Khách sạn cao cấp ‘lên ngôi’

Khách sạn cao cấp ‘lên ngôi’

(ĐTCK-online)Theo kết quả khảo sát ngành kinh doanh dịch vụ khách sạn năm 2007 của Công ty Tư vấn tài chính và Kiểm toán Grant Thornton Việt Nam (GTV) vừa công bố, các khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định.

Khảo sát này (được thực hiện tại 29 khách sạn, với 3.946 phòng, ở các trung tâm du lịch như Hà Nội, TP.HCM, Hạ Long, Đà Nẵng, Hội An, Huế, Nha Trang, Phan Thiết, Vũng Tàu, Đà Lạt) cho thấy, năm 2006 đánh dấu sự tăng trưởng về số lượng khách quốc tế, công suất phòng, giá phòng, đồng thời cho thấy mối quan tâm của các khách sạn lớn trên thế giới đối với hoạt động đầu tư và mua bán khách sạn tại Việt Nam. Xu hướng trên vẫn đang tiếp diễn trong năm 2007.

Theo Báo cáo, mức giá phòng bình quân tăng 7,7%, từ 55,78 USD/ngày năm 2005 lên 60,06 USD/ngày năm 2006. Miền Bắc là khu vực dẫn đầu, với giá phòng bình quân tăng 21,1%; miền Trung tăng 15,7%, trong khi giá phòng của các khách sạn tại khu vực phía Nam có phần ổn định. Đối với các khách sạn 5 sao, công suất phòng bình quân đạt 73,1% và giá bình quân là 69,06 USD/ngày. Tỷ lệ lợi nhuận ròng trên tổng doanh thu của các khách sạn 5 sao đạt 40% và của các khách sạn 4 sao là 21%, cao hơn nhiều so với mức 0,4% của các khách sạn 3 sao.

Khách thuê phòng có xu hướng thích sử dụng các kênh đặt phòng qua mạng hơn là trực tiếp. Tỷ lệ đặt phòng qua Internet, đại lý du lịch và các trung tâm điều hành tour ngày càng tăng: từ 44,76% năm 2005 lên 57,35% năm 2006 (tính theo phần trăm doanh thu bộ phận phòng). Tỷ lệ khách đặt phòng trực tiếp giảm đáng kể, từ 41,21% xuống còn 29,8%.

Kết quả phân tích về khách hàng cho thấy, Việt Nam đã và đang trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với người dân châu Á và châu Âu. Theo kết quả thống kê từ dữ liệu của các khách sạn tham gia khảo sát, lượng khách quốc tế tăng 6% từ năm 2005 đến năm 2006. Trong đó, khách thương gia chiếm 22,7%, khách du lịch chiếm 28,4%. Các nền kinh tế Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan) vẫn chiếm thị phần khách quốc tế lớn nhất, với 38%.

Theo GTV, rất nhiều trong số 18 triệu khách du lịch nội địa có khả năng chi trả cho việc thuê những khách sạn sang trọng đắt tiền. Do vậy, chỉ tính riêng năm ngoái, doanh thu ngành khách sạn đã đạt 2,25 tỷ USD.

Việc không có nhiều dự án đầu tư phát triển khách sạn từ sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cộng với nhu cầu tăng cao dẫn đến hiện tượng thiếu phòng vào mùa cao điểm ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Tình trạng này được dự báo sẽ còn tiếp diễn trong năm 2007. Rất nhiều tập đoàn đầu tư và quản lý quốc tế đang quan tâm đến thị trường khách sạn, khu du lịch nghỉ dưỡng và spa đạt tiêu chuẩn 5 sao tại Việt Nam . Trong số đó, phải kể đến các tên tuổi như Kingdom Hotels (sở hữu các thương hiệu Raffles, 4 Seasons và Movenpick), Banyan Tree, Colomy Resorts và Intercontinental.

Với một lượng vốn lớn đổ vào các quỹ đầu tư bất động sản tại Việt Nam, đã có rất nhiều cuộc đàm phán mua bán khách sạn lớn diễn ra trong vòng 2 năm qua, bao gồm Hilton (Hà Nội), Sofitel Metropole (Hà Nội), Gouman (Hà Nội), Duxton (TP.HCM), Omni (TP.HCM) và Furama (Đà Nẵng). Tập đoàn Accor Hotels được xem là chiếm lĩnh thị trường, với việc quản lý một số lượng lớn khách sạn cũng như điều hành hệ thống các khu nghỉ dưỡng/spa hàng đầu dưới các thương hiệu Six Senses/Evason. Trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài, VinaLand là nhà đầu tư khách sạn lớn nhất.

Nhận định về giá phòng và công suất các khách sạn, khu nghỉ mát cao cấp, ông Võ Anh Tài, Giám đốc Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist cho rằng, các chỉ số này sẽ còn tiếp tục tăng, do sự gia tăng số lượng khách du lịch thương gia và Việt kiều, trong khi ngày càng nhiều du khách nội địa sẵn sàng chi trả cao hơn để được cung cấp các tiện nghi và dịch vụ cao cấp của các khách sạn, khu nghỉ dưỡng 5 sao.

Ông Albert Kaindlbauer, Giám đốc điều hành Khách sạn 5 sao Renaissance Riverside Hotel Saigon, cũng lạc quan không kém khi cho rằng, trong nhiều năm liền, ngành kinh doanh khách sạn tại Việt Nam im lìm với mức giá phòng và công suất phòng rất thấp và mới chỉ bắt đầu khởi sắc từ khoảng 2 năm trở lại đây, đặc biệt là sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). “Chúng tôi hy vọng, công suất phòng tại Khách sạn Renaissance Riverside sẽ đạt 80% vào tháng 3/2008 và đạt 90% vào quý III/2008, vì đây thường là những tháng cao điểm phục vụ của khách sạn”.

Lý giải về hiện tượng tăng giá phòng, ông Kaindlbauer tiết lộ, giá phòng tại Khách sạn Renaissance Riverside đã tăng 15 - 20% do nhu cầu thị trường tăng, nhưng chủ yếu là do sự tăng mạnh của chi phí đầu vào và giá công lao động. Ông cho rằng, kinh doanh khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp ở Việt Nam vẫn phải đương đầu với khá nhiều thách thức do sự cạnh tranh của các điểm đến khác trong khu vực cũng như việc tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mời gọi du khách quay lại sau lần đầu ghé thăm.