa ra cảnh báo với công dân về việc đến thành phố này đã khiến một số khách du lịch cá nhân, gia đình hoặc tập thể hủy lịch. Chúng tôi cũng chứng kiến số lượng khách hàng địa phương tới các nhà hàng, cửa hiệu giảm sút”, người phát ngôn của Shangri-La Group cho biết.

Tin bài liên quan