Đây là nhận định được CBRE Việt Nam đưa ra trong báo cáo mới nhất về thị trường du lịch Việt Nam năm 2021. Tuy nhiên, CBRE cũng cho rằng, việc mở lại các đường bay quốc tế, cộng với tốc độ tiêm ngừa vượt dự kiến, đứng thứ 3 chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ trong số các nước có tỷ lệ tiêm chủng nhanh nhất, ngành du lịch Việt Nam nhìn chung có triển vọng tích cực trong năm 2022.
Với thị trường khách sạn 4 - 5 sao Hà Nội, theo CBRE, cả năm 2021 chỉ có một khách sạn 5 sao mới là Capella Hanoi với 47 phòng. Tính đến hết năm 2021, tổng số phòng đạt 8.407 phòng đến từ 38 dự án.
Do dịch bệnh kéo dài, giá thuê phòng bình quân trong năm 2021 tiếp tục giảm xuống còn 95,5 USD/phòng/đêm, giảm 5,7% so với năm 2020 và 19,7% so với năm 2019, thời điểm trước khi có đại dịch. Khách sạn tại Hà Nội được phép tiếp tục chào đón du khách mới vào tháng 10, sau khi các quy định hạn chế về giãn cách xã hội được nới lỏng vào tháng 9.
Thêm vào đó, một số khách sạn 4 sao được chuyển thành cơ sở cách ly nhưng những biện pháp này cũng chỉ góp phần nhỏ trong việc phục hồi tình hình hoạt động. Năm 2021, tỉ lệ lấp đầy của thị trường khách sạn Hà Nội đạt 30,6%, tiếp tục giảm 4,5 điểm phần trăm so với năm 2020 và 50,6 điểm phần trăm so với năm 2019.
Năm 2022, 98% dân số trên 18 tuổi ở Hà Nội đã được tiêm phòng đầy đủ. Mặc dù nguồn cung mới còn hạn chế do khủng hoảng đại dịch đang làm cản trở quá trình xây dựng, nhưng tốc độ tiêm phòng nhanh chóng và việc mở lại đường bay quốc tế vào tháng 1/2022 với những du khách Nhật Bản đầu tiên hạ cánh xuống sân bay quốc tế Nội Bài báo hiệu sự phục hồi của thị trường du lịch Hà Nội. Một số dự án nổi bật có thương hiệu quốc tế như Four Seasons, Wink, Dusit và Fairmont đang trong quá trình xây dựng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023..
Với thị trường khách sạn 4 - 5 sao tại TP.HCM, theo CBRE cả năm 2021, thành phố chỉ đón tiếp 9,4 triệu lượt khách nội địa, giảm 42% so với cùng kỳ năm trước và khách quốc tế mới hầu như không có. Tính đến hết năm 2021, thị trường khách sạn 4 – 5 sao tại TP.HCM có tổng cộng 11.182 phòng với 51 dự án.
Dịch bệnh tiếp tục là thách thức lớn với lĩnh vực dịch vụ lưu trú, theo đó, tình hình hoạt động của thị trường khách sạn 4 – 5 sao tại TP.HCM chưa ghi nhận nhiều thay đổi tích cực. Năm 2021, giá phòng bình quân chỉ đạt 72,4 USD/phòng/đêm, giảm 20,6% so với cùng kỳ 2020.
Xu hướng khách sạn chuyển đổi mô hình thành cơ sở cách ly có trả phí vẫn khá phổ biến, nhờ vậy công suất phòng được cải thiện dần so với giai đoạn mới bùng phát dịch năm 2020. Công suất phòng bình quân năm 2021 đạt 28,5%, tăng 3,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ. RevPAR (doanh thu trên mỗi phòng có sẵn) cả năm 2021 chỉ đạt 20,3 USD/phòng/đêm và ghi nhận sự sụt giảm 15% so với cùng kỳ.
Đặc biệt trong quý 3/2021, TP.HCM áp dụng tăng cường các biện pháp kiểm soát, trong đó yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện phương án ”1 cung đường, 2 điểm đến” nhằm duy trì hoạt động và đồng thời đáp ứng tiêu chí an toàn phòng chống dịch. Công suất phòng bình quân trong quý này tăng mạnh lên đến 35,2%, tăng 8 điểm phần trăm so với quý trước. Tuy nhiên, khi thành phố từng bước quay về trạng thái ”bình thường mới”, công suất phòng bình quân quý 4/2021 đã có sự điều chỉnh nhẹ và duy trì ở mức 25,4%. Thị trường khách sạn 4 – 5 sao sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong ngắn - trung hạn, chủ yếu là do mức giá thuê phòng hiện vẫn neo ở mức tương đối thấp.
CBRE đánh giá, với việc thành phố đã hoàn thành việc tiêm chủng mũi 2 cho 100% dân số từ 18 tuổi trở lên và hiện đang tiếp tục triển khai tiêm chủng mũi bổ sung, năm 2022 sẽ mở ra nhiều cơ hội cho thị trường khách sạn 4 – 5 sao của TP.HCM, theo đó, thị trường sẽ có nhiều tín hiệu khởi sắc trong nửa đầu 2022 và tốc độ phục hồi sẽ mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm.
Thị trường khách sạn 4 – 5 sao TP.HCM dự kiến sẽ có thêm nguồn cung mới khoảng 2.803 phòng từ 13 dự án, cùng với đó là sự hiện diện của các thương hiệu khách sạn cao cấp mới như Ritz Carlton, Mandarin Oriental, Hotel Indigo, Avani.